Ngộ độc khi ăn tiệc ở nhà hàng: Cần làm gì để đòi quyền lợi?

Vừa qua, hàng chục thực khách khi ăn tiệc cưới tại nhà hàng A. (quận Tân Bình, TP.HCM) đã phải nhập viện và nghi bị ngộ độc do ăn thức ăn tại nhà hàng này. 

Ông Phạm Văn Sơn, Trưởng phòng Quản lý ngộ độc thực phẩm thuộc Ban Quản lý ATTP TP.HCM thì cho biết đơn vị đang tiến hành xác minh và sẽ sớm công bố kết luận chính thức.

Chủ nhà hàng phải có trách nhiệm bồi thường

Thời gian gần đây liên tiếp các vụ ngộ độc xảy ra với số lượng lớn khách ăn phải nhập viện điều trị không khỏi khiến nhiều người lo lắng. Cùng với đó là câu hỏi ai sẽ chịu trách nhiệm cho những vụ việc tương tự như ở nhà hàng A. này.

Các du khách đang được điều trị tại bệnh viện trong một vụ ngộ độc xảy ra Khu du lịch biển Hải Tiến (Thanh Hóa). Ảnh: Đ.TRUNG.

Luật sư Nguyễn Tri Đức, đoàn luật sư TP.HCM, cho biết Điều 8 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 nêu rõ người tiêu dùng được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác khi sử dụng hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp.

Đồng thời, Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015 cũng quy định người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe… của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.

Theo đó, luật sư Đức cho rằng để xác định ai sẽ bồi thường khi có trường hợp ngộ độc xảy ra cần phải xác định được nguyên nhân gây ngộ độc và cá nhân, tổ chức gây ra ngộ độc. Đồng thời nếu việc khách hàng bị ngộ độc thực phẩm do lỗi của người bán hàng thì người đó có trách nhiệm bồi thường thiệt hại đã gây ra cho khách hàng.

Việc bồi thường được thực hiện theo quy định tại Điều 585 và 590 BLDS. Theo đó, bồi thường  thiệt hại bao gồm: Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe ... Ngoài ra, người có trách nhiệm bồi thường còn phải bồi thường một khoản tiền để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu.

Ngoài ra, tổ chức, người có trách nhiệm bồi thường còn bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định 115/2018. Mức phạt sẽ tùy thuộc và kết quả nguyên nhân gây ngộ độc là do đâu và hành vi vi phạm cụ thể của chủ cơ sở.

Không những bị xử phạt hành chính, nếu cá nhân nào vi phạm quy định về an toàn thực phẩm gây hậu quả nghiêm trọng thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm theo Điều 317 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017.

Luật sư Nguyễn Tri Đức lưu ý các nhà hàng cần nhìn nhận trách nhiệm của mình trong việc gây ngộ độc thực phẩm cho thực khách.

Mẫu thức ăn chỉ được lưu trong 24 giờ

Luật sư Đức phân tích thêm, theo quy định hiện hành “... thời gian lưu mẫu thức ăn ít nhất là 24 giờ kể từ khi lấy mẫu thức ăn...” (theo Điều 8  - hướng dẫn lưu mẫu thức ăn đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống theo Quyết định số 1246/QĐ-BYT).

Tuy nhiên trên thực tế sau khi ăn uống dự tiệc dẫn đến bị ngộ độc, lúc này các nạn nhân phải nhập viện điều trị, bản thân tinh thần sức khỏe nguy kịch nên gia đình người thân phải lo toan không ai có thể nghĩ đến việc trình báo với cơ quan chức năng để xử lý kịp thời theo luật định. Đến khi “tai qua nạn khỏi” sức khỏe bình phục, các nạn nhân mới trình báo thì xem như đã lỡ việc – mẫu thức ăn lưu trữ không còn. Do đó cơ quan chức năng không có cơ sở để tiến hành thực hiện việc xử lý. Đây là điều mà các nạn nhân và người thân của nạn nhân cần lưu ý để trình báo các cơ quan chức năng sớm hơn. 

Kèm theo đó cần có quy định về việc các cơ sở y tế khi tiếp nhận bệnh nhân ngộ độc thực phẩm cần chú trọng ghi nhận thông tin ban đầu do bệnh nhân cung cấp. Nếu trường hợp ngộ độc hàng loạt cơ sở y tế phải báo ngay cho cơ quan chức năng quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm sở tại để triển khai xử lý kịp thời, tránh tình trạng quá thời gian lưu mẫu gây  “bế tắc” cho việc xử lý.

"Trên thực tế những thiệt hại xảy ra, các nạn nhân bị ngộ độc phải nhập viện hàng loạt là một bằng chứng sống. Thực tế thiệt hại có xảy ra đối với thực khách là người tiêu dùng sau khi dự tiệc. Do đó hơn ai hết những nhà hàng cần nhìn nhận trách nhiệm của mình trong việc gây ngộ độc thực phẩm cho thực khách. Qua đó tiến hành khắc phục bồi thường các chi phí điều trị và những thiệt hại khác (nếu có). Đó chính là vấn đề đạo đức trong kinh doanh của một doanh nghiệp cần phải có trong việc hướng tới xây dựng hoàn thiện và phát triển bền vững để kinh doanh thành công", LS Đức đánh giá.

Nhiều vụ ngộ độc tương tự xảy ra

- Tháng 3-2019, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đã ra quyết định xử phạt hành chính một cơ sở bánh mì 98 triệu đồng vì vi phạm các quy định vệ sinh an toàn thực phẩm, gây ngộ độc cho 88 người dân. Theo đó, cơ sở này đã chế biến, sản xuất, cung cấp và bán thực phẩm không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật, quy định về an toàn thực phẩm khiến 88 người đau bụng, ói mửa và đi tiêu nhiều lần sau khi ăn bánh mì tại cơ sở này.

- Sáng 26-5-2019, Phòng khám Đa khoa Hải Tiến (Hoằng Hóa, Thanh Hóa) đã tiếp nhận khoảng 50 du khách ngộ độc thực phẩm trong tình trạng đau bụng, buồn nôn, choáng... Thông tin ban đầu, sáng 25-5, hơn 80 người trong công ty này tổ chức đi du lịch ở biển Hải Tiến (Hoằng Hóa, Thanh Hóa). Đến tối cùng ngày sau khi ăn tiệc hải sản ở Khu du lịch biển Hải Tiến trở về khách sạn thì có dấu hiệu ngộ độc như trên.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm