Luật hóa chuyện ly thân?

Bộ Tư pháp đang lấy ý kiến đóng góp sửa đổi Luật Hôn nhân và Gia đình (HN&GĐ) năm 2000 trong đó có nên đưa chế định ly thân vào luật hay không.

Từ trước đến nay, luật pháp về HN&GĐ Việt Nam (Sắc lệnh số 159-SL ngày 17-11-1950, luật ngày 29-12-1959 và luật ngày 29-12-1986…) chỉ quy định việc chấm dứt hôn nhân bằng hình thức ly hôn, hoàn toàn không có quy định gì về hình thức ly thân.

Nên có chế định ly thân

Luật sư Trương Thị Hòa cho rằng: “Lâu nay ở ta hay nghĩ một cách đơn giản về sự bảo đảm tự do trong hôn nhân. Nếu giữa vợ chồng thực sự không còn tình yêu thì giải quyết cho ly hôn. Khi ly hôn rồi, nếu họ muốn sống trở lại với nhau thì đăng ký kết hôn lại như mới. Lúc còn chung sống, luật cho phép vợ, chồng có quyền tự do chọn chỗ ở, muốn ở chung thì ở, không thì ở riêng; tài sản chung vẫn có thể phân chia khi còn là vợ chồng…

Vậy thì quan hệ vợ chồng đã quá cởi mở, rộng rãi rồi, thuận tiện rồi, cần chi phải có chế định ly thân nữa?

Song thực tế cho thấy việc sống ly thân giữa vợ chồng vẫn thường xảy ra mà không được pháp luật điều chỉnh rõ ràng về quyền, nghĩa vụ của hai bên nên dễ gây ra nhiều khó khăn, hệ lụy cho cả hai người và cho xã hội. Chẳng hạn như vợ chồng được tự do ở chung hay ở riêng nhưng nghĩa vụ nuôi dưỡng, giáo dục con cái thì ai lo? Việc tự ý sống riêng ra như vậy thì về mặt pháp lý sẽ có hiệu lực như thế nào đối với… người thứ ba? Tài sản mỗi người tạo lập trong lúc “sống xa nhau” ấy là tài sản chung hay riêng? Nghĩa vụ giao ước, nợ nần với người khác trong lúc ấy là nghĩa vụ chung của cả hai vợ chồng hay chỉ của người kết ước thôi?...”.

Luật hóa chuyện ly thân? ảnh 1

Việc quy định chế định ly thân là cần thiết để gỡ vướng cho các gia đình rạn nứt lẫn cơ quan pháp luật. Ảnh minh họa: HTD

Thực tế đã có ly thân

Vừa qua, dù Luật HN&GĐ không xem ly thân là căn cứ để ly hôn nhưng trong thực tế nhiều thẩm phán vẫn xem xét tình trạng này. Với những trường hợp ly hôn theo yêu cầu của một bên, các thẩm phán thường xem thời gian không sống chung trên dưới một năm là cơ sở cho thấy mâu thuẫn vợ chồng đã kéo dài khó hàn gắn được. Bà Nguyễn Thị Bích Thủy, nguyên Chánh án TAND quận Bình Thạnh, người có thâm niên xét xử án ly hôn cho biết trên 50% các trường hợp ly hôn đều đã có thực tế ly thân trước đó.

Tuy nhiên, theo bà Thủy do luật pháp không quy định về chế định ly thân nên việc chứng minh một đôi nào đó có ly thân còn gặp khó khăn. Bà Thủy đưa thực tế: “Tòa thường xem thời gian ly thân nên cũng là một trong những cơ sở của sự không hạnh phúc. Thế nhưng tòa không dễ chứng minh một cặp vợ chồng nào đó có ly thân hay không. Với những cặp vợ chồng có học thức người ta không đánh chửi nhau mà im lặng chọn giải pháp ly thân, người ngoài khó biết nên khó chứng minh được. Chuyện vợ chồng không ở cùng nhau thì lối xóm và cả cảnh sát khu vực nhiều khi cũng chẳng biết được để mà xác minh cho”.

Thiếu luật khó giải quyết

Đồng ý với quan điểm này, bà Trần Thị Bích Thủy, Phó Chánh án TAND quận Phú Nhuận, cho biết quá trình thu thập chứng cứ để chứng minh vợ chồng ly thân còn gặp khó khăn. Nhiều trường hợp vợ chồng có ly thân nhưng tòa không chứng minh được, phải bác đơn. Theo luật hiện hành, một năm sau kể từ ngày tòa bác đơn thì đương sự được quyền nộp đơn xin ly hôn tiếp. Lần này, tòa sẽ tính mốc thời gian bắt đầu xảy ra mâu thuẫn vợ chồng kể từ lần nộp đơn thứ nhất đến nay, mâu thuẫn đó đã kéo dài mới xét cho ly hôn.

Vì không có định chế ly thân, không xác định được thời gian ly thân, tòa không dám cho ly hôn nên việc giải quyết án ly hôn thường phải kéo dài khiến cho nhiều đương sự gặp khó khăn trong việc xây dựng cuộc sống mới. Đồng thời, trong quá trình ly thân nảy sinh nhiều vấn đề nan giải như việc cấp dưỡng nuôi con, ngoại tình, tẩu tán tài sản… mà luật không quy định.

Theo các chuyên gia, thực tế có những người dù sống không hạnh phúc nhưng không chịu ly hôn hết năm này qua năm khác, thậm chí kéo dài cả đời để cản trở chuyện vợ (chồng) mình đi bước nữa với người khác. Bên cạnh đó, nước ta có một cộng đồng lớn theo Công giáo, họ không ly hôn mà chỉ ly thân khi không còn hạnh phúc. Vì vậy, việc quy định chế định ly thân là cần thiết để gỡ vướng cho các gia đình rạn nứt lẫn cơ quan pháp luật.

Nhiều nước có quy định về ly thân

Theo luật sư Trương Thị Hòa, ở phương Tây, vì lý do tôn giáo, thực tế đã xảy ra và pháp luật đã ghi nhận hình thức ly thân. Ly thân là cho phép hai vợ chồng sống riêng biệt với nhau, song giữa họ vẫn còn quan hệ vợ chồng. Theo giáo lý Công giáo, “những gì Chúa đã tác hợp thì người đời không có quyền sửa đổi”. Giáo luật Công giáo không cho phép ly hôn bởi tính chất “đơn nhất và bất khả phân ly” của hôn phối. Vì vậy, đôi vợ chồng theo đạo Thiên Chúa khi kết hôn đã làm lễ trước Chúa rồi thì không được ly hôn dù quan hệ vợ chồng có sa sút thế nào đi nữa.

Ở những nước này (như Pháp chẳng hạn), pháp luật vừa cho phép ly hôn vừa cho phép ly thân. Ai có đạo thì xin ly thân (vì không ly hôn được), ai ngoại đạo thì có thể ly hôn. Về sau, do sự phát triển của xã hội, ly thân đã trở thành giải pháp tạm thời, quá độ. Khi giữa vợ chồng phát sinh mâu thuẫn hoàn toàn không còn hàn gắn được, đến mức cần chấm dứt hôn nhân thì sau một thời gian ly thân mới áp dụng đến giải pháp ly hôn.

Ở miền Nam trước 1975, đã có chế định ly thân

Ở miền Nam trước năm 1975, luật pháp cũng cho phép vợ chồng ly thân song song với biện pháp ly hôn. Khi có bản án cho ly thân, quan hệ vợ chồng được đặt trong tình trạng đặc biệt với những điểm chủ yếu như hai vợ chồng ở riêng ra, người chồng không còn quyền gia trưởng đối với vợ, tài sản chung-riêng được thanh toán và phân chia cho mỗi người, giải quyết phân chia nghĩa vụ nuôi dưỡng con cái…

Tuy nhiên, vì giữa họ vẫn còn quan hệ vợ chồng nên cả hai vẫn còn nghĩa vụ “trung thành” (chung thủy) với nhau, chưa được có chồng, có vợ khác…

Nhìn chung, sự ly thân coi như một giải pháp “quá độ”, một giai đoạn thử thách cuối cùng trước khi đi tới ly hôn. Vì sau khi ly thân, hai vợ chồng còn có cơ hội suy nghĩ lại, hòa giải và tái hợp dễ hơn trường hợp ly hôn.

THANH MẬN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm