Nghèo xơ bị buộc… thoát nghèo!

Hoàn cảnh của anh Dương Văn Trong ở xã biên giới Phước Vinh (Châu Thành, Tây Ninh) thực sự rất bế tắc. Anh đang bị bệnh gan nặng và viêm khớp, mấy hôm nay anh không đi làm mướn, mót mì được nên chịu đói. Ai hỏi tới gia đình, anh lắp bắp một hồi rồi bật khóc.

Xã biểu: Hết nghèo rồi!

anh Trong không được minh mẫn mà bị khờ khờ. Vợ anh bỏ đi, để lại cho anh ba con nhỏ. Anh đi làm mướn, mót củ mì kiếm sống nên cha con anh thiếu ăn triền miên.

Anh Trong không có nhà, dời đi đến đâu thì che chòi bạt ở tạm đến đó. Thương gia cảnh, vợ chồng ông Nguyễn Thành Chung (ấp Phước Trung, xã Phước Vinh) cho vài chục mét vuông đất. Các ban, hội trong ấp, xã vận động nhiều người góp sức cất cho anh căn nhà tình thương.

Sự giúp sức của những người rất tốt bụng ở đây đã giúp anh Trong không phải che chòi bạt ở vất vưởng nữa nhưng chẳng thể giúp anh thoát nghèo. Con lớn của anh 16 tuổi đã phải đi làm công nhân. Hai đứa trẻ sau chịu cảnh thất học: Một đứa đi chăn trâu thuê, đứa út chín tuổi được hàng xóm thương tình cho gì ăn nấy. Nhưng đầu năm 2014, xã cho anh thoát nghèo. Những chính sách hỗ trợ người nghèo đều bị cắt.

Gia cảnh khó khăn, những đứa con của anh Bình mù có nguy cơ thất học. Ảnh: HM

Bữa đói, bữa hơi no: Cũng thoát nghèo

Không phiêu bạt như anh Trong, vợ chồng anh Nguyễn Văn Bình - hàng xóm quen gọi là Bình mù (vì anh mù cả hai mắt) “cắm câu” ở gần sông Tha La (xã Tân Tiến, huyện Tân Châu). Tuy không đến nỗi ngặt nghèo nhưng hoàn cảnh của anh Bình cũng rất khốn khó. Anh Bình bị mù, hằng ngày vẫn đi cào hến, trèo dừa mướn để nuôi gia đình có tới bốn đứa con nheo nhóc. Vợ anh Bình hay đau ốm, chỉ có thể làm phụ chồng vài việc lặt vặt. Gia đình anh thường xuyên đứt bữa nên những đứa trẻ nhà anh đều còi cọc.

Một phó chủ tịch xã nhìn nhận: “Hoàn cảnh của anh Bình quả thật khó thoát nghèo”.

Vậy nhưng vừa qua, xã đã cho anh Bình… thoát nghèo.

Lên đời nhờ... thi đua?

Về hoàn cảnh anh Dương Văn Trong, ông Nguyễn Trọng Hiệp (Phó Chủ tịch UBND xã Phước Vinh) cho biết: Trước đây anh Trong là hộ nghèo trung ương, nay đã “lên” hộ khó khăn. Anh Trong được xét cho thoát nghèo ở ấp rồi mới đưa danh sách lên xã. Chiếu theo mức thu nhập của hộ nghèo và hộ cận nghèo thì thu nhập đầu người dưới 400.000 đồng/tháng mới vào diện hộ nghèo. Anh Trong đã thoát nghèo. Các con anh đã có đứa đi làm, có thu nhập rồi.

Tương tự ở xã Tân Tiến, anh Bình mù cũng đã thoát nghèo bởi thu nhập của cả gia đình anh, gồm sáu nhân khẩu đạt khoảng 3 triệu đồng/tháng. Nhưng trên thực tế, mức thu nhập như vậy cùng hoàn cảnh ngặt nghèo của người mù, gia đình anh Bình phải nói là nghèo xơ nghèo xác.

Ông Hà Tấn Lợi (cán bộ phụ trách LĐ-TB&XH xã Tân Tiến) cho biết thêm: “Xã phải phấn đấu giảm tỉ lệ hộ nghèo dưới 2%. Xét theo tiêu chí thu nhập thì anh Bình đã thoát nghèo để xã chăm lo cho những hộ khác còn nghèo hơn anh”.

Theo tiêu chí, ai cũng hết nghèo

Theo một cán bộ tỉnh, nếu xét theo tiêu chí thu nhập để xét thoát nghèo thì có lẽ cơ bản nông thôn không còn hộ nghèo nữa. Bởi với mức thu nhập dưới 400.000 đồng/người/tháng thì ai cũng có thể vượt qua. Nhưng “sống sót” được với mức thu nhập đó mới là điều bất khả.

Nhưng khó "sống sót"!

Theo cán bộ này, bên cạnh tiêu chí thu nhập, việc xét hộ nghèo còn phải dựa vào hoàn cảnh thực tế của hộ được xét, ví dụ như ưu tiên hộ bệnh tật, mất sức lao động, neo đơn… Tuy nhiên, vì đây là tiêu chí mở nên ở ấp, xã áp dụng sao cũng được. Điều ấy gây thiệt thòi cho rất nhiều người nghèo. (Theo quyết định 09/2011 của Thủ tướng Chính phủ thì mức thu nhập bình quân để xác định hộ nghèo hiện nay (tính thu nhập/người/tháng) như sau: Ở nông thôn từ 400.000 đồng trở xuống; ở thành thị từ 500.000 đồng trở xuống. Cận nghèo ở nông thôn từ 401.000 đồng đến 520.000 đồng; cận nghèo ở thành thị từ 501.000 đồng đến 650.000 đồng).

Anh Trong và anh Bình cho biết rất bất ngờ khi “được” thoát nghèo và không biết gì về các cuộc họp xét ở ấp, xã. Chúng tôi tìm hiểu thêm thì biết rằng chỉ tiêu thi đua của nhiều xã không được để hộ nghèo vượt quá 2% nên không thể xét tất cả hộ nghèo vào diện nghèo. Mỗi năm xã còn phải có nhiệm vụ giảm một số hộ nghèo nên nhiều người bị bắt buộc phải… thoát nghèo.

HỒNG MINH - NGUYỄN HOÀNG

Có lẽ tiêu chí xác định hộ nghèo đã lạc hậu

Trước khi rà soát hộ nghèo hằng năm, Sở đều có tập huấn cho các địa phương. Nhưng trong quá trình xét tại các địa phương chắc chắn sẽ có sai sót do thiên vị thân nhân, người quen. Tỉ lệ sai sót chưa khẳng định được nhưng là có. Mỗi khi nhận được đơn phản ánh, chúng tôi đều tiến hành kiểm tra, xác minh ngay. Hiện nay, có lẽ tiêu chí thu nhập để xét hộ nghèo đã lạc hậu, không phù hợp thực tế. Tôi nhiều lần kiến nghị với HĐND tỉnh rằng với mức thu nhập dưới 400.000 đồng/người/tháng không phải là nghèo nữa, mà là không sống nổi.

Ông Nguyễn Văn Quá, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH
tỉnh Tây Ninh

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm