Nỗi buồn môn sử

Đây là trăn trở của vị giáo sư cao tuổi trước thực trạng môn sử đang dần bị xem nhẹ.

Đã từng xuất hiện những chuyện “cười ra nước mắt” về kiến thức lịch sử của học sinh. Trong chương trình “Chuyển động 24h” gần đây của VTV1 phát một clip phỏng vấn một loạt học sinh với câu hỏi chung: “Quang Trung và Nguyễn Huệ có mối quan hệ gì với nhau?”. Có em trả lời Quang Trung và Nguyễn Huệ là hai anh em. Có em thì vô tư hơn: “Em học Trường Nguyễn Du, mà Nguyễn Du chính là ông Quang Trung”… Phát lại chương trình này, VOV đã nhận xét: “Câu trả lời ấy của các học sinh khiến nhiều người vừa “buồn” vừa “cười”. Buồn vì “dân ta” lại không biết sử ta. Cười vì cách trả lời tự tin và ngây ngô của các em học sinh. Điều này cũng có nghĩa giáo dục nước nhà đang thất bại với chính con em của mình” (VOV online ngày 13-7-2015).

Việc học sinh chán và không thích học lịch sử đã được mổ xẻ tại nhiều diễn đàn khác nhau. Nhiều nhà khoa học, nhà giáo dục có cùng nhận xét rằng việc học sinh chán học và học kém môn lịch sử có nguyên nhân từ việc biên soạn sách giáo khoa và giảng dạy lịch sử.

Thế nhưng ai dám khẳng định nó lại không bắt đầu từ một nguyên nhân giống những câu chuyện mà GS Phan Huy Lê đang nói tới, tức cái đầu của những người có thẩm quyền. Không ai bắt một học sinh am hiểu về lịch sử phải đi theo những ngành có liên quan đến lịch sử và cũng không ai lại mong muốn những lớp học sinh học giỏi tự nhiên nhưng mù mờ về lịch sử. Dạy và học lịch sử chính là dạy và học làm người, là thông qua những câu chuyện, những bài học lịch sử để giáo dục nhân cách, phẩm giá của con người. Học lịch sử để hiểu đất nước và dân tộc mình, để hiểu những vinh quang, cay đắng mà các thế hệ tiền nhân đã đổ bao xương máu để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, để từ những bài học của quá khứ mà nhận biết giá trị của ngày hôm nay. Và hơn tất cả, học sử để mỗi người không phải “mất gốc” ngay trên chính quê hương, đất nước mình.

Lịch sử mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam là lịch sử của những câu chuyện vô cùng sống động, hấp dẫn, đầy tính nhân văn, có thể soi rọi cho hôm nay và về sau. Lịch sử không phải là những khẩu hiệu, những kết luận võ đoán, những thiên vị một chiều. Lịch sử cần sự khách quan, chân thực. Đừng bắt học sinh phải tiếp nhận lịch sử bằng những bài học thuộc lòng, bởi trong thời đại Internet hiện nay, cái gì không biết thì đã có Google.

Do đó, cùng với nhiều những việc phải làm (như tìm cách truyền đạt sinh động, hấp dẫn), cần khắc phục ngay cách biên soạn sách giáo khoa lịch sử hiện nay. Lịch sử không chỉ là những bài học khô khan về số liệu, về sự kiện “ta thắng, địch thua” mà còn là những câu chuyện, con người thú vị, những bài học bổ ích.

Chỉ xin đơn cử một ví dụ: Nếu viết, nếu giảng về lịch sử thời Trần tại sao ta không nhấn mạnh giai đoạn lịch sử này chỉ có hai quốc gia chiến thắng vang dội trước quân Nguyên Mông, đó là quân dân Đại Việt (dưới sự chỉ huy của nhà Trần) và Nhật Bản. Cùng với đó là chi tiết giặc Nguyên Mông đã làm cỏ từ châu Âu sang châu Á, từ tiểu Á tới Bắc Phi; là nhắc sự kiện những vương công quý tộc nước Nga phải cúi mình đội mâm cho tướng lĩnh Mông Cổ ăn tiệc; là lời than của giáo hoàng La Mã: “Ta sợ quân Tác Ta đến mất ăn mất ngủ”; là một nhà sử học nổi tiếng người Ba Tư đã viết trong cuốn lịch sử của dân tộc mình: “Ở phương Đông xa xôi có một dân tộc đã đánh thắng quân Tác Ta”… Rồi những câu chuyện, giai thoại xung quanh Trần Thủ Độ, Trần Hưng Đạo, Trần Bình Trọng…

Xin hãy ủng hộ GS Phan Huy Lê: Đấu tranh đến cùng để giữ lại môn lịch sử. Muốn vậy, chúng ta cần phải đổi mới phương pháp dạy và học môn sử một cách căn cơ, khoa học để học sinh dễ nhớ, thấm sâu và tự hào về dân tộc mình.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm