Những cái bẫy nguy hiểm cho con trẻ khi tham gia mạng xã hội

Tuần qua, thông tin về cơ quan chức năng TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai phát hiện trường hợp người phụ nữ tự xưng công an nhắn tin dụ dỗ bé gái lớp 5 chụp hình khỏa thân để nhận được trà sữa miễn phí thêm một lần nữa cho thấy mối nguy khi trẻ em tham gia mạng xã hội

Sự phát triển công nghệ và mạng xã hội có tác động to lớn đến đời sống xã hội trong đó có trẻ em. Hiện nay trẻ em được tiếp xúc với công nghệ và mạng xã hội từ rất nhỏ. Thông qua các thiết bị thông minh và mạng xã hội trẻ em học hỏi đựơc rất nhiều điều trong cuộc sống.

Những rủi ro cho trẻ nhỏ từ mạng xã hội

Tuy  nhiên, môi trường trên mạng cũng có rất nhiều rủi ro như các video có nhiều hình ảnh, nội dung có thể tác động trực tiếp đến tâm lý, hành vi và nhân cách của trẻ em. Thậm chí rất nhiều các đường link dẫn đến các hình ảnh dung tục, khiêu dâm, bạo lực…  

Tâm lý trẻ em lại rất tò mò với những thông tin mới lạ và dễ bắt chước, trong khi đó các em chưa đủ nhận biết đâu là những thông tin không lành mạnh, không an toàn.

Bị cáo Nguyễn Văn Dân (sinh năm 2003) bị tuyên phạt bảy năm tù về tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi. Bị hại là cháu ĐGH, sinh năm 2008 quen với Dân qua mạng xã hội. Ảnh: MV

Có thể kể ra các kiểu mà những đối tượng xấu dụ dỗ trẻ như dụ các em tham gia những trang mạng xã hội, nhóm chat ảo. Lúc mới tham thì chia sẻ việc học hành, sở thích, cùng tâm sự những buồn vui trong cuộc sống. Dần dần, các đối tượng sẽ trao đổi về vấn đề giới, cơ thể, tình dục, dụ dỗ các em xem phim khiêu dâm, gạ gẫm các em tạo dáng để lộ những bộ phận cơ thể nhằm quay clip sex...

Rất nhiều em tưởng đây là nhóm kín của những người cùng giới. Các em không biết được việc này rất nguy hiểm bởi vì hình ảnh nhạy cảm của trẻ đã bị ghi lại sẽ bị kẻ xấu đưa lên, chia sẻ trên mạng xã hội.

Theo dõi trạng thái của trẻ để lợi dụng

Các em còn bị lợi dụng dẫn đến bị đánh cắp thông tin cá nhân và gia đình, đánh cắp dữ liệu để dùng vào các hoạt động phi pháp như mạo danh, bán hàng, lấy cắp tiền trong tài khoản, bôi nhọ uy tín, khống chế cha mẹ…

Do tò mò, thiếu hiểu biết trẻ truy cập vào các trang web, diễn đàn, đường link rồi vô tình làm lộ  thông tin. Qua đó tin tặc cài đặt các ứng dụng nghe lén, nhìn lén, phá hoại dữ liệu máy tính.

Các em có thể bị dọa đánh đập, dọa tẩy chay, dọa tiết lộ thông tin hay hình ảnh cá nhân nhạy cảm làm các em sợ và làm theo yêu cầu của chúng.

Các thông tin thất thiệt, phim ảnh, trò chơi bạo lực khiêu dâm làm cho trẻ em nhận thức lệch lạc, hành động bắt chước làm theo, phản khoa học, phản đạo đức, các em trở nên hung hăng hoặc ngại giao tiếp …

Không ít em lên mạng và làm quen, sau đó các đối tượng đã hẹn gặp mặt, các em đã bị lừa lấy hết tiền bạc, xe cộ, trang sức, có em còn bị cưỡng hiếp, giết.

Tôi đã từng tư vấn cho những ca tương tự và thấy những cái bẫy này trẻ em rất khó để nhận ra. Cụ thể như em M. học lớp 8 ở một trường trên địa bàn TP.HCM chia sẻ, em chút nữa là nạn nhân của một trò lừa gạt. Trước đó. em nhận được  tin nhắn của một người lạ, gửi cho một số  hình ảnh đẹp để đăng lên Youtube, cứ mỗi lần có người xem thì em sẽ có tiền. Sau  đó, có một nam thanh niên gọi cho em, qua trao đổi người thanh niên đề nghị em gửi cho anh ta hai tấm hình.

Xem xong, người này nói hình không hấp dẫn và đề nghị em mở camera lên và mặc những bộ đồ hấp dẫn để anh ta chụp hình. Lúc này em M. chợt thấy có gì đó không bình thường nên đã vội tắt máy, chặn liên lạc với người này.

Không giúp trẻ đăng ký tài khoản mạng xã hội

Để an toàn cho con trẻ, các bậc phụ huynh cần lưu ý:

- Hướng dẫn con không kết bạn, không giao tiếp với người lạ trên mạng xã hội.

- Tuyệt đối không cung cấp, chia sẻ thông tin cá nhân, hình ảnh, địa chỉ, số điện thoại của mình và người thân, không làm theo yêu cầu của người lạ quen qua mạng.

- Từ chối gặp mặt với những người quen trên mạng, không chia sẻ vị trí đang ở một mình, không để lộ tâm trạng cô đơn, buồn chán, lo lắng... để đối tượng xấu lợi dụng dụ dỗ.

- Cha mẹ không vì lý do bận việc mà giao thiết bị công nghệ cho con khi không kiểm tra, hướng dẫn.

- Cha mẹ cùng con trao đổi thời gian sử dụng mạng xã hội mỗi ngày,  cân bằng với các hoạt động học tập, vui chơi  của trẻ.

-  Không giúp trẻ đăng ký tài khoản mạng xã hội khi trẻ chưa đủ tuổi. Nên nhớ Facebook, TikTok, Instagram, YouTube không dành cho người dưới 13 tuổi.

- Cha mẹ cần học hỏi, trang bị kiến thức về công nghệ, cùng chia sẻ kinh nghiệm với phụ huynh khác. Đồng thời cha mẹ cũng nên làm gương cho con cái về thời gian sử dụng mạng xã hội.  

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm