Những lãng phí riết rồi đâm quen!

Thời nào cũng vậy, không ai thích và dễ dàng chấp nhận sự lãng phí. Có những lãng phí mang tính vĩ mô nhưng cũng có những lãng phí xem chừng nhỏ nhặt, xảy ra hằng giờ, hằng ngày đến mức trở thành chuyện bình thường. Nói nhỏ nhưng chắc chắn tích tiểu thành đại. Vậy mà thay vì phản đối, cố gắng thay đổi, mọi người đã dung dưỡng lẫn nhau để cho qua cái rụp.

Dễ nhận thấy nhất là lãng phí thời gian, đặc biệt là trong các tiệc cưới. Thiệp mời 17 giờ (có người còn cẩn thận ghi ghú “đãi tiệc lúc 18 giờ”) nhưng rất ít khách đến lúc này. Vì sao? Đúng là có ít người vì bận công việc nên buộc phải đến trễ nhưng đa số đều thủng tha thủng thỉnh vì “có mấy ai đi đúng giờ, mình càng đến sớm thì càng phải đợi lâu!”, “nói vậy thôi chứ 19 giờ hoặc có khi là 20 giờ mới đãi...”. Vậy là phải sau 18 giờ, có khi trễ hơn mọi người mới rục rịch lên đường. Cũng từ chỗ này mà lý ra 10 người đến đúng giờ (số đông tích cực) đợi vài người đến trễ (số ít tiêu cực) thì lâu nay toàn ngược lại: số tích cực dần dà ít hơn số tiêu cực và cũng bị yếu thế hơn. Báo hại, lượng thời gian bỏ ra cho một bữa tiệc luôn gấp hai, gấp ba mức cần thiết.

Từng trải qua những buổi chờ đợi ngoài ý muốn như thế nên nhiều người định bụng sẽ tìm cách khắc phục khi tới đây đứng ra đãi tiệc. Song tức mình mà nói vậy thôi chứ đâu dễ cưỡng lại số đông và đây chính là lý do mà sau này ít ai ghi chú giờ đãi tiệc vì có ghi cũng không làm được.

Hiện tượng “giờ dây thun” này cũng xảy ra ở các tiệc khác như tiệc tân gia, tiệc sinh nhật, tiệc mừng thọ... Nhưng vì các tiệc này quy mô nhỏ hơn tiệc cưới nên sức cam chịu của các “nạn nhân” đỡ căng thẳng hơn.

Sự lãng phí thời gian còn xuất hiện ở các buổi hội họp, làm việc. Giấy mời ghi 8 giờ nhưng thực tế thì 8 giờ 30 mới họp. Giấy triệu tập ghi 7 giờ 30 xét xử nhưng nhiều phiên tòa chỉ được khai mạc vào 8 giờ, hoặc lắm khi còn trễ hơn. Rất ít khi người đến đúng giờ nghe được câu xin lỗi từ người đến trễ không có lý do chính đáng hoặc từ người chủ trì, chủ tọa. Mọi việc được dễ dãi cho qua tựa như việc họp trễ, xử trễ đã là chuyện thường ngày ở huyện. Mà thực ra cũng không mấy ai chấp nhất vì trong mỗi cá thể có lúc là “nạn nhân”, có lúc lại chính là “thủ phạm”.

Phải tính sao để cải thiện tình thế chứ chẳng lẽ mọi người cứ tiếp tục thỏa hiệp để một thói quen xấu tồn tại hoài?

THÀNH NGHĨA (Quận 5)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm