Quản lý không cần sếp

Một công ty không có sếp mà chỉ có nhân viên là chuyện xưa nay hiếm. Nhưng đó là những gì đang diễn ra tại Morning Star, công ty chế biến cà chua hàng đầu thế giới (http://www.morningstarco.com/) với các nhà máy đặt tại California, Mỹ.

Tại đây, hơn 400 nhân viên đều là sếp của chính họ, không có nhà quản lý nào, cũng chẳng có mệnh lệnh nào từ trên xuống và tất nhiên càng không có chuyện thăng tiến… Bí quyết quản lý nhân sự của một công ty “phẳng tuyệt đối” như thế là gì?

Thật ra, triết lý quản lý không cần sếp đã được Chris Rufer, nhà sáng lập của Morning Star, vận dụng từ cách đây 40 năm khi ông thành lập một công ty vận tải để chuyên chở cà chua cho các nhà máy làm đồ hộp.
Morning Star, công ty chế biến cà chua hàng đầu thế giới
Công việc của Rufer chẳng dính dáng gì nhiều đến tấm bằng MBA (thạc sĩ quản trị kinh doanh) mà ông đã lấy được từ trường UCLA. “Làm thế nào để anh quản lý các tài xế lái xe tải? Chẳng lẽ lại cử một giám sát theo mỗi xe? Tính chất công việc này cho thấy ai cũng có thể tự làm tốt việc của người đó. Và xem ra cách này có tác dụng tốt hơn”, Rufer giải thích cho cách quản lý không cần sếp của mình.

Và cách quản lý trên vẫn đang được Rufer áp dụng cho công ty chế biến cà chua mà số lượng nhân viên vào mùa cao điểm có thể lên đến hơn 2.400 người (số nhân viên thường xuyên khoảng 400 người). “Những người giỏi đều thích làm việc ở đây và họ rất thành công với công ty này. Đó là một lợi thế cạnh tranh rất lớn của chúng tôi”, Rufer tự hào chia sẻ.

Morning Star gọi cách quản lý hiện đang áp dụng tại công ty này là “tự quản” (self-management), nhưng chính xác hơn đó là cách “cùng quản lý” (mutual management). Theo đó, nhân viên tự ra mọi quyết định theo những cam kết của mình với các nhân viên khác. Một nhân viên luôn hiểu được những kỳ vọng từ các nhân viên khác từ mình và những mong đợi của mình ở các nhân viên khác.

Những cam kết chung giữa các đồng nghiệp với nhau như vậy được Morning Star gọi là CLOUs (Colleague Letters of Understandings – Thỏa thuận chung giữa các đồng nghiệp). Mỗi điều khoản trong bảng CLOUs của công ty này là một “sứ mệnh kinh doanh của cá nhân” (tức là một “PCM” – personal commercial mission), do mỗi nhân viên đưa ra để thể hiện những gì mà họ cam kết đóng góp cho sự thành công của công ty.

Chẳng hạn, PCM của Rufer, người sáng lập công ty, là “phát triển công nghệ chế biến cà chua đạt tầm cao nhất thế giới và vận hành các công ty theo các triết lý thành lập ban đầu”.

Ngay từ khi mới biết đến mô hình quản lý không có sếp của Morning Star, Brian Hagle, một nhân viên làm việc ở bộ phận làm khô nước ép cà chua, đã rất phấn khởi. “Lúc mới vào làm việc cho Morning Star, tôi đã nghĩ rằng mô hình này nghe có vẻ rất tuyệt. Bây giờ, sau 20 năm gắn bó với công ty, tôi vẫn nghĩ như vậy. Ở đây, hầu như ai cũng là một nhà quản lý hay một CEO (tổng giám đốc). Chúng tôi tự đặt ra các mục tiêu rất cao và khi đạt được các mục tiêu đó, chúng tôi có được cảm giác thật sự về những thành tựu của mình”, Hagle chia sẻ.

Tinh thần làm việc tự lập là một điểm nổi bật khác trong cơ chế tự quản của Morning Star. Một nhân viên có thể tự quyết định mua một thiết bị nào đó để thực hiện công việc của mình nếu thấy điều đó là cần thiết. Hoặc nếu thấy một quy trình nào đó sẽ vận hành tốt hơn với một số người có những kỹ năng nhất định, nhân viên đó có thể tự tìm người cho mình. Các nhân viên chỉ cần tham vấn ý kiến của nhau là có thể ra quyết định.

Để tự lập, tự ra các quyết định, nhân viên cũng phải tự chịu trách nhiệm rất cao và chứng minh rằng người khác có thể tin cậy ở mình. Nhân viên phải tự làm tốt các công việc của mình vì uy tín, năng lực thật sự của cá nhân mới là yếu tố quan trọng nhất để xét lương bổng. Nhưng điều quan trọng hơn là khi sự thăng tiến không còn là động cơ, nhân viên sẽ có xu hướng quan tâm hơn đến chất lượng công việc của mình.

Tại Morning Star, một ủy ban chế độ đền bù do chính nhân viên bầu ra sẽ đặt ra các mức lương cho từng nhân viên dựa trên việc đánh giá thành tích làm việc của họ so với những gì mà họ đã cam kết trong bản CLOUs và một số chỉ tiêu khác. Hiện nay, Mroning Star có thể trả lương cho nhân viên cao hơn mức lương bình quân trong ngành 15% và mức phúc lợi dành cho nhân viên của công ty này cũng cao hơn các công ty khác trong ngành 35%, trong khi năng suất lao động vẫn rất cao. Làm được điều này một phần là nhờ công ty không phải trả lương cho các nhà quản lý.


Theo Văn Nhất/INC/DNSGCT

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

TP.HCM đề xuất quản lý chó, mèo: Hợp lý!

TP.HCM đề xuất quản lý chó, mèo: Hợp lý!

(PLO)- Chủ nuôi chó, mèo phải đáp ứng điều kiện nuôi để chính quyền dễ quản lý, giảm tình trạng một nhà nuôi số lượng lớn làm ảnh hưởng đến các hộ dân xung quanh.