Nhiều ngành khó tìm việc nhưng lắm người theo

Nhiều ngành khó tìm việc…

Ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc thường trực Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thị trường lao động TPHCM (Falmi) nhận định: “Thị trường lao động thành phố HCM tiếp tục có sự chênh lệnh cung – cầu. Trong đó, ngành Tài chính – Ngân hàng có biểu hiện chênh lệch rõ nét nhất”.

Đây là ngành nghề có số lượng người tìm việc làm luôn luôn vượt so với nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trong những năm trở lại đây.

Theo ông Tuấn, năm 2012 là năm nhiều ngân hàng thực hiện tái cơ cấu bộ máy nhân sự, hàng loạt thay đổi nhân sự không chỉ ở vị trí cao cấp mà còn ở các cấp trung và thấp, nhiều ngân hàng cắt giảm nhân sự. Do đó, tìm việc trong ngành này những năm gần đây là 1 thử thách.

Nhiều ngành khó tìm việc nhưng lắm người theo
Kiếm được việc trong nhóm ngành Tài chính Ngân hàng – Kế toán Kiểm toán trong giai đoạn này là 1 thử thách (ảnh minh họa)

Ngành thứ 2 là ngành Kế toán – Kiểm toán. Ông Tuấn cho biết: “Ngành nghề này có nhiều biến động về nhân sự, đặc biệt là nhân sự có chuyên môn giỏi, tuy là nhóm ngành nghề liên tục được tuyển dụng và có nhu cầu, nhưng nhân lực tìm việc trong nhóm ngành nghề này luôn cao hơn so với nhu cầu tuyển dụng ở tất cả các trình độ”.

Một ngành khác không kém cam go trong thời điểm hiện nay là ngành Xây dựng – Kiến trúc. Ông Tuấn nhận định: “Cùng với sự khó khăn của nền kinh tế, thị trường bất động sản cũng không mấy sáng sủa, hàng loạt doanh nghiệp trong ngành kiến trúc - xây dựng tạm ngưng hoặc ngưng hoạt động, đặc biệt những doanh nghiệp vừa và nhỏ. Vì vậy, trong năm 2012 nhu cầu tuyển dụng giảm gần 50% so năm 2011, tỷ lệ người lao động trong ngành Kiến trúc - Xây dựng thất nghiệp cũng khá cao. Số chỗ làm việc trống chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu tìm việc làm ở các trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học”.

Nhưng vẫn lắm người theo

Ông Nguyễn Minh Hiếu, Trưởng bộ phận nhân lực Chonviec cho biết: “Trong hệ thống hồ sơ ứng viên tìm việc của chúng tôi, ngành kế toán chiếm tỷ lệ rất cao nhưng số tìm được việc rất thấp. Có người tháng nào cũng nộp hồ sơ mới mà mãi 2 năm sau mới tìm được việc”.

Con số chính thức mà Falmi đưa ra là 25% tổng số nhu cầu tìm việc làm của người lao động trên địa bàn TPHCM năm 2012 là người học ngành Kế toán – Kiểm toán. Tỷ lệ người tìm việc trong ngành Tài chính – Ngân hàng cũng rất cao.

Thế nhưng, nhu cầu những năm gần đây và 3 năm tới của cả nhóm ngành Tài chính – Ngân hàng – Kế toán – Kiểm toán chỉ chiếm tầm 6% tổng số nhu cầu lao động trên địa bàn TPHCM. Điều đó cho thấy sự cạnh tranh khốc liệt cho 1 suất việc làm trong nhóm ngành này. Nó cũng cho thấy thị trường đang dư thừa nhân lực trong ngành này.

Một thực tế khó khăn khác nữa là dù nhóm ngành này hiện dư thừa lao động nhưng lại có nhiều người theo học. Theo khảo sát nhu cầu học nghề của Falmi đối với học sinh các trường THPT trên địa bàn TPHCM năm qua thì hầu hết các em lại thích học ngành Tài chính – Ngân hàng (chiếm hơn 33,5% tổng số mẫu khảo sát). Nếu xu hướng này không có sự thay đổi, chênh lệch cung – cầu sẽ ngày càng tăng cao và người học nghề này sẽ càng khó tìm việc.

Ông Tuấn cho rằng: “Việc “thừa - thiếu, thiếu - thừa” giữa các ngành, nghề vẫn luôn hiện diện rất rõ trên thị trường lao động. Phải thống kê khả năng đáp ứng của các lĩnh vực, cân đối thừa, thiếu như thế nào. Đây chính là thông tin quan trọng giúp các cơ sở giáo dục rà soát lại quá trình cung ứng lao động”.

Ông còn nhấn mạnh: “Hơn ai hết, chính người lao động, người sử dụng lao động phải biết thông tin rất quan trọng này. Nhiều chuyên gia quản lý giáo dục từng có ý kiến chỉ tiêu ngành đào tạo của trường ĐH, CĐ nên dựa vào nhu cầu lao động. Cơ quan quản lý vĩ mô liên bộ, liên ngành tăng cường những cuộc khảo sát điều tra, dự báo xu hướng biến động về nhu cầu nhân lực của từng lĩnh vực ngành nghề và công bố rộng rãi để nhà trường, thí sinh và xã hội đều biết các thông tin này. Như thế sẽ góp phần điều chỉnh sự mất cân đối cung - cầu lao động”.

Tùng Nguyên/Dân Trí

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm