Nơi xử lý phản ánh của dân trong 24 giờ

Mặc dù phần mềm “Quận 9 trực tuyến” mới chỉ hoạt động được 10 ngày, song mô hình tiếp nhận thông tin này đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ phía người dân. 99 phản ánh của người dân đã nhanh chóng được tổ phản ứng từ phường đến quận giải quyết dứt điểm.

10 ngày, 99 phản ánh được xử lý

Ông Nguyễn Văn Hùng, người dân phường Trường Thạnh, quận 9, TP.HCM, hồ hởi: “Ngày trước ở di tích lịch sử Vùng bưng sáu xã luôn diễn ra cảnh buôn bán tấp nập. Rau cá, tôm thịt vây kín trước cửa di tích gây mất mỹ quan đô thị. Mới đây, có người phản ánh đến phần mềm trực tuyến muốn xóa hình ảnh này và đã được cán bộ giải quyết nên hiện nay không còn cảnh buôn bán trước di tích nữa”.

Tương tự, chị Tống Thị Phương, phường Phú Hữu, quận 9, bức xúc: “Bây giờ tôi mới biết phần mềm “Quận 9 trực tuyến” hữu hiệu như vậy. Người dân chỉ cần tải về điện thoại, có vấn đề gì là chụp ảnh báo lên phần mềm, ngay sau đó sẽ có cán bộ xuống kiểm tra và xử lý. Lâu nay người dân rất ái ngại và không dám phản ứng trước hành động của hàng xóm vì phải đôi co. Đơn cử như hàng xóm nhà tôi hay trải chiếu ra hẻm chung để tổ chức ăn nhậu, sau đó hát karaoke. Bây giờ tôi biết có phần mềm này thì sẽ tải xuống để phản ánh”.

Ông Hoàng Minh Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND quận 9, đồng thời là tổ trưởng tổ tiếp nhận thông tin, cho biết qua 10 ngày chính thức triển khai phần mềm “Quận 9 trực tuyến”, UBND quận và phường đã tiếp nhận và xử lý được 99 trường hợp. Trong đó, quận chủ yếu nhận được các thông tin trật tự đô thị, vấn đề lòng lề đường, san lấp mặt bằng, xây dựng không phép.

Theo UBND phường Tân Phú, việc triển khai phần mềm trực tuyến đã giúp phường nhận được thông tin trực tiếp từ người dân, từ đó có thể xử lý nhanh chóng, tăng tính tương tác giữa cán bộ và người dân.

Bà Nguyễn Thị Hằng sử dụng phần mềm trực tuyến để phản ánh đến chính quyền quận 9, TP.HCM. Ảnh: ĐÀO TRANG

Cán bộ phường, quận đang đi kiểm tra, xử lý phản ánh của người dân. Ảnh: ĐÀO TRANG

Bảo mật thông tin người phản ánh

Ông Hoàng Minh Tuấn Anh chia sẻ: Trong các năm qua, quận 9 đã thực hiện nhiều giải pháp để đảm bảo an toàn giao thông, xử lý trật tự đô thị, lấn chiếm lòng lề đường. Tuy nhiên, kết quả đạt được chưa bền vững, tình trạng lấn chiếm vẫn còn tái diễn ở một số nơi gây mất mỹ quan đô thị và bức xúc trong nhân dân.

Chính vì vậy, UBND quận 9 đã xây dựng phần mềm “Quận 9 trực tuyến” nhằm mục đích tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân phản ánh và giám sát tình hình vi phạm trật tự đô thị. Các thông tin này sẽ được lực lượng chức năng kiểm tra và xử lý. Ngay sau khi ra mắt, các tổ tiếp nhận thông tin đã về 13 UBND phường trên địa bàn quận 9 tuyên truyền và hướng dẫn người dân.

Khi nhận được thông tin của người dân phản ánh, các tổ thành viên sẽ xử lý và thông báo kết quả trên app trực tuyến.

Đối với các vấn đề phức tạp thì thành viên trong tổ sẽ liên lạc với tổ trưởng là phó chủ tịch quận để xin chỉ đạo trực tiếp. Mọi thông tin sẽ được giải quyết trong ngày từ 7 giờ đến 17 giờ. Trường hợp các thành viên không xử lý thông tin người dân gửi đến thì các tổ trưởng sẽ gọi điện thoại nhắc nhở và yêu cầu hoàn thiện trong ngày.

Ưu điểm của phần mềm này là giữ kín thông tin của người phản ánh (số điện thoại), các thành viên chỉ nhận được thông báo của người dân trên địa bàn phường.

Để nhiều người dân biết đến và sử dụng phần mềm, UBND quận 9 đã tổ chức tuyên truyền cho 68 khu phố, phát 30.000 tờ rơi, treo 300 cờ phướn và 100 băng rôn phủ kín toàn quận, đồng thời sẽ hướng dẫn người dân tải app trực tuyến và hướng dẫn cách sử dụng.

Cách tải ứng dụng

Đối với điện thoại trên nền tảng iOS: Vào biểu tượng cài đặt App Store rồi tìm kiếm “Quận 9 trực tuyến”.

Nơi xử lý phản ánh của dân trong 24 giờ ảnh 3
Cán bộ tiếp nhận và xử lý thông tin từ người dân qua ứng dụng cài đặt trên điện thoại. Ảnh: TT

Đối với điện thoại trên nền tảng Android: Vào biểu tượng Google Play rồi tìm kiếm cụm từ khóa như trên, sau đó nhấn nút cài đặt.

Với phần mềm trực tuyến quận 9, phó chủ tịch quận 9 làm tổ trưởng tổ tiếp nhận thông tin và thành viên là các cán bộ chuyên môn. Đối với cấp phường thì chủ tịch phường là tổ trưởng, công an phường là tổ phó; phó chủ tịch phường, cán bộ địa chính là thành viên trong tổ tiếp nhận thông tin cấp phường.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

TP.HCM đề xuất quản lý chó, mèo: Hợp lý!

TP.HCM đề xuất quản lý chó, mèo: Hợp lý!

(PLO)- Chủ nuôi chó, mèo phải đáp ứng điều kiện nuôi để chính quyền dễ quản lý, giảm tình trạng một nhà nuôi số lượng lớn làm ảnh hưởng đến các hộ dân xung quanh.