Nghĩa khí để làm đại biểu của dân

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIV và ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 đã kết thúc. Người dân đang chờ mong những người trúng cử sẽ thực hiện đúng những điều đã cam kết, phản ánh, đấu tranh vì những tâm tư, nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của cử tri. Ông Đặng Văn Khoa - Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, người từng là ĐB HĐND TP.HCM hai khóa VI và VII kỳ vọng: “ĐB dân cử có thể chuyển tải mọi gam màu sáng tối của đời thường vào nghị trường và đưa kết quả hoạt động nghị trường vào cuộc sống để giải quyết các công việc vì nước, vì dân”.

Bản lĩnh bước qua lợi ích, e ngại

. Thưa ông, ông kỳ vọng điều gì ở các ĐB dân cử nhiệm kỳ mới?

+ Các ĐB dân cử là người quyết định chất lượng hoạt động của QH và HĐND. Những ĐB hoạt động hết chức trách, có “máu lửa” sẽ góp phần quan trọng tạo nên những đổi thay tốt đẹp cho đất nước, từ việc nhỏ đến việc lớn. Tôi kỳ vọng những ĐB nhiệm kỳ mới đều là người thật sự vì nhân dân, có trái tim nhạy cảm, gắn bó, hòa nhịp với niềm vui, hạnh phúc và những âu lo, bất hạnh, oan khiên... của người dân.

. Theo ông, đâu là phẩm cách quan trọng nhất của người ĐB dân cử?

+ ĐB dân cử là một “nghề” đặc biệt, đòi hỏi những phẩm chất đặc biệt. Theo tôi, phẩm chất hàng đầu là phải có nghĩa khí. Tôi nhớ trong lần cử tri tiếp xúc ĐB HĐND TP.HCM khóa VI, một vị cao niên đã phát biểu: “Nếu các anh không có nghĩa khí thì đừng làm ĐB”.

Nghĩa khí là phẩm chất cốt lõi trong hành trình vì nhân dân của người ĐB dân cử. Đó là sự thẳng thắn, trung thực, dũng cảm, dám nói lên những điều cần phải nói, làm điều cần phải làm, có bản lĩnh bước qua sự e ngại, sợ hãi, của lợi ích, của những mối quan hệ trên dưới, ngang dọc… để không im lặng ở nghị trường. Nếu cứ tính toán, e ngại, co thủ, run sợ, lo sao cho mọi việc tròn trịa… thì không nên làm ĐB dân cử.

Ông Đặng Văn Khoa trong một lần chất vấn về môi trường tại HĐND TP.HCM. Ảnh: HTD

Để làm được điều đó, người ĐB nên luôn tâm niệm rằng: Tôi là ĐB dân cử. Tôi đến nghị trường với một thế lực to lớn. Thế lực này là “thế lực nhân dân”. Tôi đại diện cho tiếng nói của nhân dân. Tôi được dân ủy quyền để nói và làm những điều dân muốn chứ tôi không phải là thuộc cấp của ai đó. Tôi có chính kiến riêng, xuất phát từ những mong muốn, đòi hỏi của dân, của thực tế cuộc đời.

. Trong 12 năm làm ĐB HĐND TP.HCM, ông đã gặp những áp lực như thế nào? Ông ứng xử ra sao để vượt qua những áp lực đó?

+ Qua 12 năm là ĐB HĐND TP, bản thân tôi - có lẽ cũng như nhiều ĐB khác, luôn phải đối mặt nhiều áp lực. Bản thân mình phải dành quá nhiều thời gian, công sức, tâm trí cho công việc ĐB: đọc tài liệu, sách báo, gặp chuyên gia, gặp người dân, gặp báo chí, xuống hiện trường, trao đổi với các cơ quan nhà nước, chuẩn bị tham luận, chất vấn… Sáng sớm mở cửa đã có người dân đứng chờ. Chiều tối mới về nhà đã có người dân tìm gặp.

Áp lực còn đến từ những thế lực bên ngoài. Hồi mới làm ĐB, tôi chất vấn về tình trạng nhiều vũ trường hoạt động thác loạn công khai kéo dài, yêu cầu đóng cửa nơi vi phạm nhiều lần… Sau đó, tôi nhận được những lời đe dọa qua điện thoại, thư từ, rằng: “Anh Khoa, việc không liên quan gì đến anh, anh biết đạp đổ nồi cơm người khác thì sao mà…”.

Có lần tôi phát hiện có tiêu cực, gian dối lớn trong việc thi công một công trình giao thông. Tôi trực tiếp trao đổi với giám đốc Sở GTVT thời ấy. Rồi có người ở đơn vị thi công gọi cho tôi nói rằng: “Bọn em biết mình sai nhưng nói anh Khoa nghe, anh đừng làm tới, dồn bọn em đến đường cùng…”. Họ chỉ nói một câu “nhẹ nhàng” vậy thôi mà trong lòng tôi thật không nhẹ nhàng chút nào.

Không ít lần tôi được góp ý: “Anh Khoa nói vậy không có gì sai nhưng đừng nói nhiều quá!”.

Nhưng áp lực lớn nhất, nặng nề nhất đối với người ĐB dân cử là áp lực từ kỳ vọng, từ đòi hỏi của nhân dân, của cuộc sống. Cảm xúc trĩu buồn dai dẳng khi không làm tròn được việc dân tin, giao cho mình. Có lẽ niềm vui từ những đồng cảm, chia sẻ, động viên, khuyến khích của người dân là động lực tinh thần giúp tôi vượt qua được những áp lực ấy.

Cởi bỏ “chiếc áo dân cử” nếu coi đó là việc phụ

. Tại các hội nghị tiếp xúc giữa các ứng cử viên với cử tri, điều cử tri quan tâm và mong mỏi nhất là khi trở thành ĐB thì đừng thất hứa, đã hứa là phải làm…

+ Tôi đồng cảm về những trăn trở đó của cử tri. Biết bao nhiêu “lời có cánh” của các ứng cử viên đã bay theo gió. Có ai bắt anh làm ĐB đâu. Công việc của người ĐB dân cử là một công việc rất vinh dự nhưng cũng rất nặng nề. Tất cả tùy thuộc vào sự tự nguyện dấn thân của từng người. Nếu anh không xác định được là sẽ dành thời gian, tâm trí, công sức để thực hiện những lời hứa trước cử tri thì nên rút lui. Nếu anh coi việc làm ĐB dân cử chỉ là một việc phụ thì nên cởi bỏ “chiếc áo dân cử”.

. Nhiều cử tri bức xúc khi chứng kiến nhiều vị ĐB do mình bầu ra suốt cả nhiệm kỳ không phát biểu câu nào. Ông nghĩ sao?

+ Không thể chấp nhận được điều đó tại nghị trường. Câm lặng, dù bất cứ lý do gì, trước những vấn đề của cuộc sống, của đất nước, của nhân dân là điều xa lạ với chuẩn mực tối thiểu, chuẩn mực cốt lõi của người ĐB của dân. Đã làm ĐB, xin đừng mũ ni che tai, ẩn mình trong đám đông… Nhưng trước khi nói phải nghiên cứu kỹ càng, nói có sách, mách có chứng và cũng phải lắng nghe nữa.

. Ông muốn chia sẻ điều gì cho các ĐB nhiệm kỳ mới?

+ Trong lần tham gia chương trình Người đương thời của Đài Truyền hình Việt Nam, tôi được hỏi là cảm thấy thế nào khi là ĐB dân cử đầu tiên làm khách mời của chương trình. Tôi trả lời: Bản thân thấy vui và vinh dự nhưng tổng thể chung thì thấy buồn. Những việc tôi làm như chất vấn, giám sát, đi hiện trường, gặp dân… là những việc đương nhiên phải làm, là những việc bình thường của người ĐB, vì sao lại có vẻ bất thường trong mắt nhiều người? Phải chăng trong nghị trường khi ấy, số ĐB hoạt động bình thường như tôi còn ít?

Tôi mong rằng trong khóa mới, tất cả ĐB dân cử sẽ gắn bó máu thịt với nhân dân, thắp sáng ngọn lửa tranh luận dân chủ ở nghị trường để mang lại nhiều quyết sách đúng, kịp thời, phù hợp lòng dân.

. Xin cám ơn ông.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm