Phạt nặng tài xế ‘đua’ trên sinh mạng người khác

Ngày 7-5, hai xe khách chạy ẩu, vượt nhau tại dốc cầu Ba Si trên quốc lộ 53 (thuộc xã Phương Thạnh, huyện Càng Long, Trà Vinh) đã tông trực diện vào các xe máy chạy ở chiều ngược lại, làm bốn người chết, hai người bị thương (xem Pháp Luật TP.HCMngày 8-5). Nhiều bạn đọc rất bức xúc trước tình trạng coi thường tính mạng hành khách của các bác tài khiến cho các tai nạn đau thương cứ nối tiếp diễn ra trong thời gian vừa qua.

Đừng nóng mà gây hại

Đằng sau những vụ tai nạn giao thông đều để lại những nỗi đau và sự mất mát vô cùng to lớn. Tính mạng con người vô cùng quý giá, có những người phải đánh đổi tất cả để được sống. Không biết các tài xế xe khách có nghĩ đến điều này không khi mà họ đang nắm trong tay bao nhiêu tính mạng con người trong mỗi chuyến xe.

Từ vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng tại Trà Vinh, tôi nhớ đến một lần mình cũng bị hú vía. Lần đó xe khách tôi đang đi bị một thanh niên ném đá. Ngay lập tức, tài xế rồ ga đuổi theo người này. Đến đoạn người thanh niên quay đầu xe chạy lại thì tài xế này cũng quay đầu theo nhưng do đường hẹp xe khách suýt lao xuống dốc làm các hành khách hoảng sợ.

Ở đây tôi muốn nói đến hành động của tài xế, vì một cơn tức giận mà bất chấp hơn 40 tính mạng đang ngồi trên xe. Tài xế khi lái xe phải nhớ một điều họ đang mang một trọng trách rất quan trọng. Trước khi quyết định vượt xe khác hãy suy tính thật kỹ càng làm thế nào an toàn nhất, đừng chủ quan hay quá tự tin vào mình để rồi hối không kịp.

NGUYỄN THỊ HỒNG HẠNH, 316/7 quốc lộ 1A, phường Thạnh Xuân, quận 12, TP.HCM

Vụ tai nạn ở dốc cầu Ba Si, Trà Vinh do tài xế chạy nhanh, vượt ẩu. Ảnh: LS

Hành khách phải quyết liệt ngăn chặn

Mấy năm trước, có lần tôi cùng con nhỏ ba tuổi đi du lịch Vũng Tàu, vì quá chiều không kịp vào bến, tôi đành bắt một xe khách dọc đường. Tôi đã trải qua một chặng đường hãi hùng. Vì đua nhau bắt khách giờ cuối, các tài xế cứ phóng ào ào, nhả thắng, đạp thắng liên tục, có lúc tưởng chừng như đã đâm sầm vào xe khác. Khi có khách, tài xế ngoặt lái vào lề mà chẳng cần từ từ rà thắng hay coi trước coi sau gì cả. Tôi ôm con rúm ró theo dõi mà không nói được tiếng nào. Tôi cũng không hiểu tại sao lúc đó mình và các hành khách trong xe không lên tiếng phản đối bác tài mà cứ im thin thít, căng mắt theo dõi cảnh tượng này. May mắn là đã không có tai nạn nào xảy ra.

Tôi nghĩ một phần các bác tài được thể phóng nhanh là do hành khách không đồng lòng phản đối. Chúng ta im lặng không khác nào ủng hộ hành vi sai trái này. Theo tôi, gặp trường hợp này các hành khách phải cùng quyết liệt ngăn chặn, yêu cầu tài xế tuân thủ quy định về an toàn giao thông. Mạnh dạn gọi điện thoại đến các đường dây nóng của các cơ quan chức năng để thông báo, tìm hướng xử lý. Qua đây cũng mong các bác tài đừng vì lợi nhuận, đừng vì áp lực thời gian hay vì phút bốc đồng ăn thua với các xe khác mà gây tai nạn.

NGUYỄN THANH TÙNG, ĐH Sư phạm TP.HCM

Nâng cao trách nhiệm cộng đồng của tài xế

Nhiều lần tôi lên xe khách về quê đều phải nhắm mắt lại vì họ chạy nhanh, lạng lách như xe máy phân khối lớn. Tài xế thì nhấn ga, còn phụ xe thì la hét để lấn đường bắt khách trông thật khủng khiếp. Qua các vụ tai nạn giao thông tôi cho rằng việc các xe khách chạy nhanh, lấn đường là vấn đề đáng báo động và phải có hướng xử lý cũng như giải pháp tích cực. Riêng tôi cho rằng các cơ quan chức năng nên tổ chức các lớp học về an toàn giao thông để nâng cao ý thức trách nhiệm đối với cộng đồng, đạo đức nghề nghiệp cho tài xế. Ngoài ra phải quy trách nhiệm với chủ phương tiện để họ nghiêm chỉnh hơn trong việc chọn tài xế, sắp xếp lịch chạy, tránh tình trạng thả nổi cho tài xế tự tung tự tác như hiện nay.

NGUYỄN VĂN TUẤN, quận Ba Đình, Hà Nội

Phải xử lý cả chủ xe

Các vụ TNGT đường bộ đặc biệt nghiêm trọng xảy ra gần đây cho thấy ngoài phần lỗi chủ quan, trực tiếp của lái xe còn sự “đóng góp” không nhỏ của chủ xe, các hãng xe và cơ quan quản lý nhà nước. Đơn cử như vụ tai nạn ở Trà Vinh, chủ hai hãng xe quy định mỗi chuyến tài xế phải nộp khoán một khoản tiền cố định; khi xe xuất bến, nếu trống 5-10 ghế thì tài xế phải nộp 500.000 đồng/hai lượt đi và về. Ở đây rõ ràng cơ chế khoán của hãng và chủ xe là “áp lực” buộc lái xe của hai hãng này chạy bừa, chạy ẩu, tranh giành rước khách dọc đường để khỏi… bù tiền khoán.

Chưa hết, bên kia cầu Ba Si có một điểm hành khách thường đón xe đi TP.HCM. Vì sao ngay dưới chân cầu tồn tại điểm đón khách thường xuyên (đích đến của các cuộc đua)? Sở GTVT có biết nhưng lại không dẹp? Đến đây câu hỏi đặt ra là Sở GTVT tỉnh Trà Vinh đã làm tròn trách nhiệm chưa?

Mặt khác, từ các dữ liệu trên cho thấy chủ xe, hãng xe và các cơ quan quản lý nhà nước đều có các vi phạm về việc đưa phương tiện không đảm bảo an toàn kỹ thuật (không truyền dữ liệu từ hộp đen) vào hoạt động hoặc thiếu trách nhiệm (trong việc cho phép điểm dừng xe nguy hiểm ngay dưới chân cầu hoạt động. Không kiểm tra, theo dõi hoạt động của xe qua hộp đen; không kiểm tra phương án kinh doanh xem có tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến lái xe chạy bừa, chạy ẩu không…). Vậy sao không xử lý các chủ thể này (chủ xe, người có tránh nhiệm của hãng xe...) để ngăn chặn các vi phạm gián tiếp dẫn đến việc tài xế phóng nhanh, vượt bừa?

ĐỨC TUYÊN, quận 7, TP.HCM

Mạnh tay xử nghiêm chạy ẩu, lấn đường

Thời gian qua Vụ An toàn giao thông đã phối hợp với các đơn vị liên quan tích cực tuyên truyền, tập huấn, gửi kết quả vi phạm từ thiết bị giám sát hành trình về các Sở GTVT, CSGT tỉnh để xử lý theo quy định của pháp luật; công khai trên mạng các xe vi phạm để tuyên truyền, răn đe. Tuy nhiên, tình trạng xe khách chạy với tốc độ cao, lấn đường còn nhiều và gây ra không ít vụ tai nạn, bức xúc cho xã hội. Nguyên nhân đầu tiên là do tài xế thiếu ý thức, trách nhiệm với cá nhân và cộng đồng. Sắp tới, chúng tôi sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục đẩy mạnh chương trình nâng cao năng lực vận tải, qua đó sẽ theo dõi sát và xử nghiêm các trường hợp vi phạm.

VŨ NGỌC LĂNG, Vụ trưởng Vụ ATGT,
Tổng cục Đường bộ Việt Nam

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm