Người cao tuổi, CMND còn hạn có phải làm CCCD?

Thời gian vừa qua, Pháp Luật TP.HCM tiếp tục nhận được nhiều câu hỏi của bạn đọc xung quanh thủ tục làm căn cước công dân (CCCD): Giấy CMND, thẻ CCCD bị cắt góc có được sử dụng? Người cao tuổi CMND còn hạn có phải làm CCCD? Sổ hộ khẩu, CMND không ghi ngày, tháng sinh thì phải làm sao?...

Pháp Luật TP.HCM xin trích dẫn thông tin trả lời các nội dung liên quan từ trang thông tin điện tử của Bộ Công an.

Giấy CMND, thẻ CCCD bị cắt góc có được sử dụng?

Theo Bộ Công an, khi làm thủ tục cấp thẻ CCCD gắn chip, công dân có hai lựa chọn để nhận thẻ: Nhận trực tiếp tại nơi cấp và nhận qua đường chuyển phát nhanh (bưu điện).

Nếu đăng ký trực tiếp đến nhận thẻ CCCD gắn chip tại nơi cấp, khi trả thẻ, cán bộ công an sẽ cắt góc CMND hoặc thẻ CCCD cũ rồi trả lại cho công dân.

Nếu đăng ký nhận thẻ CCCD gắn chip qua bưu điện, ngay sau khi tiếp nhận hồ sơ cấp CCCD, cán bộ công an sẽ cắt góc CMND hoặc thẻ CCCD rồi trả lại cho công dân.

Riêng với CMND hoặc thẻ CCCD bị hỏng, bong tróc, không rõ nét, công an sẽ thu, hủy bỏ ngay tại thời điểm tiếp nhận hồ sơ cấp CCCD gắn chip.

Như vậy, nếu trực tiếp đến nhận thẻ CCCD gắn chip, công dân vẫn có thể giữ lại CMND hoặc thẻ CCCD cũ và sử dụng bình thường trong thời gian chờ được cấp CCCD gắn chip.

Ngược lại, nếu nhận CCCD gắn chip qua đường chuyển phát nhanh thì CMND hoặc thẻ CCCD cũ sẽ bị cắt góc ngay, không còn giá trị pháp lý nữa. Ngoài ra, đối với hình thức nhận thẻ này, ngoài mức phí cấp CCCD theo quy định, công dân còn phải thanh toán khoản tiền cho dịch vụ chuyển phát của bưu điện.

Quy định là như vậy nhưng hiện nay có một số địa phương, chẳng hạn như TP.HCM, không cắt góc cả hai hình thức nhận trả thẻ nêu trên cho đến khi công dân nhận CCCD.

Cụ thể tại TP.HCM, khi đến làm CCCD gắn chip điện tử, cán bộ công an sẽ không cắt góc CMND và CCCD mã vạch. Việc cắt góc này sẽ được thực hiện vào lúc công an trả CCCD gắn chip cho người dân.

Nếu người dân đến trụ sở công an để nhận thẻ CCCD gắn chip thì công an sẽ cắt góc CMND/CCCD cũ; còn người dân nhận thẻ tại nhà thì nhân viên bưu điện có trách nhiệm thực hiện việc này. Giữa công an và bưu điện đã có thỏa thuận phối hợp như trên. Vì vậy, trong thời gian chờ thì công dân vẫn sử dụng thẻ CCCD hoặc CMND cũ như bình thường.

Công an TP Thủ Đức, TP.HCM đang lấy dấu vân tay để làm thủ tục cấp CCCD cho một người cao tuổi. Ảnh: THANH TUYỀN

Người cao tuổi, CMND còn hạn có phải làm CCCD?

Nhiều bạn đọc tiếp tục hỏi công dân trên 60 tuổi và đã được cấp CCCD mã vạch thì có phải đổi sang CCCD gắn chip nữa không? Công dân năm nay 38 tuổi, nếu bây giờ đi làm CCCD gắn chip thì đến năm 40 tuổi có phải đổi thẻ không?

Luật CCCD quy định công dân phải đổi thẻ CCCD khi đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi.

Khoản 2 Điều 21 Luật CCCD quy định trường hợp thẻ CCCD được cấp, đổi, cấp lại trong thời hạn hai năm trước tuổi quy định (đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi) thì vẫn có giá trị sử dụng đến tuổi đổi thẻ tiếp theo.

Như vậy, nếu công dân làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại thẻ CCCD gắn chip khi đã đủ 38 tuổi thì thẻ CCCD sẽ có giá trị sử dụng đến khi công dân đủ 60 tuổi.

Với trường hợp trên 60 tuổi và đã được cấp CCCD mã vạch, Bộ Công an cho biết hiện nay công dân vẫn được sử dụng song song cả ba loại thẻ (CMND chín số, CMND 12 số và CCCD gắn mã vạch) đến khi thẻ hết giá trị sử dụng.

Do đó, trường hợp công dân ngoài 60 tuổi và đã làm thẻ CCCD gắn mã vạch thì không bắt buộc phải đổi sang thẻ CCCD gắn chip. Tuy nhiên, để tạo điều kiện thuận lợi trong thực hiện các giao dịch, cải cách hành chính, Bộ Công an khuyến khích công dân thực hiện đổi sang sử dụng thẻ CCCD gắn chip điện tử.

Sổ hộ khẩu, CMND không ghi ngày, tháng sinh

Thực tế cho thấy nhiều trường hợp trong sổ hộ khẩu hoặc CMND đang sử dụng không ghi ngày, tháng mà chỉ có năm sinh. Vậy thủ tục để cấp CCCD gắn chip trong tình huống này như thế nào?

Bộ Công an cho biết theo quy định Điều 18 Luật CCCD, mặt trước thẻ CCCD sẽ ghi thông tin ngày, tháng, năm sinh của công dân. Vì vậy, trường hợp chỉ có thông tin năm sinh thì công dân phải bổ sung ngày, tháng sinh để làm thủ tục cấp CCCD.

Công an TP Thủ Đức, TP.HCM đang lấy dấu vân tay để làm thủ tục cấp CCCD cho một người cao tuổi. Ảnh: THANH TUYỀN

Về thủ tục, nếu công dân có giấy tờ hợp lệ thể hiện thông tin ngày, tháng, năm sinh thì đề nghị cơ quan quản lý CCCD cấp huyện điều chỉnh thay đổi trong sổ hộ khẩu. Sau khi tiếp nhận hồ sơ, công an cấp huyện điều chỉnh thay đổi trong sổ hộ khẩu của công dân đồng thời với việc tiếp nhận hồ sơ cấp, đổi, cấp lại thẻ CCCD.

Nếu chưa có giấy tờ hợp lệ thể hiện thông tin ngày, tháng, năm sinh, công dân cần đến UBND cấp xã nơi làm thủ tục đăng ký khai sinh lần đầu hoặc UBND cấp xã nơi đăng ký thường trú để làm thủ tục bổ sung ngày, tháng sinh vào giấy khai sinh, sau đó làm thủ tục cấp CCCD theo quy định.

 Thẻ CCCD gắn chip có ưu điểm gì?

Nhiều bạn đọc vẫn còn thắc mắc về việc vì sao phải đổi thẻ CCCD gắn chip? Thẻ CCCD gắn chip có ưu điểm gì?...

Theo Bộ Công an, thẻ CCCD có gắn chip điện tử có độ bảo mật cao, dung lượng lưu trữ lớn, cho phép tích hợp nhiều ứng dụng đi kèm. Khi thẻ CCCD gắn chip điện tử có tích hợp đầy đủ các thông tin, lúc đó người dân đi giao dịch và làm các thủ tục sẽ không phải mang nhiều loại giấy tờ mà chỉ cần dùng thẻ CCCD có gắn chip thì sẽ thực hiện được các giao dịch.

Ngoài ra, việc tích hợp chip trên CCCD đem lại tính linh hoạt khi cần bổ sung hoặc sửa đổi thông tin trên thẻ sau khi phát hành bởi cơ quan công an.

Việc sử dụng thẻ CCCD có gắn chip điện tử sẽ thuận lợi hơn trong các giao dịch hành chính của công dân cũng như phục vụ công tác quản lý nhà nước; nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính, hướng tới nền chính phủ số, chuyển đổi số và xây dựng chính phủ điện tử. Đây là xu hướng tất yếu trong việc phát triển xã hội hiện nay. Chip gắn trên thẻ CCCD không có chức năng định vị, tính bảo mật cao, hạn chế tối đa việc giả mạo danh tính.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm