Ngoài huyết thống cũng có thể mang thai hộ

Ngoài huyết thống cũng có thể mang thai hộ ảnh 1
Pháp luật hiện hành nghiêm cấm mang thai hộ (NĐ 12/2003). Theo Bộ Tư pháp, việc nghiêm cấm này hạn chế mong muốn chính đáng của rất nhiều gia đình hiếm muộn, vô sinh. Ví dụ, chị gái hiếm muộn, em gái mang thai hộ chị và được cả gia đình đồng ý nhưng pháp luật lại nghiêm cấm. Việc nghiêm cấm mang thai hộ đã gián tiếp ảnh hưởng đến nguyện vọng chính đáng của công dân trong trường hợp mong muốn có “con nuôi” mang dòng máu của gia đình mình. Từ đó có ý kiến đề xuất nên cho mang thai hộ nhân đạo theo hướng người nhờ mang thai và người mang thai hộ là chị em trong gia đình với nhau để tránh những hệ lụy về sau.

Chúng tôi đã trao đổi với ThS-BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Phó Giám đốc BV Từ Dũ, về vấn đề này.

Tôi đã khóc trước hồ sơ xinmang thai hộ

. Phóng viên: Nhu cầu của người dân đến BV Từ Dũ nhờ được MTH có nhiều không, thưa bà?

+ ThS-BS Hoàng Thị Diễm Tuyết: Ai cũng biết luật không cho phép nên họ không dám đến đây làm dịch vụ này, ngoại trừ những trường hợp quá tha thiết mới đến đây gõ cửa cầu cứu. Tôi rất muốn giúp bệnh nhân nhưng bị trói bởi luật nên không thể. Tôi đang lưu mấy hồ sơ dạng này và luôn trăn trở về nó. Có hồ sơ tôi đã chuyển ra Bộ Y tế để xin cho phép.

. Bà có thể dẫn chứng một trường hợp cụ thể?

+ Một chị bị dị tật bẩm sinh không có âm đạo, không có tử cung nhưng có hai buồng trứng. Vì khát khao được làm mẹ, chị ra BV Phụ sản Trung ương làm phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ âm đạo. Giờ chị đã lập gia đình, quan hệ tình dục bình thường được rồi nhưng không thể có thai vì không có tử cung. Chúng tôi siêu âm thì thấy có hai buồng trứng, thử nội tiết thì thấy vẫn nằm trong giới hạn bình thường. Với chị, chúng tôi có thể kích thích buồng trứng, hút trứng làm phôi, sau đó chuyển phôi của chị và tinh trùng của chồng chị vào tử cung của một phụ nữ khác để nhờ họ mang thai hộ. Như vậy chị mới có được đứa con mang di truyền của mình.

Ngoài huyết thống cũng có thể mang thai hộ ảnh 2

Việc nghiêm cấm mang thai hộ hạn chế mong muốn chính đáng của rất nhiều gia đình hiếm muộn, vô sinh. Ảnh: HTD

Người phụ nữ này đã thiệt thòi ngay từ khi sinh ra, giờ trong khả năng có thể giúp chị có được quyền làm mẹ chính đáng mà lại không giúp được nên tôi rất buồn. Tôi đã khóc khi nghiên cứu hồ sơ này. Chị này ở quê, chồng là con một. Gia đình chồng nói rằng nếu không có con được thì đành cho ly hôn để cưới vợ khác cho chồng, sinh con tìm người nối dõi. Tôi đã chuyển hồ sơ của chị cho Bộ Y tế nhưng chưa có hồi âm. Tôi rất mong luật cho phép bởi đây là trường hợp hết sức nhân bản.

Đừng mở cửa một cánh

. Có ý kiến cho rằng để tránh những hệ lụy như anh em cùng huyết thống lấy nhau, chỉ nên cho phép chị em mang thai hộ cho nhau. Quan điểm của bà về vấn đề này như thế nào?

+ Gia đình hiện đại bây giờ chỉ có từ một đến hai con. Nếu quy định như vậy thì cánh cửa rất hẹp cho những người có nhu cầu chính đáng. Có những người không có chị em gái, chỉ có anh trai thôi thì sao? Luật đã mở cửa thì nên có quy định chặt chẽ rồi mở rộng cửa, không nên chỉ mở một cánh cửa. Tôi nghĩ người ngoài huyết thống mang thai hộ được nhưng tiêu chí để mang thai hộ thì Bộ Y tế cần quy định cụ thể.

. Theo bà, những điều kiện cần có khi cho phép mang thai hộ là gì?

+ Mang thai hộ sẽ đi kèm nhiều hệ lụy liên quan đến pháp luật. Nếu cho phép mang thai hộ thì nhà làm luật cần có đầy đủ những luận cứ thực tế để làm cho tốt. Ví dụ: Hợp đồng giữa những người liên quan như thế nào? Nếu chấm dứt hợp đồng nửa chừng thì sao? Sức khỏe trước khi mang thai hộ thì bình thường nhưng đến giữa chừng thì bị biến chứng của mang thai (tiền sản giật, tiểu đường, băng huyết sau sanh…) thì ai sẽ là người gánh những hậu quả đó? Quyền và nghĩa vụ của các bên ra sao?...

Bên cạnh đó, luật cần quy định rõ trường hợp nào được chỉ định y khoa cho phép mang thai hộ chứ không thực hiện tràn lan. Có những trường hợp phụ nữ muốn có con, mang thai được nhưng họ không muốn vì sợ đẻ con xấu cơ thể, ảnh hưởng sức khỏe, phí thời gian… mà không có một chỉ định y khoa nào hết thì không được cho mang thai hộ. Chỉ định y khoa phải thông qua hội đồng y khoa do nhiều người quyết định và những cơ sở hỗ trợ sinh sản đủ điều kiện thì mới được phép thực hiện.

Ngoài ra, cũng phải có những tiêu chí nghiêm ngặt đối với người được phép mang thai hộ. Ví dụ trẻ quá hoặc lớn tuổi quá, sinh đẻ nhiều lần quá rồi… đều không được vì có những biến chứng sản khoa.

. Xin cảm ơn bà.

Những trường hợp cần mang thai hộ

Theo ThS-BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, những người sau đây rất cần được cho phép mang thai hộ:

- Những trường hợp dị tật bẩm sinh không có âm đạo, tử cung; hai buồng trứng vẫn còn, nội tiết tố vẫn ổn, vẫn làm vợ tốt nhưng không thể nào thực hiện được thiên chức làm mẹ. Trong trường hợp này, mang thai hộ giúp phụ nữ bớt thiệt thòi kép.

- Những người vì bệnh lý phải cắt bỏ tử cung nhưng hai buồng trứng không bị tổn thương.

- Những người bị những bệnh lý mà bệnh sẽ nặng lên nếu mang thai hay lấy thai.

Thực hiện trong tầm tay

Trung tâm hỗ trợ sinh sản đầu tiên được thành lập tại BV Từ Dũ năm 1998. Từ đó đến nay toàn quốc đã có 14 trung tâm hỗ trợ sinh sản phục vụ nhu cầu làm cha mẹ của các cặp vợ chồng hiếm muộn. Kỹ thuật và tỉ lệ thành công của thụ tinh trong ống nghiệm của Việt Nam cũng ngang bằng các nước tiên tiến trên thế giới, có thể thực hiện được hầu hết các kỹ thuật hiện đại của thế giới. Kỹ thuật mang thai hộ rất đơn giản so với các kỹ thuật chuyên sâu về thụ tinh trong ống nghiệm. Do đó, trang thiết bị kỹ thuật và nguồn nhân lực nước ta hoàn toàn thực hiện tốt kỹ thuật mang thai hộ.

ThS-BS HOÀNG THỊ DIỄM TUYẾT, Phó Giám đốc BV Từ Dũ

THANH MẬN thực hiện

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm