Quyền riêng tư trong xã hội thông tin

Hiến pháp 2013 đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 28-11-2013. Tiếp thu Hiến pháp 1992, nội dung “quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân” tiếp tục được khẳng định và phát triển bằng việc bổ sung “quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình”.

Quyền công dân hay quyền con người?

Vậy “quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình” là quyền con người hay quyền công dân?

Về mặt tính chất, quyền con người là quyền tự nhiên, vốn có, không do chủ thể nào ban phát, nó thể hiện vị thế của mỗi cá nhân trong quan hệ với quốc gia mà cá nhân đó là công dân và với cộng đồng nhân loại. Trong khi đó, quyền công dân là do các nhà nước xác định bằng pháp luật, nó thể hiện vị thế của mỗi cá nhân trong quan hệ với quốc gia mà cá nhân đó là công dân.

Về mặt kỹ thuật lập pháp, đa số hiến pháp các nước đều quy định rạch ròi quyền công dân và quyền con người, đều sử dụng cả hai thuật ngữ công dân và mọi người. Những quyền dành cho công dân thì ghi “công dân có quyền...”; những quyền dành cho con người thì sử dụng thuật ngữ “mọi người” hoặc “không ai”. 

Khoản 1 Điều 21 Hiến pháp 2013 quy định: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình”. Như vậy có thể khẳng định rằng các quyền này là thuộc nhóm quyền con người (nhân quyền).

Quyền con người cũng là quyền công dân nhưng phải có một sự phân định rạch ròi, những thứ mà mọi người được hưởng thì đó là nhân quyền (quyền con người); những gì công dân được hưởng thì đó là quyền công dân. Việc phân biệt rõ sẽ giúp chúng ta hiểu và thực thi quyền con người và quyền công dân trên thực tế. Giúp cho việc xây dựng pháp luật phù hợp với nguyên tắc hiến định này.

Pháp luật hiện hành bảo vệ quyền riêng tư ra sao?

“Quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình” đang được pháp luật bảo vệ như thế nào?

“Quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình” (gọi chung là quyền riêng tư) là quyền con người quan trọng bậc nhất đối với nhân loại. Quyền riêng tư đã được Liên Hiệp Quốc công nhận là quyền con người cần được bảo vệ. Và trên thực tế, rất nhiều nước trên thế giới đã công nhận và bảo vệ quyền này.

Ở nước ta, quyền riêng tư cũng là một trong những quyền nhân thân cực kỳ quan trọng đối với mỗi cá nhân. BLDS 2005 đã quy định cụ thể quyền bí mật đời tư như sau: “Quyền bí mật đời tư của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ” (Điều 38 BLDS).

Luật Giao dịch điện tử (khoản 2 Điều 46) quy định: “…việc thu thập, công bố thông tin, tư liệu về đời tư cá nhân phải được người đó đồng ý, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác; thư từ, điện thoại, điện tín, các hình thức thông tin điện tử khác của cá nhân được bảo đảm an toàn, bí mật và việc kiểm soát các loại này được thực hiện khi pháp luật có quy định và phải có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”.

BLHS (Điều 125) có quy định về tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác. Theo đó, người phạm tội này có thể bị phạt đến hai năm tù.

Tuy nhiên, những quy định pháp luật cụ thể về quyền riêng tư, quyền bí mật đời tư vẫn đang còn thiếu vắng ở Việt Nam.

Ngày nay, với sự phát triển của công nghệ thông tin, mạng xã hội, báo mạng… thì quyền này đang bị xâm hại tràn lan và ngày càng nghiêm trọng mà chưa có quy định xử lý cụ thể. Đơn cử như các hành vi đăng hồ sơ của người khác lên mạng, công bố chuyện riêng tư của người khác ra các phương tiện thông tin đại chúng trái pháp luật, chụp và đăng ảnh của người khác lên mạng khi chưa được phép…

Cần phải luật hóa nguyên tắc này thành các quy phạm cụ thể trong các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan và các biện pháp để bảo vệ những quyền này. Các biện pháp xử phạt vi phạm hành chính, thậm chí xử lý hình sự nên được đặt ra để bảo vệ các quyền nói trên khỏi sự xâm phạm. Cụ thể là các quy định về phạm vi, căn cứ, trình tự, thủ tục chặt chẽ đối với những trường hợp được phép tiến hành những hành vi có khả năng ảnh hưởng đến nhóm quyền này.

Hạn chế quyền riêng tư cũng phải theo luật

Hiến pháp 2013 cũng quy định “quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng” (Điều 14). Như vậy, quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình cũng có thể bị hạn chế trong một số trường hợp cụ thể. Nhưng việc hạn chế không thể tùy tiện mà phải “theo quy định của luật”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm