Phạt lao động công ích: Có thể nghiên cứu thí điểm

Đại biểu HĐND TP Đà Nẵng Huỳnh Minh Chức trước đó đã đề xuất áp dụng hình thức phạt lao động công ích đối với người vi phạm giao thông. Pháp Luật TP.HCM vừa có cuộc trao đổi với ông Đặng Thanh Sơn, Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) và theo dõi thi hành pháp luật (Bộ Tư pháp), nguyên Tổ phó Tổ biên tập Luật XLVPHC 2012, để tìm hiểu tính khả thi của hình thức phạt này.

Từng đưa vào dự thảo luật

Theo ông Đặng Thanh Sơn, tại thời điểm xây dựng Luật XLVPHC 2012, trong dự thảo đã xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung hình thức xử phạt “buộc lao động phục vụ cộng đồng” và “buộc học tập các quy định pháp luật liên quan đến vi phạm”.

Có hai luồng ý kiến đồng ý và phản đối, trong đó luồng ý kiến phản đối chủ yếu băn khoăn vì hình thức phạt này vướng ở nhiều điểm. Cụ thể, Liên Hiệp Quốc đã có công ước về xóa bỏ mọi hình thức lao động cưỡng bức, trong khi đây là một trong những hình thức mang tính cưỡng chế, nếu quy định sẽ vi phạm công ước mà Việt Nam là thành viên. Tuy nhiên, về bản chất đây không phải là lao động cưỡng bức mà là hình thức chế tài xử phạt, có tác dụng giáo dục người vi phạm. Hơn nữa, trên thế giới nhiều nước đã áp dụng rồi.

Đề xuất hình thức phạt lao động công ích được người dân ủng hộ nhưng lại rất khó thực hiện. Ảnh: TẤN VIỆT

Điều đáng suy nghĩ hơn là tính khả thi, hiệu quả của việc áp dụng biện pháp trên trong thực tế bởi nó tiềm ẩn một số bất cập. Thứ nhất, khó tổ chức thực hiện trong bối cảnh hiện nay. Trường hợp người ở địa phương này vi phạm giao thông ở địa phương khác thì sẽ xử phạt ở đâu cho hợp lý? Thứ hai,phải tính đến tìm việc gì (có tính công ích) cho người vi phạm làm, quản lý thế nào, cơ quan nào xác nhận việc người vi phạm đã hoàn thành lao động công ích… Quan trọng nhất là phải xây dựng một trình tự, thủ tục để thực hiện hình thức xử phạt, giám sát, xác nhận, kiểm tra, theo dõi… Sẽ gây tốn kém không ít cho xã hội.

Ngoài ra, người có thẩm quyền xử phạt có thể lợi dụng hình thức này trong quá trình áp dụng, dẫn đến xâm phạm quyền con người, quyền công dân trong khi việc giám sát, kiểm tra thường xuyên rất khó thực hiện. Trước những băn khoăn đó, cơ quan chức năng cho rằng mục đích của hình thức xử phạt này là tốt nhưng tính toán về nhiều mặt còn chưa ổn thỏa nên đã đề nghị bỏ ra khỏi dự thảo.

Tương tự, đối với hình thức “buộc học tập các quy định pháp luật liên quan đến vi phạm” đã triển khai áp dụng thí điểm với người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm hành chính với lỗi nặng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc này không hiệu quả, nặng về hình thức, phiền phức và tốn kém cho người vi phạm.

Cần tổ chức thí điểm để rút kinh nghiệm

Ông Sơn cho rằng ngoài những vấn đề trên, về cơ sở pháp lý, muốn áp dụng các hình thức xử phạt này thì Luật XLVPHC phải quy định hình thức trong hệ thống các hình thức xử phạt. Thứ hai, ý kiến đề xuất nêu điều kiện áp dụng đối với đối tượng tái phạm hành vi ba lần trở lên thì phải có cơ chế theo dõi và quản lý về xử phạt hành chính liên thông, chặt chẽ, chính xác. Cùng đó phải theo dõi được việc vi phạm hành chính của cá nhân công dân trên toàn quốc, phải lưu dữ liệu và cơ quan có thẩm quyền có thể khai thác dữ liệu đó để nắm và theo dõi, cập nhật được thông tin.

“Đề xuất này là đáng trân trọng nhưng trong điều kiện hiện nay, để thực hiện được cần đáp ứng nhiều điều kiện khác. Cơ bản nhất là phải cân đối với các hình thức xử phạt khác cho hài hòa. Nếu cần thiết phải tổ chức thí điểm để rút kinh nghiệm, sau đó mới nhân rộng” - ông Sơn nhận định.

Tốt nhất là đánh vào kinh tế

Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho rằng trong bối cảnh hiện nay, áp dụng hình thức phạt lao động công ích là không khả thi vì sẽ phát sinh rất nhiều vấn đề. Đơn cử như phải sinh thêm bộ máy, nhân lực quản lý trong khi chúng ta đang đẩy mạnh cải cách bộ máy, tinh giản biên chế…, chưa kể đến nếu không cẩn trọng sẽ dẫn đến vi phạm quyền con người, quyền công dân.

“Theo tôi, tốt nhất là đánh thẳng vào kinh tế như hiện nay. Luật XLVPHC; pháp luật về dân sự, hình sự đều đã có quy định… Chúng ta cũng đã thiết lập bộ máy, quy trình đầy đủ để thực hiện việc xử phạt. Cứ làm theo những cái đã có cho tốt thì sẽ hiệu quả hơn là đề xuất cái mới mà có quá nhiều thứ bất cập trong điều kiện thực tế hiện tại” - ông Nhưỡng nhận định.

TRỌNG PHÚ ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm