Phỏng vấn gây sốc: MobiFone “chửi” ứng viên

Ngày 28-4, nhân viên nhà mạng MobiFone khu vực III đóng tại TP Đà Nẵng đến phỏng vấn, tuyển dụng vị trí nhân viên trực điện thoại (điện thoại viên khu vực KCN An Đồn, quận Sơn Trà). Theo một số ứng viên, họ đã “sốc” thật sự vì bị cư xử thiếu thiện cảm và bị “chửi” bằng những lời rất nặng nề.

Ứng viên TH kể: “Buổi phỏng vấn có ba nhân viên của MobiFone (hai nữ, một nam) trực tiếp đưa ra các câu hỏi. Tôi vừa bước vào phòng đã bị phủ đầu: “Em nghĩ mình có quá già trước tuổi không?”. Ứng viên tên L. vừa bước vào phòng cũng nhận ngay lời nhận xét của nhân viên nam: “Em là người con gái không đứng đắn…”. Quá “sốc” vì bị xúc phạm, ứng viên này đáp lại: “Đây là vì em đi xin việc chứ anh ra ngoài đường mà nói kiểu ni em cho ăn mấy cái tát…”. Phỏng vấn chưa xong, thí sinh này bỏ về với khuôn mặt sưng húp vì khóc.

Phỏng vấn gây sốc: MobiFone “chửi” ứng viên ảnh 1

Tiếp theo đó là phần kiểm tra thao tác vi tính theo yêu cầu. Ứng viên TH đã thực hiện xong một số thao tác ban đầu trên máy vi tính, chuẩn bị hoàn thành các thao tác còn lại thì bị “truất quyền thi đấu” với lý do: “Không cần phải làm nữa vì nhìn là biết không làm được rồi”. Sau đó một nhân viên yêu cầu TH ghi trang web Google. Ứng viên TH ghi: “www.google.com” nhưng bị “bắt chẹt”: “Thanh niên bây giờ chỉ làm những cái đã có sẵn. Muốn vào phải nhập http:// trước đã…”. Các thí sinh cho biết khi phỏng vấn, nhân viên nhà mạng còn ngồi ăn hoa quả, nói chuyện, đi ra đi vào rất lộn xộn… Hành động này làm nhiều người xin việc cảm thấy bị xúc phạm nên kéo nhau về.

Một số ứng viên ngờ ngợ với kiểu phỏng vấn gây sốc này và mong đợi một lời xin lỗi của nhà mạng sau buổi phỏng vấn. Tuy nhiên, đến ngày 13-5, khi đã có kết quả với vài người được chọn, những ứng viên bị loại vẫn chưa hề nhận được lời xin lỗi nào.

Sẽ tổ chức xin lỗi những người được phỏng vấn

“Nhà tuyển dụng có thể đưa ra những câu hỏi cũng như những câu nói tương tự để thử sức chịu đựng và khả năng thuyết phục của người xin việc trong trường hợp gặp những khách hàng khó tính. Đó cũng là một trong những cách phỏng vấn. Tuy nhiên, khi đã phỏng vấn xong thì phải gặp người xin việc để giải thích về những hành động, lời nói của mình chỉ là một giả thiết của bài phỏng vấn. Tôi thật sự bất ngờ về những thông tin này. Tôi sẽ làm rõ sự việc và tổ chức xin lỗi những người được phỏng vấn. Bởi vì đã là nhân viên của MobiFone thì không bao giờ chấp nhận hành động đó.”

ÔngNGUYỄN THANH TUYỀN,Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin di động khu vực III, MobiFone tại Đà Nẵng

Phỏng vấn gây sốc

Để xác định được trình độ chuyên môn nghiệp vụ và nhận diện chân dung, tính cách cũng như động cơ làm việc của ứng viên, trong tuyển dụng có phương pháp phỏng vấn đặc biệt: phỏng vấn gây sốc. Phương pháp này có thể được áp dụng cho việc tuyển chọn các ứng viên cao cấp hoặc các vị trí liên quan đến lĩnh vực chăm sóc khách hàng, nơi đòi hỏi tính kiên nhẫn cũng như khả năng chế ngự cảm xúc cao…

Một buổi phỏng vấn dạng này có những dấu hiệu sau: không khí có vẻ không bình thường, không thoải mái; các câu hỏi đưa ra mang tính khiêu khích hoặc đi sâu vào cuộc sống riêng tư, giới tính, đạo đức… Tuy nhiên, phương pháp này còn nhiều tranh luận trong áp dụng thực tiễn và có những giới hạn nhất định về nội dung, đối tượng chứ không phải hoàn toàn không có “chống chỉ định”.

Chửi, tát ứng viên

Gần đây, trên diễn đàn mạng lan truyền thông tin về một cuộc phỏng vấn gây sốc giữa cô sinh viên năm thứ tư Trường ĐH Kinh tế-Luật tên NTHT với đại diện một công ty luật tại TP.HCM.

Trên một diễn đàn, cô sinh viên này thuật lại, theo lịch hẹn, cô cùng một số ứng viên khác đến công ty chờ phỏng vấn. Khoảng 10 phút sau, một người đàn ông bước vào, không giới thiệu mình là ai, chỉ phán một câu: “Các người chuẩn bị nghe chửi nha! Tui đến để chửi các người nghe đây”.

… Lật lật hồ sơ các ứng viên, vị này hỏi: “Bà nào ghi lương chính thức là 7 triệu/tháng. Bà nào?”. Rồi người đó nói như quát: “Bà nào là NTHT? Bà có biết những đứa sinh viên học luật mới ra trường chỉ có thể làm những công việc rót nước, bưng bê, sai vặt chứ cóc làm được gì hết! Chỉ có nước đi làm “thư ký” cho sếp may ra mới được số tiền đó...”.

Tiếp lời của nhà tuyển dụng, cô HT nói: “Em đã đọc thông tin tuyển dụng của công ty cũng như xét đến vị trí mà công ty đang tuyển là thư ký luật nên em có cơ sở để đề nghị mức lương như vậy…”.

Người đàn ông hùng hổ đến chỗ T. ngồi hỏi tiếp: “Được, bà giỏi chứ gì, bà giỏi trả lời ba câu đây rồi tui cho bà vô làm luôn. Bà biết chánh án TAND Tối cao, viện trưởng VKSND Tối cao, phó chủ tịch Quốc hội là ai?...”. T. không trả lời những câu hỏi này mà tiếp tục “đôi co”. Đến lúc này, người tuyển dụng lớn tiếng: Bà học luật mà tui hỏi những vấn đề cơ bản như vậy cũng không biết. Bà có thấy bà ngu không mà còn đứng đó cãi cố nữa… Đi học luật như mấy người mà chẳng biết gì về ngành mình học hết thì làm được gì! Vậy mà còn đòi lương 7 triệu. Bà có hiểu cái việc làm thư ký là làm gì không? Là đi bán thân, phục vụ các sếp đó biết chưa? Bà có hiểu cái từ bán thân không hả?”…

HT cảm thấy bị xúc phạm nên tranh luận lại. Vị này bèn hét lên, đuổi HT ra khỏi phòng. Nhưng HT vẫn cố nói. Vị này xông đến, giơ tay chuẩn bị đánh HT và hét: “Có biến ra khỏi đây không tui tát cho một phát ha”. HT vẫn tiếp tục nói, người đàn ông bèn vung tay tát nhưng HT đỡ được và cố nói tiếp: “Con người chúng ta đều có quyền bình đẳng và ông không có quyền đánh tôi. Ông là một người học luật mà hành xử như một kẻ sống ngoài vòng pháp luật vậy sao? Tôi sẽ kiện ông ra tòa”. Lập tức, vị này giơ tay tát thẳng vào mặt cô HT…

Chứng kiến toàn bộ sự việc, ứng viên TCTT cũng thuật lại trên một trang mạng. Theo lời T., sau khi tát tai và đuổi HT ra khỏi phòng, vị này trở vào nói chuyện với các ứng viên còn lại. Ông ta xem thông tin rồi vặn vẹo, bắt bẻ, hỏi từng thông tin các ứng viên. Ông ta cũng đưa ra những câu đố mẹo để kiểm tra IQ và EQ. T. thuật lại: “Kết thúc buổi phỏng vấn ông ta nói: “Cảm ơn mấy người hôm nay đã đến đây nghe tui chửi. Nãy giờ tôi hỏi mấy người thật ra là để kiểm tra IQ và EQ của mấy người thôi. Đáp án không quan trọng, quan trọng là thái độ của mấy người như thế nào”.

T. kết luận: “Hành động đánh người của ông ta đúng là không thể chấp nhận được. Nhưng cái cách phỏng vấn tạo áp lực cho ứng viên, đặt ứng viên vào tình huống bất ngờ để xem cách xử lý của từng người thì thật là lần đầu tôi thấy… Có lẽ đây là một cuộc phỏng vấn “ấn tượng” (xấu có, tốt có) nhất từ trước tới giờ tôi từng biết”.

PHONG ĐIỀN lược thuật

LÊ PHI

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm