Quy định lượt khám bệnh: Nhiều bên gặp khó

Khi áp dụng Thông tư 15/2018 (có hiệu lực từ ngày 15-7-2018), với mỗi bàn khám, bác sĩ chỉ được khám 65 lượt người bệnh/tám giờ, từ người bệnh thứ 66 trở lên chỉ được BHYT chi trả 50% mức giá khám bệnh và thậm chí không được BHYT chi trả nếu bàn khám đó liên tục vượt định mức trong một quý.

Bộ muốn nâng chất khám chữa bệnh

Lý giải một trong những lý do đưa ra quy định này, ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Trưởng ban Thực hiện chính sách bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, cho rằng nhằm tránh tình trạng bác sĩ khám qua loa ở nhiều bệnh viện (BV) hiện nay.

Giải thích về việc ấn định 65 lượt khám/bàn khám, ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, cho rằng Bộ Y tế đã khảo sát kỹ trước khi xây dựng quy định này. Số lượng khám trung bình của đa phần các BV là từ 30 đến 45 người. Một số BV lượng bệnh nhân chỉ tập trung vào những ngày đầu tuần, còn những ngày cuối tuần lại rất vắng, vì vậy Bộ Y tế đã xác định con số 65 là mức tối đa để thanh toán.

“Tuy nhiên, nếu chúng ta quy định khám 65 người nhưng đến người thứ 66 phải ra về và hôm sau đến khám sẽ rất khó khăn. Do đó, Bộ Y tế đã đề xuất nhiều giải pháp như chỉ đạo các BV đối với các bệnh khám định kỳ sẽ đổi từ buổi sáng xuống khám buổi chiều hoặc những bệnh không quá gấp nên khuyến khích đặt lịch hẹn sang những ngày cuối tuần, ít bệnh nhân hơn” - ông Liêm nói.

Bà Nguyễn Thị Minh, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, cho hay: Theo tính toán của Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội thì khối lượng bệnh nhân không đến mức quá tải để phải đi về. Theo bà Minh, tại những BV tuyến trên quá tải bệnh nhân, tình trạng bệnh nhân thứ 66 trở lên không được khám và phải ra về là rất hiếm.

Quy định khám 65 bệnh nhân/bác sĩ/ bàn khám đơn giản với bệnh viện tuyến dưới nhưng lại là bài toán khó cho bệnh viện tuyến trên. Trong ảnh: Bệnh nhân khám tại Trung tâm Y tế huyện Cô Tô, Quảng Ninh. Ảnh: HẢI ÂU

Bệnh viện tuyến cuối kêu khó

Thực tế, các BV tuyến cuối quá tải kêu khó với định mức này vì lượng bệnh nhân tại đây nhiều hơn rất nhiều.

BS Diệp Bảo Tuấn, Phó Giám đốc BV Ung bướu TP.HCM, cho biết: “Hiện tại, mỗi ngày BV Ung bướu TP.HCM tiếp nhận khoảng 2.500 lượt bệnh nhân đến khám, đa số bệnh nhân tuyến tỉnh đã có mặt từ 3 giờ sáng. Để đáp ứng, BV đã chủ động tăng số bàn khám và tổ chức nhận khám bệnh từ 5 giờ sáng. Do đó, đến 7 giờ 30 sáng, chúng tôi đã khám được 800 bệnh nhân. Hiện tại, với mức quy định 65 lượt/bàn khám, chúng tôi đã bố trí tăng bàn khám. Tuy nhiên, với số lượng bệnh nhân tăng mỗi năm 7%-10% mà không có giải pháp căn cơ nào khác thì chắc chắn tương lai sẽ bị vượt định mức và không khám nổi. Mặc dù đầu năm 2019, BV sẽ tiếp nhận cơ sở 2 nên sẽ khắc phục được việc này, tuy nhiên không phải cơ sở quá tải nào cũng may mắn như thế”.

BS Võ Đức Chiến, Giám đốc BV Nguyễn Tri Phương, nhận định: “Việc Bộ Y tế quy định mỗi bàn khám không quá 65 lượt/tám giờ có ý nhắc nhở các bác sĩ dành thời gian cho người bệnh hơn, tuy nhiên có những trường hợp không nhất thiết phải khám lâu mà quan trọng là bắt đúng bệnh. Do đó, khi thăm khám người bệnh, sự quan trọng là làm hài lòng người bệnh chứ không nên quá cứng nhắc”.

Không nên quy định cứng nhắc về lượt khám

Khám ít hay nhiều bệnh nhân trong một thời gian là tùy thuộc vào kinh nghiệm của bác sĩ và loại bệnh. Đối với những bệnh lý đơn giản như bướu tuyến giáp thì một bác sĩ có thể khám 80-100 lượt/ngày là bình thường. Tuy nhiên, khi gặp bệnh phức tạp như ung thư gan, mật, dạ dày phức tạp thì thời gian khám kéo dài hơn, một ngày cũng có thể chỉ khám 20-30 lượt. Do đó, lo sợ bác sĩ khám qua loa nên quy định số bàn khám là chưa hợp lý, có thể kéo dài thời gian chờ đợi của người bệnh. Nhận định khám nhiều quá dẫn đến khám ẩu cũng chưa hợp lý bởi không bác sĩ nào muốn khám ẩu cả. Do đó định mức lượt khám không nên quá cứng nhắc.

BS DIỆP BẢO TUẤN, Phó Giám đốc BV Ung bướu TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm