Nếu sửa thì phải sửa đồng bộ

Mua nhà tại Việt Nam: Đừng buộc Việt kiều chỉ mua nhà để ở

Như Báo Pháp Luật TP.HCM đã đăng tải, Chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình đã đề nghị Quốc hội bãi bỏ hai điều luật của Luật Đất đai để người dân sau khi được UBND cấp tỉnh giải quyết khiếu nại lần hai về đất đai vẫn được quyền khởi kiện vụ án hành chính. Ngoài việc ủng hộ ý kiến trên của Chánh án Trương Hòa Bình, tôi xin được góp thêm vài ý để làm rõ hơn vấn đề.

Luật Khiếu nại, tố cáo không hạn chế người dân thực hiện quyền khởi kiện đối với những trường hợp đã có quyết định giải quyết lần hai (Điều 45, 46). Nhưng Luật Đất đai lại quy định “quyết định của chủ tịch UBND cấp tỉnh là quyết định giải quyết cuối cùng” (Điều 138) và Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính được sửa đổi, bổ sung năm 2006 cũng quy định theo hướng này. Như vậy, để người dân được quyền chọn tòa án là nơi giải quyết vụ việc của mình, không chỉ có Luật Đất đai phải sửa đổi mà cả Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính cũng phải được sửa đổi cho đồng bộ.

Cũng xin nói thêm, với “rừng” hệ thống pháp luật hiện nay, nếu chỉ sửa văn bản này mà quên sửa các văn bản khác liên quan, chính các cơ quan chức năng sẽ gây khó cho những người thực hiện. Đơn cử, tuy Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính (được sửa đổi, bổ sung năm 2008) cho phép UBND cấp xã được quyền phạt đến hai triệu đồng, UBND huyện được quyền phạt đến 30 triệu đồng nhưng nếu chỉ đơn thuần tra cứu một số nghị định xử lý cụ thể được ban hành dựa theo pháp lệnh cũ và vẫn chưa được chỉnh sửa cho phù hợp, nhiều người có thể hiểu nhầm về thẩm quyền xử phạt hiện nay của UBND hai cấp nói trên.

Luật sư TRẦN CÔNG LY TAO

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm