Nghĩa vụ thay thế nghĩa vụ quân sự: Cho - không cho?

Thảo luận về dự thảo Luật Nghĩa vụ quân sự (NVQS) sửa đổi, một nội dung được tranh luận nhiều là việc quy định nghĩa vụ thay thế NVQS (xem thêm trên Pháp Luật TP.HCM ngày 15, 16-8). Nhiều ý kiến cho rằng nên có nghĩa vụ thay thế nhưng có ý kiến không đồng tình. Chúng tôi xin đưa ra hai luồng ý kiến để bạn đọc cùng trao đổi, góp ý.

KHÔNG ĐỒNG Ý

Nghĩa vụ thiêng liêng không thể thay thế

Bảo vệ Tổ quốc là quyền và nghĩa vụ thiêng liêng nên ai cũng phải thực hiện, kể cả cán bộ, công chức, viên chức đang làm việc trong các tổ chức chính trị-xã hội... Việc gọi nhập ngũ đối tượng này sẽ góp phần đảm bảo sự bình đẳng trong thực hiện NVQS, đồng thời nâng cao chất lượng lực lượng nhập ngũ.

Ngoài ra, tôi cũng đề nghị không nên quy định nghĩa vụ thay thế NVQS. Bởi chúng ta quy định như thế sẽ dẫn đến con em lãnh đạo hay những người có tiền sẽ tìm cách để không đi NVQS. Việc quy định công dân đến tuổi phải thực hiện NVQS là hoàn toàn đúng đắn.

Đại biểu Quốc hội NGUYỄN VĂN RINH, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng

Dễ bị lạm dụng

Không nên quy định nghĩa vụ thay thế NVQS (đặc biệt là đóng tiền) vì đây là nghĩa vụ thiêng liêng của công dân, không thể thay thế. Bất cứ ai trong xã hội đều phải có nghĩa vụ với Tổ quốc, đặc biệt nam thanh niên càng phải nâng cao ý thức này. Nếu dùng tiền để thay thế NVQS sẽ tạo ra tình trạng không công bằng trong xã hội, chỉ con nhà nghèo phải đi NVQS còn con nhà giàu, có tiền thì được ở nhà. Nó cũng tạo ra tình trạng những người có trách nhiệm và chức vụ trong việc tuyển quân có thể sẽ lạm dụng việc nộp tiền để trục lợi, phục vụ ý đồ cá nhân.

Điều quan trọng hơn, chúng ta phải ý thức được rằng không gì có thể thay thế được nghĩa vụ công dân đã được hiến định từ thời lập nước. Đây chính là vấn đề mấu chốt ảnh hưởng đến sự tồn vong của dân tộc và khẳng định sức mạnh toàn dân trong nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc của chúng ta.

Luật sư TRẦN CÔNG LY TAO, Phó Chủ nhiệmĐoàn Luật sư TP.HCM

Thanh niên TP.HCM lên đường làm NVQS. Ảnh: HTD

Chỉ cần rút ngắn thời gian

Tôi không đồng tình với các biện pháp thay thế NVQS nhưng theo tôi, với những thanh niên đang làm việc trong một số cơ quan, tổ chức chính trị-xã hội thì nên rút ngắn thời gian tại ngũ để họ sớm quay trở về phục vụ cho nhân dân. Thời gian này chỉ cần sáu tháng là đủ để rèn luyện những kỹ năng cần thiết của một người lính để khi đất nước cần thì họ sẵn sàng tham gia với đầy đủ kỹ năng chiến đấu đã được rèn luyện.

NGUYỄN CÔNG KHANH (Hẻm 64 đường Hồ Ngọc Lãm, phường An Lạc, quận Bình Tân, TP.HCM)

ĐỒNG Ý

Có thể chấp nhận trong thời bình

Chúng ta nên theo hướng mở, tức là tùy tình hình của đất nước, quốc gia mà có quy định nghĩa vụ thay thế NVQS hay không. Nếu đất nước trong cảnh yên bình thì việc đóng một khoản tiền nhất định nếu không muốn đi NVQS theo tôi cũng là một cách làm tăng ngân sách nhà nước, ngân sách quốc phòng. Ngân sách ấy có thể giúp chúng ta trang bị cơ sở vật chất quốc phòng để bảo vệ Tổ quốc. Thực tế thì không phải ai cũng đủ tiền để đóng nên không lo thiếu người tham gia NVQS. Đây cũng là cách nhiều nước đang áp dụng và có hiệu quả tốt.

Tuy nhiên, nếu tình hình đất nước bất ổn, cần tổng động viên thì không nên áp dụng vì lúc này tất cả công dân (có khi cả phụ nữ) đều phải tham gia NVQS. Lúc này không gì có thể thay thế được NVQS của công dân. Tôi nghĩ rằng đã là người Việt Nam yêu nước thì không ai có thể ngồi yên khi đất nước lâm nguy, vì thế không nên quy định cứng.

TS NGUYỄN DUY HƯNG, Trưởng khoa Luật
Trường ĐH Thủ Dầu Một, Bình Dương

Công an, dân quân tự vệ thì nên cho phép

Hiện nay lực lượng công an, dân quân tự vệ rất cần thiết cho địa phương nhằm giữ gìn an ninh trật tự... Mặt khác, lực lượng này cũng không nhiều. Do vậy, tôi cho rằng cần có chính sách phù hợp cho những đối tượng này. Theo tôi, một khi anh đã tham gia vào các lực lượng nêu trên thì cũng không cần thiết phải đi NVQS nữa.

Ông HUỲNH NGỌC THÔNG, Bí thư - Chủ tịch
UBND phường 3, quận 10, TP.HCM

Thay thế bằng tiền cũng không sao

Tôi cho rằng nên có nghĩa vụ thay thế, trong đó được thay thế bằng nghĩa vụ tài chính. Chúng ta không nên “dị ứng” với nghĩa vụ thay thế bằng cách đóng tiền. Bởi vì vấn đề khá quan trọng trong mối tương quan này là hiệu quả công việc. Chẳng hạn một công dân tham gia một công việc quan trọng trong nền kinh tế, có thu nhập cao, làm ra nhiều tiền, đóng nhiều thuế thúc đẩy nền kinh tế phát triển thì nên được áp dụng hình thức này. Nếu cần hạn chế việc lạm dụng tiền để “né” NVQS thì nên quy định theo hướng yêu cầu phải đóng số tiền rất lớn. Lúc này, những người có ý định dùng tiền phải cân nhắc giữa chuyện đóng tiền thay thế hay là đi NVQS.

Mặt khác, theo tôi, các hình thức thay thế khác như đã phục vụ trong ngành công an hay tham gia dân quân tự vệ rồi thì khỏi phải làm NVQS cũng nên được áp dụng.

Giảng viên LƯU ĐỨC QUANG, khoa Luật hành chính Trường ĐH Luật TP.HCM

Tất cả đều phải thực hiện

Đã là NVQS thì bất luận là ai cũng đều phải thực hiện chứ không phải cứ là công dân, viên chức nhà nước, sinh viên đại học ra trường là được miễn gọi nhập ngũ...

Tuy nhiên, khi thảo luận về Hiến pháp cũng có những ý kiến đặt ra về thực hiện nghĩa vụ thay thế. Phần lớn các ý kiến đều cho rằng đã là NVQS đều phải thực hiện, có chăng chỉ những người đã tham gia dân quân tự vệ hay công an… là được thực hiện thay thế. Còn lại tất cả đều phải thực hiện để đảm bảo tăng cường chất lượng cho đội ngũ nhập ngũ. Kể cả những người công chức, viên chức đang làm việc trong các cơ quan, tổ chức chính trị-xã hội, nếu anh trong độ tuổi thì vẫn gọi anh nhập ngũ. Sau khi rời quân ngũ anh vẫn tiếp tục về cơ quan đó làm việc và Nhà nước sẽ có chính sách bảo đảm công việc đó cho anh.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội HỒ TRỌNG NGŨ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm