Nước mắt thầm lặng của những y bác sĩ tuyến đầu chống dịch

Sư cô Thích nữ Nhuận Bình (sư cô), Phó Thư ký Ban văn hóa Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP.HCM, là một trong 80 tăng ni, Phật tử được chọn phục vụ hỗ trợ ở các bệnh viện (BV) dã chiến, điều trị F0 từ ngày 22-7.

Sư cô được phân công về BV dã chiến thu dung số 12 (BV số 12), TP Thủ Đức hỗ trợ tuyến đầu chống dịch. Trong suốt thời gian phục vụ, hỗ trợ cho các bệnh nhân tại đây, sư cô đã ghi nhận được rất nhiều câu chuyện cảm động không chỉ của bệnh nhân mà của cả những y bác sĩ ở BV.

Sư cô Nhuận Bình hỗ trợ, chăm sóc các ca F0 ở phòng cấp cứu.
Ảnh: NGUYỄN Á

Pháp Luật TP.HCM ghi nhận lại những câu chuyện, chia sẻ của sư cô Thích nữ Nhuận Bình trong những ngày sát cánh cùng đội ngũ y tế chữa trị cho F0.

Trước mặt bệnh nhân phải luôn mạnh mẽ

Đều nhận được những tin dữ, tin buồn từ người thân nhưng những ca F0 có thể gào khóc trong sự chăm sóc, động viên của đội ngũ nhân viên y tế, còn đội ngũ y tế tuyến đầu khi nhận tin chỉ biết lặng lẽ buồn, lo lắng và khóc một mình.

Ở BV số 12, chuyện F0 khóc diễn ra hằng ngày. Họ mệt nên khóc, buồn cũng khóc và nhận tin dữ ở nhà thì càng khóc nhiều hơn.

Đặc biệt, bệnh nhân nhận tin người thân mất thường rất sốc, quỵ ngã. Họ gào khóc, lúc đó chỉ số SpO2 (nồng độ ôxy trong máu) xuống thấp vô cùng.

Ngay lập tức, họ được đưa xuống phòng cấp cứu để chăm sóc đặc biệt. Trên giường bệnh, họ vẫn nằm khóc. Điện thoại gọi liên tục, nước ngoài gọi về, dưới quê gọi lên hỏi tình hình. Những người chăm sóc, hỗ trợ như chúng tôi phải đứng cạnh bên trông chừng và khuyên nhủ. Chúng tôi thường khuyên bệnh nhân: “Có những cuộc điện thoại không nên nghe, có những cuộc điện thoại chỉ nghe và trả lời có hay không, đúng hay sai”.

Thực ra, nếu là mình nhận tin dữ thì cũng sốc như họ nhưng ở thời điểm này, mình phải tự nhủ bản thân phải bình tĩnh để còn chăm sóc bệnh nhân. Nhìn lại trong hoàn cảnh này, mình còn may mắn hơn nhiều người khác rồi.

Đội ngũ y tế ở tuyến đầu cũng có người thân bị nhiễm COVID-19. Tôi nhớ, có lần một nhân viên y tế đang chuẩn bị lấy thuốc tiêm cho bệnh nhân thì nhận tin người nhà dương tính và phải đi điều trị ở một nơi khác. Họ bần thần, run tay run chân, không thể tiếp tục làm việc.

Thế là họ ra ghế ngồi thẫn thờ. Trong bộ đồ bảo hộ kín mít, nhân viên y tế có khóc cũng đâu ai biết. Giọt nước mắt có chảy ra cũng không ai nhìn thấy.

F0 mệt mỏi gục ngã thì có đội ngũ y tế, tình nguyện viên bên cạnh, làm điểm tựa. Còn với vai trò của mình, nhân viên y tế có khóc thì quay lưng đi mà khóc, đứng trước mặt bệnh nhân phải luôn mạnh mẽ.

Lúc nào chúng tôi cũng động viên các F0: “Đã ở đây rồi thì mình phải hiểu rằng mình có phước, may mắn hơn nhiều F0 ngoài kia. Bây giờ nhiều F0 không đến BV, không nhận được sự chăm sóc của bác sĩ. Mọi người được đến đây rồi thì lo tĩnh dưỡng. Tất cả để cho tuyến đầu lo, bác sĩ lo”.

Tôi nghĩ lời mình đủ tính thuyết phục, cho nên họ nghe và tin để có tinh thần tiếp tục chiến đấu với dịch bệnh.

Lâu lâu một số ca F0 lại hỏi tôi: “Hôm nay con đỡ chưa sư cô, các chỉ số của con có ổn không, con sắp khỏe chưa, con sắp lành bệnh chưa, con nhớ gia đình lắm rồi. Con muốn về nhà…!”.

Ở tuyến đầu nhiều tâm sự trái ngang, những nỗi buồn không tên tuổi. Người ta phải tự trấn an nhau bằng cách nói rằng họ sắp khỏe rồi, các chỉ số sắp ổn định rồi, chỉ cần cố gắng thêm chút nữa, ăn nhiều, ngủ đủ giấc, uống đủ nước, tinh thần thoải mái, không lo toan thì ngày tạm biệt BV sắp đến.

Có nhiều ca khi trấn an xong, chúng tôi vội quay đi để giấu giọt nước mắt của mình, giấu sự nghẹn ngào thương cảm...

Trả ơn thành phố, Tổ quốc

Đội ngũ những người làm việc ở tuyến đầu cũng bằng xương, bằng thịt, ai cũng sợ dịch bệnh tấn công mình, tấn công người thân. Thế nhưng, ai cũng sợ chết thì sẽ không có hàng trăm người đã và đang ngày đêm ở tuyến đầu chống dịch, bất chấp mọi rủi ro, thậm chí cả hy sinh.

Mấy chục năm nay, tôi được sống trong một đất nước rất bình yên. Tôi mang ơn Tổ quốc và TP.HCM - nơi nuôi dưỡng tôi khôn lớn. Bây giờ TP cần, người dân cần thì tôi không từ chối.

Là một tu sĩ, tôi mang ơn những thí chủ cơm áo gạo tiền. Đây là lúc tôi trả ơn quốc gia, trả ơn TP, trả ơn những thí chủ đã bảo bọc, nuôi dưỡng mình.

Chỉ cần còn sức khỏe, mọi người cần đến tôi thì tôi không bao giờ từ chối việc phục vụ ở tuyến đầu.

Tôi cũng đã kêu gọi một số tình nguyện viên đến phục vụ BV dã chiến điều trị COVID-19 quận Bình Thạnh. Qua đó đã có nhiều trái tim thiện nguyện đã chấp nhận dấn thân vào tuyến đầu, hỗ trợ đội ngũ y bác sĩ để cùng tuyến đầu chống dịch.•

 

80 tình nguyện viên Phật giáo hỗ trợ tuyến đầu

Hưởng ứng lời kêu gọi của TP chung tay phòng chống dịch, 361 tình nguyện viên tôn giáo đã tham gia hỗ trợ tại các BV dã chiến, BV điều trị COVID-19.

Trong số này có 80 tình nguyện viên Phật giáo đang phục vụ, hỗ trợ tuyến đầu theo sự phân công của Sở Y tế TP.HCM.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm