THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG CUỐI NĂM:

Rao nhiều, tuyển chẳng bao nhiêu

Rao nhiều, tuyển chẳng bao nhiêu ảnh 1

Rất nhiều công ty tại KCN Sóng Thần, tỉnh Bình Dương thông báo tuyển dụng lao động - Ảnh: Minh Đức

Đi một vòng quanh các KCX Tân Thuận, Linh Trung 1 và 2, KCN Vĩnh Lộc, Tân Tạo, Tân Chánh Hiệp (TP.HCM)... đến các KCN ở Bình Dương và cả khu vực ngoài KCX, KCN, đâu đâu chúng tôi cũng thấy các băngrôn tuyển dụng lao động treo đầy cổng, các cột điện, gốc cây với đủ các lời rao: “Cần tuyển gấp”, “Tuyển dụng nhanh, hiệu quả”, “Chào đón công nhân cũ trở lại”...

Nhiều lời mời chào hấp dẫn

Theo nhiều bảo vệ công ty, số lượng tuyển không giới hạn, nộp hồ sơ bao nhiêu nhận bấy nhiêu. Thậm chí một số công ty còn cho nhân viên đặt bàn tuyển dụng ngoài cổng KCX, KCN để trực tiếp nhận hồ sơ. Ông Bùi Thanh Ngọc - trưởng phòng cung ứng việc làm Tân Thuận, trung tâm giới thiệu việc làm thuộc Ban quản lý các KCX và KCN TP.HCM (Hepza) - cho biết: “Đối với công nhân may, 1.000 người xin tuyển dụng một ngày chúng tôi cũng nhận”.

Để tranh giành, thu hút lao động, các doanh nghiệp đưa ra mức lương, các chế độ phúc lợi, trợ cấp khá hấp dẫn. Khảo sát nhiều mức lương do các doanh nghiệp rao tuyển, mức 1,2-1,3 triệu đồng/tháng (chưa kể phụ cấp) là bình thường. Công ty QMI (KCN Tân Tạo) rao tuyển với mức lương 2,5-4,5 triệu đồng/tháng, chưa kể các trợ cấp độc hại, chuyên cần, tay nghề, khen thưởng... Tương tự, Công ty Đỉnh Hảo rao mức lương trên 2,5 triệu đồng/tháng cùng với nhiều phúc lợi khác.

Tại KCN Sóng Thần 1 và 2 thuộc Dĩ An, Bình Dương có hàng chục công ty treo băngrôn tuyển lao động phổ thông. Công ty cổ phần gia công Hoàn Thiện may mặc Bình Dương với băngrôn to tướng “Tuyển lao động phổ thông không hạn chế” với mức lương tối thiểu 1,8 triệu đồng/tháng, tổng thu nhập có thể đạt 2-5 triệu đồng/tháng và có đầy đủ các chế độ phúc lợi khác. Công ty TNHH quốc tế Chutex treo băngrôn ngay cổng với nội dung khá ấn tượng: “Cùng với bạn bè hãy gia nhập Chutex ngay bây giờ”. Công ty Shang On VN cho biết đang mở rộng sản xuất nên cần nhiều lao động ở mọi vị trí với mức thu nhập rất cao, có thể đạt 2,8-4,5 triệu đồng/tháng.

Rao mức lương ảo

Theo ông Trần Hồng Sơn, nhiều công ty rao tuyển lao động phổ thông với mức lương từ 2,8 triệu đến trên 4 triệu đồng/tháng là mức ảo. Với quy định lương tối thiểu như hiện nay khoảng 1,4 triệu đồng/tháng (hầu hết các công ty đều trả mức này), các công nhân có thâm niên nhiều năm cũng chỉ đạt mức khoảng 2 triệu đồng. Vậy các công nhân mới vào làm lấy đâu ra thu nhập cao như họ rao tuyển.

Lại thêm việc lập lờ ở các chế độ phúc lợi khác, thường thì mức thu nhập cũng bao gồm các chế độ như tiền chuyên cần, tiền ăn, phụ cấp nhà trọ, đi lại... nhưng khi rao tuyển họ lại ghi riêng ngoài mức thu nhập.

Tại KCX Linh Trung 1, nhiều công ty đưa cả nhân viên ra ngoài cổng để tuyển và trực tiếp nhận hồ sơ. Công ty Quế Bằng đặt hẳn hai bàn tuyển dụng và cho biết sẽ hẹn phỏng vấn ba ngày trong tuần.

Tại bàn tuyển dụng của Công ty Upgain, bảng tuyển dụng lao động gây nhiều chú ý nhất: ngoài mức thu nhập có thể đạt 2-3,5 triệu đồng/tháng, nếu lao động vào làm việc công ty này còn có chế độ đặc biệt khác như: ứng viên vào phỏng vấn xin việc sẽ được nhận 400.000-700.000 đồng tiền thưởng sau khi được ký hợp đồng, riêng người giới thiệu lao động cho công ty sẽ được trả hoa hồng 300.000 đồng.

Trước cổng Công ty FAPV (KCX Tân Thuận, Q.7) treo băngrôn rao tuyển 500 công nhân, thi tuyển mỗi ngày, nhận hồ sơ cả ngày thứ bảy, chủ nhật. Các doanh nghiệp còn khẳng định thực hiện đúng các quy định về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

Có doanh nghiệp chiêu dụ công nhân bằng môi trường làm việc “thoáng mát, sạch sẽ”. Công ty Nidec Tosok còn rao tuyển “không cần bằng cấp, chỉ biết đọc, biết viết”. Về độ tuổi, có công ty còn rao tuyển không giới hạn tuổi.

Mỗi ngày nhận 15 hồ sơ

Tuy bằng đủ mọi cách thu hút lao động, nhưng theo một số nhân viên tuyển lao động tại KCX Linh Trung 1, mỗi ngày họ chỉ nhận được 5-15 hồ sơ xin việc.

Một số doanh nghiệp ngao ngán nói rao tuyển mấy tháng rồi mà mỗi ngày chỉ 2-3 người hỏi. Bảo vệ Công ty CCP cho biết: “Số tuyển vào ít hơn số nghỉ việc nên tuyển hoài. Mặc dù phỏng vấn đậu nhưng tỉ lệ công nhân đi làm không cao, nếu đi làm thì một thời gian cũng nghỉ việc”. Đại diện Công ty Gadus cho biết do không kịp đơn hàng nên phải tuyển thêm công nhân nhưng 2-3 tháng nay chưa tuyển đủ.

Ngần ngại đứng trước băngrôn tuyển dụng thu nhập cao, Nguyễn Thị Ngọc Huệ, quê Đồng Nai, cho biết đã dự phỏng vấn ở nhiều công ty, tuy nhiên thực tế không như rao tuyển. Trước đó, Huệ làm ở một công ty may tại KCX Linh Trung 1. Thấy công ty khác tuyển với mức thu nhập cao hơn, Huệ bỏ việc xin qua làm được một thời gian rồi nghỉ xin việc khác.

Một số công nhân khác cho biết họ không nộp hồ sơ dù mức lương hiện tại của họ chỉ 1,8-2 triệu đồng/tháng vì ngại đó là những lời rao “có cánh”.

Vòng luẩn quẩn của doanh nghiệp lẫn người lao động

Theo các nhân viên tuyển dụng, việc tuyển lao động với số lượng lớn hiện nay chủ yếu để chuẩn bị cho sự thiếu hụt sau tết. Ông Trần Hồng Sơn, chuyên viên Liên đoàn Lao động TP.HCM, nhận định: “Sau tết, hầu hết các công ty đều mất lao động từ 5-10%, việc tuyển dụng lao động thời điểm này để chuẩn bị một đội quân dự bị cho sự thiếu hụt đó”.

Ông Trần Anh Tuấn, phó giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu lao động TP.HCM, cũng đồng tình với nhận định trên nhưng cho rằng thời điểm cuối năm 2009 có nhiều thuận lợi khi có tín hiệu hồi phục kinh tế sau suy thoái. Các công ty có nhiều hợp đồng kinh tế và khả năng phát triển trở lại sôi động hơn.

Việc tuyển dụng lao động với số lượng lớn, theo ông Tuấn, là một cơ hội và thuận lợi cho người lao động. Tuy nhiên, ông Tuấn cũng cảnh báo thông tin việc làm khá nhiều sẽ dẫn đến sự lựa chọn thay đổi công việc mà công nhân chưa nắm chắc được công việc mới.

Theo ông Trần Hồng Sơn, việc tuyển dụng ào ạt, mức lương cạnh tranh khá cao sẽ khuyến khích luồng công nhân ở các công ty, doanh nghiệp có mức thu nhập thấp, làm việc cực nhọc bỏ việc tìm việc làm mới. Việc rao tuyển, cạnh tranh không lành mạnh cũng sẽ dẫn đến việc rối loạn thị trường lao động.

Nhiều công ty rao tuyển với mức lương ảo dẫn đến người lao động bỏ việc cũ tìm việc mới khiến nhiều công ty mất lao động oan. Tuy nhiên khi sang công ty mới, lao động lại bỏ đi vì nhận thấy các chế độ, lương bổng không đúng như rao tuyển. Điều này tạo thành một vòng luẩn quẩn cho cả các công ty lẫn người lao động.

Theo một cán bộ phòng lao động của Hepza, việc treo băngrôn tuyển dụng công nhân là hình thức cạnh tranh không lành mạnh. Việc tuyển dụng với chế độ cao chỉ mang tính nhất thời của doanh nghiệp. Khi hết đơn hàng, doanh nghiệp lại “thải” lao động ra, ảnh hưởng đến xã hội và việc điều tiết thị trường lao động. Việc đua nhau tuyển lao động còn phá sự ổn định của các doanh nghiệp khác. “Có doanh nghiệp treo băngrôn tuyển dụng trước cổng đối diện với doanh nghiệp đang đình công” - cán bộ này nói.

Trong khi đó, việc rao tuyển “có cánh” của các doanh nghiệp không được giám sát dẫn đến hiện tượng “nhảy việc” của công nhân. Cán bộ này khẳng định sự đột biến về lương, trợ cấp là không thể vì doanh nghiệp đã đăng ký thang bảng lương, thỏa ước lao động tập thể... cố định mỗi năm, những trợ cấp khác cũng được cố định. Nếu có thì doanh nghiệp chỉ áp dụng thời gian ngắn.

Theo TRUNG CƯỜNG - HỒ VĂN (TTO)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm