Phiên tòa giả định và những câu hỏi nhân văn

Nội dung của vụ án giả định là chuyện có thật đã xảy ra ở quận 4: Hai học sinh mâu thuẫn trên Facebook, hẹn gặp nhau ngoài đời để “giải quyết”. Hậu quả là hai bên đánh nhau, bị hại bị tổn thương tâm lý, thân thể. Dù gia đình bị cáo đã trả 30 triệu đồng phí điều trị, song vì tính chất nghiêm trọng của vụ án, tòa tuyên phải bồi thường thêm 50 triệu đồng. Đáng nói nhất là bị cáo phải chịu án hai năm tù giam khi mới 14 tuổi.

Phiên tòa sinh động đã giúp các em học sinh hiểu thêm rất nhiều về pháp luật, cách ứng xử trong đời sống. Điều khiến tôi ngạc nhiên là những câu hỏi rất ngây thơ nhưng đầy tình người của những em học sinh hôm ấy lo lắng cho bị cáo: “Thưa cô chú, bị cáo có được đi học nữa không?” hay “Tại sao bị cáo phải đi tù khi mới 14 tuổi?”, “Khi người bị hại xin giảm nhẹ án cho bị cáo thì bị cáo có được giảm nhẹ tội không?”…

Tất cả cho thấy các em không xa lạ với cách hành xử của cả bị cáo lẫn bị hại, phần nào đó các em nhìn thấy chính mình hoặc bạn mình qua hai nhân vật đó. Hậu quả nặng nề mà bị cáo lẫn bị hại phải gánh chịu khiến các em e sợ. Tuy chưa hiểu đi tù là thế nào nhưng các em hình dung được việc một người bạn trong độ tuổi mình không còn được đi học, không được ở nhà cùng cha mẹ, phải bị cách ly xa mọi người.

Có thể nói trăm nghe không bằng một thấy. Tôi mong rằng các em học sinh sẽ được tiếp cận với những tình huống giả định thiết thực như trên nhiều hơn nữa để biết được cư xử thế nào là đúng đắn. Không chỉ là học cách ứng xử an toàn trên môi trường ảo mà còn rất nhiều khía cạnh khác trong cuộc sống. Giáo dục thực tế vẫn luôn hiệu quả hơn là rao giảng qua sách vở.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm