VỤ ‘VKS MUỐN… KHỎI XIN LỖI CÔNG KHAI’

Phải xin lỗi chứ không được thương lượng?

Nội dung phản ánh VKS tỉnh Tây Ninh đã năn nỉ ông Nguyễn Thanh Cần (người bị buộc tội oan vì trộm tiền của vợ) để khỏi phải xin lỗi công khai ở địa phương và đăng lời xin lỗi trên báo. Tôi xin được trao đổi thêm về trường hợp này.

Một là cần phân biệt trách nhiệm dân sự (TNDS)thông thường với TNDS trong công vụ. Mặc dù xin lỗi là một trong các hình thức thực hiện TNDS nhưng không nên hiểu rằng trách nhiệm xin lỗi của VKS tỉnh Tây Ninh đối với ông Cần là TNDS. Bởi lẽ trong khoa học pháp lý hành chính hiện nay còn có khái niệm trách nhiệm công vụ (TNCV). TNCV được hiểu là trách nhiệm, nghĩa vụ của người cán bộ, công chức (đại diện cho Nhà nước) phải thực hiện khi thi hành công vụ. Điều đó được thể hiện khá rõ trong Luật Cán bộ, công chức năm 2008. TNCV còn được hiểu là một loại trách nhiệm pháp lý mà người cán bộ, công chức phải gánh chịu trước chủ thể khác. Tùy vào tính chất, mức độ của hành vi vi phạm mà trách nhiệm đó được xác định là TNDS, hình sự, hành chính hay kỷ luật.

Trong vụ việc này, VKS chỉ là pháp nhân đứng ra bồi thường thiệt hại, sau đó mới xét đến yếu tố lỗi của những cán bộ, công chức của mình trong việc gây ra thiệt hại để buộc họ phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật.

Do vậy, đây là một dạng của TNCV và nói một cách cụ thể hơn thì đây chính là loại TNDS trong công vụ - một loại trách nhiệm khá đặc thù.

Vì lẽ đó, không hoàn toàn giống với loại TNDS thông thường, chủ thể là cán bộ, công chức (hay pháp nhân của những người này) phải có trách nhiệm bồi thường và khôi phục danh dự (trong đó có hành vi xin lỗi) cho công dân bị thiệt hại. Trách nhiệm đó mang tính chất bắt buộc, đương nhiên phải thực hiện. Sự thương lượng, thỏa thuận ở đây chỉ là một yếu tố làm “mềm” đi những bức xúc của bên này và giải tỏa tâm lý căng thẳng vì sợ bị mất thể diện của bên kia mà thôi.

Hai là cần phân biệt bồi thường thiệt hại và xin lỗi công khai là hai việc khác nhau. Theo nguyên tắc tôn trọng, bảo vệ quyền dân sự được quy định tại Điều 9 BLDS 2005 hay Các phương thức bảo vệ quyền dân sự (Điều 11 BLDS 2015) thì “buộc xin lỗi, cải chính công khai” và “buộc bồi thường thiệt hại” là hai phương thức khác nhau.

Điều 8 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2009 quy định cơ quan có trách nhiệm bồi thường có bảy nhiệm vụ, quyền hạn. Trong đó, “xác minh thiệt hại, thương lượng với người bị thiệt hại, ra quyết định giải quyết bồi thường” là nhiệm vụ thứ hai, còn “khôi phục hoặc đề nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp của người bị thiệt hại” là nhiệm vụ thứ bảy.

Điều 51 luật này quy định rất rõ việc khôi phục danh dự cho người bị thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự. Theo đó, “trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu bằng văn bản về việc khôi phục danh dự của người bị thiệt hại hoặc người đại diện hợp pháp của họ, cơ quan có trách nhiệm bồi thường đã thụ lý vụ việc phải thực hiện việc xin lỗi, cải chính công khai” (khoản 2).

Như vậy, bồi thường thiệt hại và xin lỗi công khai là hai phương thức khác nhau. Pháp luật chỉ quy định việc “thương lượng với người bị thiệt hại” trong vấn đề bồi thường thiệt hại chứ không phải cả trong vấn đề xin lỗi. Thậm chí việc xin lỗi ấy phải được thực hiện trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu bằng văn bản của người bị thiệt hại. Đây không phải là quy phạm tùy nghi mà là quy phạm bắt buộc (chủ thể phải làm), một quy phạm dứt khoát (chủ thể không có sự lựa chọn nào khác). Vì vậy, việc VKS tỉnh Tây Ninh năn nỉ với ông Cần để khỏi xin lỗi là một việc làm không đúng pháp luật.

ThS TRẦN THỊ MAI PHƯỚC, giảng viên khoa Luật  ĐH Mở TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm