Mất bảy năm đào tạo, luật sư vẫn chưa thể hành nghề độc lập

Thành công không phải thắng-thua

Khi chọn ngành luật, các em học sinh thường chỉ nghĩ đến học luật là để làm luật sư, nhưng thực tế các em có thể làm được rất nhiều nghề khác như: thẩm phán, kiểm sát viên, công an, công chứng viên, thừa phát lại, thi hành án, chuyên viên pháp luật, hành chính nhân sự, thậm chí làm cả nghề kinh doanh… Có thể nói học luật giúp bạn trở thành một con người đa năng trong xã hội.  

Trong số các nghề trên, có lẽ nghề luật sư là “khó khăn” nhất. Cái nghề mà bạn phải vượt qua đến năm lần thi đầu vào, đầu ra cho hơn bốn năm đại học, một năm nghiệp vụ, một năm tập sự mới có thể trở thành luật sư. Nếu tính cả thời gian chờ đợi thủ tục, chắc bạn cũng phải mất khoảng bảy năm mới chính thức hành nghề luật sư được.

Với nội dụng chương trình, cách thức đào tạo và tập sự hành nghề luật sư như hiện nay, với nhiều năm làm hướng dẫn tân sinh viên thực tập, tập sự hành nghề luật sư, tội nhận thấy, sau bảy năm học và tập sự, các tân luật sư chưa thể hành nghề một cách độc lập và tự tin được, ngoài trừ số hiếm các luật sư được phăng ngang từ các ngành tố tụng khác như tòa án, viện kiểm sát hoặc công an.

Khó khăn là vậy, mà mặt bằng thu nhập chung của luật sư là thấp, bởi thu nhập cao hay thấp phụ thuộc vào chính năng lực của luật sư đó, nếu anh không có năng lực thực sự anh không thể tồn tại với cái nghề này. Muốn có thu nhập cao, trước hết luật sư đó phải giỏi, giỏi ở đây không chỉ dừng lại ở góc độ chuyên môn mà anh cần phải có tố chất, bản lãnh, kỹ năng của một người luật sư. Rất nhiều người phải chuyển nghề khi phát hiện mình không phù hợp với nghề này.

Luật sư giỏi, theo cách hiểu tiêu cực, là luật sư biết quan hệ, chạy chọt để thắng án, đó là cách hiểu sai lệch nghiêm trọng về nghề này. Có những luật sư họ không làm án, tức không tham gia bảo vệ, bào chữa tại tòa án, nhưng thu nhập của họ cũng cả nghìn, thậm chí cả chục nghìn USD một tháng. Họ là những luật sư chuyên về tư vấn. Còn những luật sư tố tụng giỏi thì sao? Họ sẽ dùng chính năng lực, bản lãnh, trí tuệ của mình để hành nghề, vận dụng triệt để mọi quy định của pháp luật, đi đến tận cùng của vụ việc, thành công sẽ đến với họ.

Thành công của luật sư trong một vụ án không phải đánh giá trên kết quả thắng – thua, mà là bản lãnh, trách nhiệm và sự sắc bén của luật sư trong vụ án đó. Vì cái nghề, không phải lúc nào luật sư cũng bảo vệ cái đúng mà còn phải có trách nhiệm bảo vệ cả cái sai (ví như bào chữa cho tội phạm), bảo vệ cái sai không phải là sai, mà là bảo vệ cái đúng, cái phù hợp có trong cái sai để giảm thiệt hại do cái sai gây ra. 

Hội tụ nhiều kiến thức...

Trên thực tế, có những vụ án, luật sư đứng về cái đúng nhưng vẫn thua, nhưng cái thua không phải do lỗi chủ quan của luật sư, mà do các yếu tố khách quan hoặc chủ quan của người có quyền quyết định vụ án đó, tất nhiên là ngoại trừ những luật sư thiếu kinh nghiệm và trách nhiệm. Trong trường hợp này, luật sư không nên bỏ cuộc mà phải đi đến tận cùng của vụ án để tìm ra sự thật, cái đúng sẽ mãi là cái đúng, đó là chân lý.

Để theo nghề luật sư, điều đầu tiên bạn cần lưu ý, ngoại hình và phong cách bên ngoài của mình có phù hợp không, kế đến bạn suy nghĩ xem mình có đủ đam mê, nhiệt huyết về nghề này không, sau nữa bạn cần xem xét mình có các kỹ năng mà mà một luật sư cần có không?

Luật sư cần một vẻ ngoài phong cách chững chạc, cứng cỏi, điềm đạm, lịch thiệp. Vì cái khó khăn, gian khổ của nghề nên đòi hỏi bạn cần phải có sự đam mê, tâm huyết và quyết tâm để theo nghề. Nghề luật sư cần rất nhiều kỹ năng, trong đó kỹ năng viết và kỹ năng nói (giao tiếp, diễn đạt, diễn thuyết) có vai trò quan trọng nhất. Khách hàng sẽ ít lựa chọn những luật sư nói lắp, viết ẩu, cũng như có vẻ ngoài luộm thuộm, cục mịch.

Và cuối cùng, cái cần nhất vẫn là kiến thức. Ngoài kiến thức chuyên môn vững chãi, bạn cần phải trang bị cho mình nhiều kiến thức tổng hợp khác như kinh tế, khoa học, xã hội, tâm lý, y khoa, tin học và chú trọng đặc biệt về ngoại ngữ để phục vụ cho nghề của mình. Vì mỗi vụ án là mỗi lĩnh vực, mỗi khía cạnh của xã hội mà luật sư phải tiếp cận. Ví dụ, khi bạn tiếp cận với vụ án kinh tế, nếu bạn không hiểu biết nhiều về quy trình nghiệp vụ của một doanh nghiệp, không hiểu biết về chuyên môn kế toán, tài chính …thì khả năng bảo vệ thành công cho vụ án đó khó đạt như mong muốn. 

Luật sư Nguyễn Kiều Hưng (Đoàn luật sư TP.HCM)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm