Người khuyết tật gặp khó với xe buýt

Gửi thông tin đến báo Pháp Luật TP.HCM, chị Phạm Thị Nhí (Văn phòng Hội Nạn nhân chất độc dioxin TP.HCM) nêu: “Do bị tật ở chân nên tôi đi lại chủ yếu bằng xe buýt. Có rất nhiều lần tôi bị tài xế xe buýt lớn tiếng “sao chậm như rùa vậy?” khiến tôi cảm thấy tủi thân. Có hôm đến chỗ dừng tôi chưa kịp đặt chân xuống đất thì tài xế đã cho xe chạy làm tôi ngã nhào, người bị trầy xước”.        

Không chỉ chị Nhí mà nhiều người khuyết tật khác cũng bức xúc với cách hành xử của xe buýt. Anh Vương Lai Thuận (quận 1) kể: “Sáng 20-9, tôi đón xe buýt biển số 51B-031… (tuyến Bến xe Miền Tây - Bến Thành). Do tài xế mở cả hai cửa mà tôi thì đứng gần cửa sau nên tôi đã bước lên cửa này rồi ngồi vào ghế gần nhất. Để tài xế có thông tin, tôi đã hai lần đánh tiếng mình có thẻ miễn vé xe buýt. Chẳng rõ tài xế có nghe tôi nói hay không nhưng khi đến trạm Bến Thành và chỉ còn mỗi tôi ngồi trên xe thì tài xế vặn hỏi: “Năm nay bao nhiêu tuổi, có đi học không?” rồi lên lớp mắng nhiếc và chửi tôi bằng nhiều từ tục tĩu. Sau một hồi ngạc nhiên, tôi mới vỡ lẽ tài xế ghét tôi do tôi đã lên xe bằng cửa sau”.

Người khuyết tật gặp khó với xe buýt ảnh 1

Ở TP.HCM vẫn chưa có nhiều xe buýt tạo thuận tiện cho người khuyết tật lên xuống như thế này. Ảnh: Internet

Anh Dương Cẩm Thái (quận 5) than phiền nhiều hôm anh đứng đợi cả buổi nhưng tài xế không đón hoặc đón cách nơi anh đứng rất xa. “Chỉ có những người khỏe mạnh mới chạy theo kịp, còn những người khuyết tật như tôi thì đành chịu thua” - anh Thái nói.

Tuy bất bình nhưng các anh Thuận, Thái… đều ráng chịu đựng và tiếp tục đi xe buýt. Riêng chị Nhí thì quyết định tẩy chay xe buýt. Cố gắng vay tiền bạn bè, chị đã mua chiếc xe máy tự chế (ba bánh) để làm phương tiện đi lại.

Ông Lê Hải Phong, Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành vận tải hành khách công cộng TP.HCM, cho biết: Theo quy định khai thác tuyến xe buýt trên địa bàn TP.HCM, các xe buýt phải tuân thủ quy định “hành khách lên cửa trước, xuống cửa sau” (trừ các trường hợp được ưu tiên hành khách là người già, trẻ em, phụ nữ có thai, thương binh và người khuyết tật). Nhân viên phục vụ phải hỗ trợ, giúp đỡ khách đi xe là người khuyết tật vận động hoặc khuyết tật thị giác. Người lái xe, nhân viên phục vụ không được có thái độ, lời nói thiếu văn minh, lịch sự với hành khách… Căn cứ vào đó, khi phát hiện tài xế, nhân viên xe buýt có hành vi vi phạm các quy định đã nêu, người khuyết tật cần phản ánh ngay để trung tâm kịp thời xử lý theo quy định.

Ở nước ngoài, người khuyết tật được phục vụ tận răng

Vừa rồi, tôi đưa mẹ tôi (84 tuổi) đi Singapore dự lễ tốt nghiệp của cháu gái. Do chân bà cụ hơi yếu nên để tiện di chuyển tôi mang theo chiếc xe lăn và nhờ vậy tôi phát hiện người già, khuyết tật ở đây được tôn trọng, phục vụ hết cỡ. Vừa vào đến cổng an ninh, tôi đẩy xe đứng xếp hàng cuối dòng người dày dặc và chờ đợi như mọi người thì bất ngờ một nhân viên an ninh xăm xăm đi đến phía tôi, nhận lấy xe và đẩy bà cụ ra cửa làm thủ tục riêng.

Trước bến xe điện ngầm RMT, tôi lúng túng không biết làm thế nào đẩy xe lăn vào xe điện nhưng khi xe điện đến, cửa mở ra thì mọi chuyện hóa dễ dàng. Sàn xe điện được thiết kế nối liền với sàn ga, tôi đẩy xe lăn vào xe điện ngon ơ. Vị trí đầu tiên cạnh cửa ra vào xe điện là dãy hàng ghế dành riêng cho người già và người khuyết tật, cạnh đó là khoảng trống để đặt xe lăn. Vậy là mẹ tôi cứ thoải mái ngồi trên xe lăn.

Người khuyết tật gặp khó với xe buýt ảnh 2

Trên đường phố Kuala lumpur luôn có vạch nổi cho người khiếm thị và lối đi lên xuống lề đường cho xe lăn. Ảnh: AT

Khi xuống xe điện ở ga Clémanti thì mọi người phải đi qua tầng thang cuốn. Tôi đỡ bà cụ xuống xe lăn, dìu bà xuống thang cuốn thì lại bất ngờ lần nữa, ở phía cầu thang đối diện, một nhân viên an ninh chạy huỳnh huỵch tới. Anh này đón mẹ tôi tại chân cầu thang, bế bà lên đưa bà ngồi vào xe lăn và nắm tay tôi dẫn đến một cửa thang máy đứng ở gần đó. Nhờ vậy tôi mới biết tại mọi nơi công cộng có thang cuốn đều có ít nhất một cổng thang đứng dành cho người già và người khuyết tật. Trên mọi con đường, mọi lề đường đều có lối thoai thoải dành cho xe lăn lên xuống. Với xe buýt thì cũng thuận tiện như xe điện, sàn xe buýt được thiết kế bằng với lề đường nên tôi dễ dàng đẩy xe lăn thẳng vào xe buýt.

Khi đến Malaysia bằng đường bộ, tại cổng biên giới Sing-Mã, khi tôi đang lục cục mở thùng xe buýt lấy xe lăn đưa mẹ tôi làm thủ tục thì một nữ nhân viên an ninh xuất hiện ra hiệu cho tôi cất xe lăn. Cô bước lên xe buýt đến bên cạnh mẹ tôi làm thủ tục khai báo hải quan ngay trên xe. Ở Mã, điều kiện tuy không tối ưu như Sing nhưng cung cách ứng xử với người già trong thiết kế và phương tiện vận chuyển cũng tương tự.

ANH THƯ

MINH QUÝ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm