Phá hại môi trường: Phải xử nghiêm!

“Chưa bao giờ vấn nạn ô nhiễm môi trường, hủy hoại tài nguyên ở Việt Nam diễn ra với mức độ khốc liệt như lúc này. Tăng trưởng kinh tế là mục tiêu để đưa đất nước phát triển nhưng tăng trưởng kinh tế không có nghĩa là bằng bất cứ giá nào” - nhiều độc giả bày tỏ.

Cá chết, sao các vị cứ loay hoay?

Chúng tôi rất thất vọng và tiếp tục hoang mang khi biết rằng chiều 23-4, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám và Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân về Hà Tĩnh chủ trì họp với lãnh đạo các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên-Huế nhưng vẫn chưa đưa ra được nguyên nhân dẫn đến độc tố gây cá chết. Đồng thời, cơ quan chức năng cũng chưa đưa ra được chính sách hỗ trợ người dân bị thiệt hại.

Vậy là từ ngày người dân phát hiện cá chết bắt đầu từ Vũng Áng (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh), lan ra tới hơn 250 km đến Lăng Cô (Thừa Thiên-Huế) đã gần 20 ngày, chúng tôi vẫn phải chờ đợi trong lo lắng.

Chờ đợi vì các vị quan chức bảo “cần thời gian”, “cần nghiên cứu, tìm hiểu”. Đến bao giờ để có câu trả lời? Khi cá chết dạt vào bờ, phân hủy bốc mùi hôi thối, chưa thấy lãnh đạo UBND tỉnh Hà Tĩnh xuống hiện trường kịp thời, hóa ra là vì “chúng tôi mới có chủ tịch UBND tỉnh hôm qua, còn các đồng chí phó chủ tịch mới được bầu đang còn chờ phê duyệt” - ông Lê Minh Đạo, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Hà Tĩnh, trả lời trên một tờ báo như thế.

Người dân đang trông chờ làm rõ nguyên nhân, tác nhân gây cá chết hàng loạt.  Ảnh: ĐẮC LAM

Khi Formosa nhập hàng trăm tấn hóa chất về và súc rửa đường ống, cơ quan chức năng ở Hà Tĩnh cũng... chưa nắm được đó là chất gì, có độc hay không vì chưa được báo cáo. Trời ơi, sao ngư dân lặn xuống biết đường ống xả ngầm của Formosa thải chất có màu đục vàng nhưng cơ quan chức năng không biết?

Về việc Formosa chưa được phép xả thải ra môi trường nhưng đã xả từ lâu nay, ông Võ Tuấn Nhân - Thứ trưởng Bộ TN&MT trả lời: Việc quản lý xả thải là Cục Quản lý tài nguyên nước đảm trách và do một thứ trưởng khác phụ trách nên ông không nắm được. Ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, thì thừa nhận đây là lần đầu tiên xuất hiện cá chết nhiều trên diện rộng, là vấn đề nóng, nhạy cảm nhưng ông Tám cũng nói “Chỉ là vấn đề chưa tìm ra nguyên nhân chính xác và cần phải làm rõ”.

Và dù chưa được làm rõ, chiều 23-4, ông Đặng Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, lại phát biểu trên báo chí: “Những loại hải sản như mực, tôm, cua, cá vẫn đang sống thì người dân có thể ăn được. Ngoài ra, người dân cũng có thể yên tâm tắm biển ở các vùng biển này” (?). Đến đây, chỉ còn biết kêu trời để bớt ức chế.

Được biết ngày 24-4, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đến Hà Tĩnh chỉ đạo việc khẩn trương làm rõ nguyên nhân cá chết, xử lý nghiêm vi phạm nếu có. Bộ TN&MT cũng hứa khoảng năm ngày nữa sẽ có kết luận. Chúng tôi đang mong chờ có được những thông tin minh bạch, rõ ràng và chính xác.

NGUYỄN ĐẠI (Nghi Xuân, Hà Tĩnh)

Đừng “hắt hủi” tài nguyên

Một nền kinh tế tăng trưởng bền vững phải bảo đảm hài hòa các yếu tố, trong đó có bảo vệ môi sinh, môi trường, tài nguyên. Nếu chỉ quá chú trọng vào tốc độ tăng trưởng mà quên đi bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên thì tăng trưởng ấy rồi cũng sẽ không có ý nghĩa gì. Một đồng làm được hôm nay, ngày sau đã phải chi ra cả trăm đồng để khắc phục môi trường là tình cảnh đang diễn ra ở nhiều nơi. Đó là chưa kể những nguy hại mà ô nhiễm môi trường, nguồn nước gây ra như bệnh dịch, ung thư… Tài nguyên về nước, về khoáng sản đâu phải là vô tận.

 Mỗi ngày qua đi, chúng ta lại xót xa, căm giận khi nhận được những thông tin công ty này, nhà máy kia xả thải độc hại chưa qua xử lý thẳng ra sông, biển. Để xử lý 1 m3 nước thải, nhất là loại nước thải trong sản xuất công nghiệp, hóa chất sẽ phải chi một số tiền không nhỏ. Vì vậy, những doanh nghiệp “ác nhơn” đã bí mật xả thải. Chỉ tội dân mình, nhất là người nghèo phải căng lưng gánh chịu hậu quả.

Cùng với việc các doanh nghiệp làm ăn thất đức xả thải ra môi trường thì việc người dân dùng quá nhiều phân bón hóa học, thuốc trừ sâu cũng làm nguồn nước ngày thêm ô nhiễm. Vừa qua, tôi có việc đi Long An, nhờ một người lái xe ôm chở đi. Trong các góc ruộng, dòng mương, những vỏ chai thuốc trừ sâu đã qua sử dụng nằm ngổn ngang. Lại nhớ chuyện có lần ngủ đêm ở nhà già làng tên Năm Nổi, ông kể rằng người Châu Ro của ông xưa không đốt rẫy vào mùa khô vì sẽ gây cháy rừng, hại muông thú. Dân làng tuy săn bắt thú rừng nhưng không bao giờ săn bắn vô tội vạ. Họ cũng không dùng chất độc để bắt cá ở sông suối, ao hồ. Lưới đánh bắt cá thường là loại có mắt thưa để không bắt trúng cá nhỏ.

Các cơ quan có trách nhiệm cần xử lý nghiêm minh các hành vi ứng xử thô bạo với môi trường, đầu độc môi trường. Trước khi cấp phép đầu tư các dự án, tiêu chí bảo vệ môi trường phải được xem là ưu tiên, bắt buộc.

VŨ TRUNG KIÊN (Quận Thủ Đức, TP.HCM)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm