Nhiều mức phạt mới bảo vệ người lao động

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 12/2022 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, BHXH, người lao động (NLĐ) Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Nghị định 12 ban hành ngày 17-1-2022 và có hiệu lực cùng ngày ban hành, thay thế Nghị định 28/2020. Luật sư Trịnh Ngọc Hoàn Vũ, Đoàn Luật sư TP.HCM, sẽ giới thiệu đến bạn đọc những quy định đáng chú ý của Nghị định 12.

Người lao động đang làm việc tại một công ty may ở TP.HCM.
Ảnh: NAM DƯƠNG

Không chốt sổ BHXH cho NLĐ hưởng trợ cấp thất nghiệp: Phạt nặng

Lâu nay đã từng có nhiều trường hợp chủ doanh nghiệp không chốt sổ BHXH cho NLĐ gây ảnh hưởng đến quyền lợi của họ.

Tại Điều 39 Nghị định 12 quy định cụ thể những mức phạt mà người sử dụng lao động (NSDLĐ) không thực hiện các nghĩa vụ của mình đối với NLĐ liên quan đến việc đóng và chốt sổ BHXH.

Cụ thể, phạt tiền từ 1 triệu đến 3 triệu đồng khi vi phạm với mỗi NLĐ nhưng tối đa không quá 75 triệu đồng đối với NSDLĐ có hành vi không thực hiện thủ tục xác nhận về việc đóng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho NLĐ để NLĐ hoàn thiện hồ sơ hưởng BHTN. Trước đây (tại Nghị định 28/2020), hành vi này chỉ bị phạt từ 500.000 đến 1 triệu đồng.

Phạt tiền từ 1 triệu đến 3 triệu đồng đối với NSDLĐ có một trong các hành vi như: Hằng năm không niêm yết công khai thông tin đóng BHXH của NLĐ do cơ quan BHXH cung cấp theo quy định; không cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ thông tin về đóng BHXH bắt buộc, BHTN của NLĐ khi NLĐ hoặc tổ chức công đoàn yêu cầu.

Ngoài ra, đối với các hành vi như chậm đóng BHXH bắt buộc, BHTN; đóng BHXH, BHTN không đúng mức quy định mà không phải là trốn đóng; đóng BHXH, BHTN không đủ số người mà không phải là trốn đóng… thì NSDLĐ sẽ bị phạt tiền từ 12% đến 15% tổng số tiền phải đóng BHXH bắt buộc, BHTN nhưng tối đa không quá 75 triệu đồng.

Tại Điều 39 Nghị định 12 cũng quy định mức phạt tiền từ 50 triệu đến 75 triệu đồng khi NSDLĐ có một số hành vi như: Trốn đóng BHXH bắt buộc, BHTN nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nếu vi phạm những hành vi trên, ngoài mức phạt tiền thì NSDLĐ còn phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là đóng đủ số tiền BHXH bắt buộc, BHTN phải đóng cho cơ quan BHXH.

NSDLĐ không trả sổ BHXH cho NLĐ sẽ bị phạt tiền từ 2 triệu đến 4 triệu đồng khi vi phạm với mỗi NLĐ nhưng tối đa không quá 75 triệu đồng đối với NSDLĐ.

Lưu ý đây là mức phạt tiền đối với cá nhân, mức phạt đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm là gấp đôi mức này.

Phạt đến 75 triệu đồng khi ngược đãi người giúp việc

Nghị định 12 cũng tăng cường bảo vệ người giúp việc gia đình. Theo đó, một quy định rất mới được bổ sung vào nghị định lần này là nếu NSDLĐ có hành vi ngược đãi, quấy rối tình dục, cưỡng bức lao động hoặc dùng vũ lực đối với người giúp việc nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ bị phạt tiền từ 50 triệu đến 75 triệu đồng (Điều 30).

Bên cạnh đó, NSDLĐ sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đến 15 triệu đồng khi có một trong các hành vi như: Giữ giấy tờ tùy thân của người giúp việc; không trả người giúp việc khoản tiền BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) theo quy định của pháp luật để người giúp việc chủ động tham gia BHXH, BHYT.

Một số biện pháp khắc phục hậu quả là buộc NSDLĐ trả lại giấy tờ tùy thân cho người giúp việc; buộc NSDLĐ trả đủ tiền BHXH, BHYT cho người giúp việc…•

Không cho lao động nữ nghỉ ngơi ngày “đèn đỏ”

Phạt tiền từ 10 triệu đến 20 triệu đồng khi NSDLĐ có một trong các hành vi sau đây:

- Sử dụng NLĐ mang thai từ tháng thứ bảy hoặc từ tháng thứ sáu nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo làm thêm giờ hoặc làm việc ban đêm hoặc đi công tác xa.

- Sử dụng NLĐ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi làm thêm giờ hoặc làm việc ban đêm hoặc đi công tác xa, trừ trường hợp được NLĐ đồng ý.

- Không cho lao động nữ nghỉ 30 phút mỗi ngày trong thời gian hành kinh, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác (theo quy định trước đây tại điểm b khoản 1 Điều 27 Nghị định 28/2020 thì chỉ phạt tiền từ 500.000 đến 1 triệu đồng đối với hành vi không cho lao động nữ nghỉ 30 phút mỗi ngày trong thời gian hành kinh).

- Không cho lao động nữ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi nghỉ 60 phút mỗi ngày, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác.

- Xử lý kỷ luật lao động đối với lao động nữ đang trong thời gian mang thai hoặc nghỉ thai sản theo quy định của pháp luật về BHXH; xử lý kỷ luật lao động đối với NLĐ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

- Không lắp đặt phòng vắt, trữ sữa mẹ tại nơi làm việc khi sử dụng từ 1.000 lao động nữ trở lên…

Điều 28 Nghị định 12/2022

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm