Nỗi lòng làm vợ Tây

Nỗi lòng làm vợ Tây ảnh 1
Một nhà văn nữ có chồng người nước ngoài kể rằng chị thường xuyên được các cô gái trẻ tham khảo ý kiến: Có nên lấy chồng người nước ngoài không? Liệu có hạnh phúc hay không? Thông thường với những trường hợp đó, chị đưa ra những lời khuyên rất chung chung, nhưng cũng rất thực tế sau.

Chồng người nước ngoài - một người lạ, một lối sống khác

Bạn có thể "dồn" họ vào một nhóm có điểm chung: những người không cùng tiếng nói và màu da với mình. Đó chỉ là một miêu tả mang tính bề mặt. Điều quan trọng là cốt lõi bên trong: họ cũng rất khác nhau. Người New York có thể sôi nổi, mạnh mẽ, thoáng đạt hơn người ở các vùng xa xôi và hẻo lánh của nước Mỹ, người Anh thì trầm tính, lạnh lùng, người Pháp thì nhẹ nhàng nhưng hơi cầu kỳ và quá tinh tế...

Những sự khác biệt về cá tính này không chỉ phụ thuộc vào quốc tịch, mà còn tùy môi trường xã hội mà "người nước ngoài" ấy sinh ra và lớn lên. Ở một môi trường này, bạn có thể ghé thăm người láng giềng, gõ cửa nhà bất kỳ lúc nào, nhưng ở nơi khác, việc viếng thăm phải được báo trước và bạn không thể đến bằng hai tay không. Có những cách cư xử ở nơi này, bạn chỉ làm mọi người ngạc nhiên, nhưng ở nơi khác, người ta sẽ bình phẩm, đánh giá bạn. Và, người chồng tương lai của bạn đã phải sống từ rất lâu theo những nguyên tắc bất thành văn nhưng lại rất vững bền đó. Nếu bạn bước chân vào cuộc sống chung với một người có những nền tảng hành động và cư xử đã thành quy tắc mà bạn không kịp thời nắm bắt và tuân theo, nhiều mâu thuẫn có thể sẽ xảy ra.

Ngoài những quy tắc nho nhỏ về lối sống đó, trong đời sống xã hội ở các nước khác còn có thể có những mâu thuẫn thực sự nghiêm trọng hơn. Thí dụ mối quan hệ trong vấn đề tiền bạc. Không ít phụ nữ Việt Nam hình dung ra đời sống ở nước ngoài và của những người nước ngoài là rất thoải mái về kinh tế và họ là người "không cần phải tính toán về chuyện tiền bạc". Thực tế không hoàn toàn như vậy.

Một cô dâu người Việt sống tại Mỹ kể: Thời gian đầu, cô thật sự bị sốc trước cách tính toán, chi tiêu của chồng. Thậm chí cô từng khóc qua điện thoại với người ở nhà rằng hóa ra chồng mình là người ti tiện, keo bẩn và tính toán… Thế nhưng, sống chung một thời gian, cô mới hiểu ra vấn đề: Ở Mỹ, rất nhiều người đều biết rằng họ cần phải có tiền đề dành cho những “ngày đen tối”. Nguy cơ của “những ngày đen tối” ấy luôn treo lơ lửng trên đầu tất cả mọi người, đó là khả năng thất nghiệp, bệnh tật. Và vì thế, dù có thể có những khoản thu nhập không nhỏ, nhưng nhiều người trong số họ luôn có tâm lý đề phòng rủi ro trong cuộc sống rất cao.

Lời khuyên dành cho bạn: Hãy chuẩn bị tâm lý sẵn sàng để phải bước vào và thay đổi cuộc sống của mình theo một mẫu hình hoàn toàn khác. Hãy tìm hiểu mọi phong tục, tập quán, lối sống của nơi mà bạn sắp tới.

Những nếp gấp suy nghĩ của cả hai phía

Khoác lên người sự hãnh diện có một người chồng nước ngoài, nhiều cô gái quên đi việc chuẩn bị tâm lý làm vợ: học cách chia sẻ mọi điều với chồng, chung lưng đấu cật để xây dựng cuộc sống. Trong các cuộc hôn nhân "mơ ước" này, nhiều cô gái đã mong chờ và hy vọng vào quá nhiều điều tốt đẹp, thậm chí đôi khi mong chờ ấy vượt xa thực tế rất nhiều. Đa số họ vẫn cho rằng mình sẽ nhờ cậy được vào chồng. Đó là ảo tưởng thứ nhất. Ảo tưởng thứ hai là hình ảnh một người chồng lịch lãm hào hoa, luôn biết chăm sóc, chiều chuộng phái nữ. Thế nhưng, khi vấp phải những chuyện vặt vãnh đời thường, họ sẽ lập tức thất vọng về chồng, người không có khả năng và chắc cũng không biết nhiệm vụ của mình là "biến ước mơ của vợ thành hiện thực".

Ở những người chồng nước ngoài cũng có một tâm lý chung: đa phần họ đều hình dung người phụ nữ Á đông là những người vợ hiền thục, dịu dàng và ngoan ngoãn phục tùng. Thế nhưng bước vào cuộc sống chung với nhiều va chạm, hình ảnh đó có thể bị thay đổi và làm họ phải thất vọng.

Ngoài ra, còn có một tâm lý không mấy tốt đẹp mà chúng ta phải thừa nhận: đa phần người nước ngoài khi lấy một cô gái Việt Nam sẽ có cảm giác anh ta đang làm ơn cho cô gái ấy vì đời sống của đất nước họ có phần cao hơn so với đời sống Việt Nam. Tâm lý đó có thể xuất hiện ngay cả trong những người xung quanh anh ta, những người thân, họ hàng, bạn bè. Nó ảnh hưởng trực tiếp đến suy nghĩ của anh ta. Và một lúc nào đó, anh ta sẽ nghĩ rằng bạn là người phải biết ơn anh ta. Khả năng đó hoàn toàn không hiếm xảy ra và gây nên sự bất bình đẳng trong quan hệ. Nếu bạn là một cô gái độc lập và đầy tự chủ thì mâu thuẫn sớm muộn gì cũng sẽ xảy ra.

Lời khuyên dành cho bạn: Hãy chuẩn bị tâm lý sẵn sàng cho một sự chia sẻ, thông cảm, hiểu biết. Hãy xác định càng sớm càng tốt vị trí xã hội của mình. Đừng để mình biến thành... cây chổi quét nhà.

Ngôn ngữ tình yêu không đủ

Người ta thường hoa mỹ về "ngôn ngữ của trái tim", "ngôn ngữ của tình yêu" nhưng thực tế không phải lúc nào bạn cũng có thể chỉ cần nhìn vào mắt là hiểu nhau. Mỗi con người là một cá thể hoàn toàn xa lạ, hoàn toàn khác nhau. Mỗi người có chính kiến, có quan điểm về mọi sự việc và có cả những thói quen khác nhau. Cuộc sống chung của một cặp vợ chồng là cuộc "đấu tranh sinh tồn trong hòa bình" lớn (đôi khi còn là không hòa bình), để người này có thể bỏ qua hay chấp nhận điều này, điều kia của người khác và ngược lại. Với một người chồng có cùng ngôn ngữ, điều đó vốn đã không đơn giản thì bạn hãy tưởng tượng xem chuyện ấy sẽ phức tạp thế nào khi bạn phải thể hiện chúng bằng... mắt?

Bên cạnh đó, bạn và anh ấy không sống trong ốc đảo, mà còn sống với những mối quan hệ xung quanh, với gia đình, họ hàng, bạn bè và láng giềng của anh ấy. Hãy tưởng tượng rằng chỉ cần "sểnh" anh ấy ra một chút là bạn sẽ đừng ngơ ngẩn giữa một bữa tiệc, miệng cười gượng gạo, chẳng biết nói chuyện với ai, chẳng biết người ta hỏi gì mình... Còn anh ấy thì lúc nào mắt cũng phải canh chừng bạn, xem có ai hỏi han gì bạn hay không, xem bạn có nhu cầu gì đó hay không? Đến một lúc nào đó, điều này sẽ trờ thành cực hình cho cả hai người.

Lời khuyên dành cho bạn là: hãy cố gắng nắm càng nhanh càng tốt ngôn ngữ của anh ấy và ngược lại cũng hãy giúp anh ấy làm quen với ngôn ngữ của chúng ta. Chủ động bước vào, hòa nhập với cuộc sống xã hội càng sớm càng tốt.

Hãy cẩn thận với những vấn đề tế nhị của luật pháp

Ngay cả khi bạn lấy chồng là người Việt Nam, bạn cũng sẽ cần biết đền những quy định pháp luật cơ bản, để có thể hiểu rõ những quyền lợi của mình, điều này càng đặc biệt cần thiết khi bạn và chồng có những trục trặc và có nguy cơ tan vỡ.

Ở các nước khác, vấn đề tài sản được "thỏa thuận và ký kết" rất rõ ràng ngay khi cả hai đăng ký kết hôn. Bạn cần biết cho rõ những vấn đề này. Có một cô gái lấy chồng người Pháp. Họ quen ở Việt Nam. Sau đám cưới, cô gái theo chồng về Paris, sống trong một căn nhà sang trọng. Chỉ đến lúc đó cô gái mới biết anh ta là một kẻ cờ bạc. Trong vòng hai năm chung sống, anh ta nướng hết toàn bộ tiền bạc của mình vào các sòng bài, sau đó là cả ngôi nhà tráng lệ của họ. Cô gái không có quyền gì, vì tài sản đó hoàn toàn là của anh ta, theo thỏa thuận chung ban đầu. Trở về Việt Nam sớm thì cô không muốn, theo luật pháp của Pháp thì cô phải có 5 năm sống trên đất Pháp mới được lấy quốc tịch, nên cô đành gồng mình gánh con nghiện trên vai. Họ sống trong một căn hộ nhỏ, cô phải tự tìm việc làm và giờ đây, vì lòng thương hại, thỉnh thoảng cô cũng cho "ông chồng người nước ngoài" của mình vài euro mua thức ăn...

Còn rất nhiều chuyện khác để kể cho các cô dâu chuẩn bị lấy chồng xa xứ nhưng lời khuyên duy nhất, giá trị nhất và chung nhất cho các cô vẫn là: Hãy lấy một người chồng vì chính con người anh ta, đừng vì đất nước mà anh ta sinh ra.

(Theo Phụ nữ TPHCM)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm