Muốn tăng gấp đôi mức phạt phải giám sát chặt CSGT

Đề xuất tăng mức xử phạt lên gấp đôi đối với một số hành vi vi phạm giao thông của Sở GTVT TP.HCM tiếp tục nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc.

Số đông ủng hộ

Bạn đọc Pháp Luật TP.HCM ồ ạt gửi phản hồi sau bài viết “Tranh cãi về tăng gấp đôi mức xử phạt giao thông” đăng ngày 11-12 bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ chủ trương của Sở GTVT.

Số đông thẳng thắn nói: “Nếu tiền phạt này góp phần sửa chữa cầu đường, giảm tai nạn thì tăng năm lần cũng được”, “Phải phạt cho nhớ đời. Ủng hộ làm sớm và triệt để, bất kỳ vi phạm nào cũng phải phạt”.

Ngoài ba nhóm hành vi mà Sở GTVT đề xuất, bạn đọc còn góp thêm các lỗi khiến người dân “nóng mắt”, cần xử phạt nghiêm như: Đi xe trùm kín, đeo tai nghe để nghe nhạc hoặc “tám” điện thoại; bật đèn pha trong nội đô; chạy vượt mặt, quẹo cúp đầu xe; xe khách tấp lề đón trả khách tùy tiện; vừa lái xe vừa hút thuốc; chưa đủ tuổi hoặc chưa có bằng lái nhưng vẫn lái xe…

Bạn đọc Tiến Anh cho rằng: “Tiến tới nên tăng lũy tiến theo số lần tái phạm. Cùng một lỗi tái phạm lần hai, lần ba thì nhân tiền phạt lên. Điều này không khó, hồ sơ rõ ràng thì không lo không truy được”.

Về cách xử phạt, bạn Ngọc Long góp ý: “Cần tổ chức xử phạt hiệu quả như áp dụng camera ghi hình vì camera là công tâm và chính xác nhất”.

Có một số ít ý kiến cho rằng nên xem xét thêm: “Phạt thế chết dân nghèo. Nên bổ sung chế tài như lao động công ích, nâng cao trách nhiệm, ý thức pháp luật của cảnh sát giao thông (CSGT)” - bạn đọc tên Minh bình luận.

CSGT đang lập biên bản một trường hợp vi phạm giao thông tại trung tâm TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG

Điều kiện tiên quyết đi kèm

Liên quan đề xuất này, điều dư luận quan tâm nhất chính là sự công tâm, liêm chính của lực lượng CSGT. “Bát nháo là vì vi phạm nhỏ không trị và xử phạt không công bằng” - bạn Lê Túc nói. Bạn LSD cho rằng: “Ủng hộ tăng phạt nhưng với điều kiện CSGT có lương đủ sống để dưỡng liêm và phải được giám sát chặt chẽ, không để xảy ra tiêu cực”.

“Cái chính là không có một vi phạm nào bị bỏ qua, phải công bằng, minh bạch trong xử phạt thì hiệu quả răn đe mới có. Nếu không, phạt càng cao thỏa thuận ngầm càng nhiều chỉ khiến dân càng sai hơn còn CSGT hư nhiều hơn” - bạn Khoa Tô nhận định.

Trong một lần trả lời Pháp Luật TP.HCM, Trung tá Huỳnh Trung Phong, Trưởng phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC67) Công an TP.HCM, đã nhấn mạnh: “Đối với một số CSGT có biểu hiện hoặc thực hiện việc mãi lộ, vòi vĩnh tiền của người vi phạm giao thông… những người này đã bị loại ra khỏi ngành hoặc bị xử lý kỷ luật thích đáng, điều động ra khỏi lực lượng CSGT”. 

Bạn HK và Lê Ngọc Dũng cũng lo ngại: “Tiền phạt tăng sẽ là cơ hội để CSGT thu lợi bất chính vì người vi phạm dễ dàng thỏa hiệp hơn, trong khi đó điều này thì không thể trông chờ sự tự giác của CSGT”. Do đó bạn Đ.Hòa hiến kế: “Phải chế tài nặng CSGT biến chất, nhận lót tay, phạt tiền, cho ra khỏi ngành, thậm chí là truy cứu trách nhiệm hình sự. Không thể chỉ kiểm điểm, rút kinh nghiệm như hiện nay”.

Trên hết, bạn đọc cho rằng điều cần có nhất đó là sự vững vàng về nghiệp vụ, nghiêm minh trong xử lý, trong sáng, minh bạch trong hành động của lực lượng CSGT. “Giám sát người lưu thông mắc lỗi thì cũng phải truy được CSGT không nghiêm. Hãy áp dụng nhiều biện pháp công nghệ hơn trong quản lý, xử phạt giao thông” - bạn NgKinh bổ sung.

Một số biện pháp khác như cải tạo đường sá, thống nhất biển báo, phát triển phương tiện công cộng, chú trọng tuyên truyền, hướng dẫn… cũng được người dân đề xuất.

Tăng mức phạt chỉ giải quyết phần ngọn

Việc đề xuất tăng mức phạt gấp đôi đối với một số vi phạm trong nội đô trước mắt là mang tính răn đe. Nhận định về hiệu quả của biện pháp này thì phải thực hiện đến cùng mới biết.

Chủ yếu làm sao để ý thức của người tham gia giao thông được nâng lên chứ phạt nhiều mà không chuyển biến được ý thức thì cũng không hiệu quả. Hình thức này chỉ là bước cuối cùng, tuyên truyền giáo dục vẫn là cốt lõi. Cũng như xử lý xe đậu sai quy định cũng chỉ là giải quyết phần ngọn, cái gốc là đáp ứng nhu cầu đậu xe của người dân.

Vừa qua, Phòng PC67 đã phát triển hệ thống camera trong việc xử lý vi phạm cho thấy hiệu quả rõ rệt. Tuy nhiên, do vấn đề tài chính nên đây là cả một lộ trình dài. Việc dùng camera di động để ghi hình các phương tiện đậu đỗ sai đã thực sự mang lại những chuyển biến tích cực.

Một lãnh đạo Phòng PC67 Công an TP.HCM

Tăng mức phạt nhằm kéo giảm tai nạn giao thông

Đề xuất tăng gấp đôi mức xử phạt vi phạm giao thông chỉ nhắm vào ba nhóm hành vi vi phạm quy tắc giao thông, tựu trung vào hai đối tượng là những người tham gia giao thông và cá nhân, tổ chức đang thi công trên đường bộ. Cơ sở thực tế của đề xuất là từ năm 2016, tình hình tai nạn giao thông tại TP tăng trên cả ba mặt, nguyên nhân lớn từ các hành vi vi phạm giao thông của hai chủ thể, đối tượng trên nên Sở GTVT đã lập đề xuất, trình UBND và HĐND TP.

Đề xuất này không nhằm tăng nguồn thu mà để nâng cao tính phòng ngừa, răn đe, gián tiếp nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông cho người dân. Đây là giải pháp nằm trong gói tổng thể nhằm thiết lập lại trật tự, kỷ cương trong lĩnh vực an toàn giao thông, kéo giảm tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn TP. Hiệu quả đến đâu phải đến khi được thông qua, đưa vào thực hiện một thời gian mới có thể đánh giá được.

Ông BÙI XUÂN CƯỜNGGiám đốc Sở GTVT TP

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm