Lợi, hại từ việc tuyên truyền về tinh thần của ‘hiệp sĩ’

Mới đây, Sở GD&ĐT TP.HCM đã gửi văn bản tới các trường học đề nghị tổ chức tuyên truyền cho học sinh (HS), sinh viên về tinh thần dũng cảm của nhóm “hiệp sĩ” vừa bị tấn công gây thương vong vì truy bắt tội phạm, đồng thời kêu gọi đóng góp giúp đỡ gia đình các nạn nhân.

Báo Pháp Luật TP.HCM nhận được một số ý kiến của chuyên gia, nhà giáo và phụ huynh liên quan đến vấn đề trên.

Lo các con bắt chước làm “hiệp sĩ”

Các con cần phải được giáo dục cách để tự vệ trước chứ chưa chín chắn để hiểu đầy đủ về những khía cạnh nên hay không nên trong câu chuyện này.

Tôi thường dạy con cách làm sao để thoát thân khi gặp sự cố tốt nhất chứ chưa dạy con cách đứng ra chống chọi với cướp. Bởi sức khỏe, độ nhạy, phản ứng trước hiểm nguy của con còn hạn chế. Điều con luôn phải nhớ là mạng sống của con bao giờ cũng quan trọng nhất.

Tôi đang lo là có khi nào văn bản của Sở sẽ gây ra phản ứng ngược khiến các con đều muốn bắt chước làm “hiệp sĩ”, điều đó rất nguy hiểm.

Chị NGUYỄN THỊ LIÊN, một phụ huynh HS

Tuyên truyền sao cho khéo


Thứ Hai (21-5), nhà trường sẽ tổ chức sinh hoạt dưới cờ về nội dung này.

Tuyên truyền về vấn đề này, đầu tiên tôi sẽ giúp các em hiểu những người đi ăn cướp là người xấu. Bên cạnh đó những “hiệp sĩ” tay không bắt cướp rất dũng cảm. Chúng tôi dạy các em không chỉ có tinh thần giúp đỡ người khác mà cần phải biết bảo vệ mình bằng những hành vi phù hợp với lứa tuổi. Chẳng hạn như khi gặp tình huống đó cần tri hô, la lên, dùng điện thoại chụp lại biển số xe chứ không khuyến khích việc các em lao ra bắt cướp.

Ông HUỲNH THANH PHÚ, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, quận 10

Một buổi sinh hoạt dưới cờ của Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai, quận Gò Vấp.  Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Đừng giáo dục theo kiểu “ao làng”

Tâm lý các em ở lứa tuổi HS đều thích khẳng định mình. Dù có giải thích thế nào thì cái ý của văn bản có thể đẩy dư luận theo hướng khuyến khích tinh thần “hiệp sĩ” trong cộng đồng HS, sinh viên. Đó là điều không nên.

Đồng ý là thấy cái xấu phải lên tiếng, thấy người bị yếu thế cần bảo vệ nhưng với HS, sinh viên cần giáo dục kiểu khác. Điều Sở nên làm là hướng dẫn các em cách giải quyết như tìm số điện thoại cần thiết, gặp cơ quan gần nhất để giúp đỡ chứ không phải nêu cao tinh thần “hiệp sĩ”.

Bất kỳ một văn bản nào được phát hành bởi cơ quan giáo dục đều ảnh hưởng đến cả triệu HS TP nên cần thận trọng. Tất cả văn bản liên quan đến hành vi, ứng xử thì phải rõ ràng. Sở cần phải hiểu rằng trong xã hội văn minh, các “hiệp sĩ” không có chuyện được tôn vinh khi anh lao ra bắt cướp.

Khi sống trong một xã hội văn minh, công việc được phân chia một cách rạch ròi, săn bắt cướp không phải là công việc của công chúng mà nó được thực thi bởi cảnh sát, công an. Hồi ở Mỹ, tôi cảm thấy rất sốc chuyện này. Nếu ở Việt Nam, khi có một tai nạn xảy ra, mọi người sẽ chạy tới, đưa người đi cấp cứu. Còn ở Mỹ, họ đứng yên gọi cho cứu thương, cảnh sát vì đó là những người chuyên nghiệp trong việc xử lý sự việc trên. Đó là sự phát triển của một xã hội hiện đại.

Khi đưa ra một văn bản cần phải hết sức cân nhắc trên cái văn minh chung của thế giới. Bởi giáo dục là để đào tạo công dân sau này làm việc, hòa nhập với thế giới chứ không phải đào tạo theo tính cách “ao làng” mà lại đưa văn bản khuyến khích như thế.

Trong giáo dục, ranh giới giữa giáo dục nêu gương và hành động cần phải rõ ràng. Vì thế, nếu có ra văn bản về chuyện này thì bên cạnh nội dung giúp các em hiểu đó là hành động tốt thì cần phải nói rõ: Đây không phải là hành động cần noi theo!

Một chuyên gia trong ngành giáo dục (xin được giấu tên)

Cần học những chuẩn mực đã được công nhận

Tôi khá ngỡ ngàng trước nội dung văn bản của Sở GD&ĐT. Việc làm của các “hiệp sĩ” rất xứng đáng được vinh danh. Thế nhưng việc đưa tấm gương đó vào giáo dục nhà trường lại hoàn toàn khác. Vì giáo dục đòi hỏi chuẩn mực nghiêm cẩn và tính chính danh.

Chúng ta sẽ trả lời thế nào khi các con hỏi: Sao các chú “hiệp sĩ” không có vũ khí mà lại lao vào kẻ cướp có trong tay “hàng nóng”, hành động này có quá liều lĩnh hay không? Các chú tự lao vào tấn công, áp chế người khác có phải là hành vi phạm pháp không? Ai sẽ bảo vệ các chú ấy?...

Hơn ai hết, giáo viên sẽ phải đối diện trực tiếp với những câu hỏi thực tế đó. Ai sẽ chịu trách nhiệm giải thích khái niệm và giải đáp thắc mắc từ HS?

Trẻ con cần học gương tốt, có toàn quyền học và tìm hiểu điều đó qua các phương tiện truyền thông. Còn ở trường, các con cần học những chuẩn mực đã được công nhận.

Bà NGUYỄN MAI LOAN, giáo viên văn, hệ thống trường Việt Mỹ 

- Vaschool, quận 11

Phải cân nhắc lợi, hại

Tôi nghĩ hành động của các “hiệp sĩ” cứu người bên cạnh sự dũng cảm còn có sự liều mạng. Bởi các anh chưa được trang bị kỹ năng cũng như những công cụ cần thiết để bắt cướp mà chỉ có tinh thần quả cảm, quyết tâm trong khi lại đối diện với những tên cướp lưu manh, lì lợm. Sở ra văn bản yêu cầu các trường tuyên truyền cho HS theo kiểu “liều mạng” như thế rất nguy hiểm.

Lứa tuổi HS là giai đoạn các em hình thành nhân cách cũng như suy nghĩ, các em cũng chưa chín chắn để có thể nhìn nhận vấn đề. Cho nên nếu mình tuyên truyền theo kiểu phong trào, không khéo các em sẽ có những hành vi bắt chước không đáng có.

Bà PHAN THỤY MỘNG THU, giáo viên Trường THCS Lữ Gia, quận 11

Ông NGUYỄN MINHTrưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD&ĐT TP.HCM (đơn vị tham mưu văn bản nói trên):

Không khuyến khích các em làm “hiệp sĩ”

Thông qua văn bản, chúng tôi muốn giáo dục các em có một chính kiến rõ ràng về cái tốt, cái xấu trong cuộc sống. Tinh thần của văn bản không khuyến khích các em đi làm “hiệp sĩ”.

Hiện nay nhà trường nên giáo dục HS thông qua những con người, câu chuyện cụ thể, bằng những sự việc xung quanh các em đang tồn tại. Với câu chuyện các anh “hiệp sĩ”, nó là vấn đề gợi mở về giáo dục. Đó là giáo dục về lòng dũng cảm và giáo dục về việc thể hiện thái độ trước việc xấu, việc tốt. Còn để bảo vệ cái tốt, thực hiện cái tốt, các em cần phải trang bị cho mình thêm kỹ năng, những giải pháp. Nhà trường sẽ là nơi trang bị cho các em những điều đó.

Đây là một văn bản nhân văn vì nó kêu gọi sự chia sẻ đối với những khó khăn mà gia đình “hiệp sĩ” đang gặp phải. Mặt khác, thông qua câu chuyện đó sẽ định hướng giáo dục cho các em.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm