Sẽ tháo dỡ hàng cọc tiêu trên cao tốc gây tai nạn

Ngày 18-3, Pháp Luật TP.HCM có bài viết “Gờ giảm tốc tự xây, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn”, thông tin về việc các cọc tiêu mềm, gờ giảm tốc, trụ xi măng tự xây giữa đường… không đúng quy định gây nguy hiểm cho người đi đường.

Dãy cọc tiêu cắm không đúng quy định

Liên quan đến hàng cọc tiêu trên cầu vượt Đỗ Xuân Hợp dẫn lên đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây được tăng từ sáu cọc lên chín cọc sau vụ tai nạn, luật sư Lê Văn Hoan (Đoàn Luật sư TP.HCM) đã có ý kiến về việc này.

Theo luật sư Lê Văn Hoan, Điều 58 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ QCVN 41:2016/BGTVT quy định những trường hợp sau phải cắm cọc tiêu: Phía lưng các đường cong nằm từ tiếp đầu đến tiếp cuối. Trong trường hợp có đường cong chuyển tiếp thì phải bố trí cọc tiêu từ điểm nối đầu đến điểm nối cuối, các đoạn nền đường bị thắt hẹp, các đoạn đường có taluy âm cao từ 2 m trở lên; các đoạn đường men theo sông, suối, đầm, hồ, ao; các đoạn đường bộ giao nhau với đường sắt cùng mức; dọc hai bên những đoạn đường bị ngập nước thường xuyên hoặc chỉ ngập theo mùa và hai bên thân đường ngầm, đường tràn... Không cần bố trí cọc tiêu trong trường hợp phần đường xe chạy đã được phân biệt rõ bởi bó vỉa, vỉa hè hoặc các kết cấu liền kề hoặc khi đã sử dụng tiêu phản quang dạng mũi tên tại các đường cong.

Do phần đường xe chạy đã được phân biệt rõ bởi bó vỉa nên đối chiếu với các quy định trên thì việc Sở GTVT TP.HCM cắm các dãy cọc tiêu chia đôi làn xe máy cũng không đúng quy định của pháp luật. Do vậy, trong trường hợp này các cọc tiêu cũng được xem là vật cản và nếu đây là nguyên nhân gây ra thiệt hại cho người khác thì người vi phạm có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự về việc cản trở giao thông đường bộ.

Hàng cọc tiêu gắn chia đôi làn xe máy 3 m trên đường dẫn cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây sẽ được tháo dỡ sau khi Sở GTVT lắp đặt camera, xử phạt nguội ô tô đi vào. Ảnh: LƯU ĐỨC

Sẽ đập bỏ vật cản

Ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng đường bộ, Sở GTVT, cho biết Sở GTVT nhận thức được tính pháp lý và độ nguy hiểm của hàng cọc tiêu này. “Sau khi lắp đặt xong hệ thống camera, đường truyền để xử phạt ô tô đi vào làn xe máy trên đường dẫn cao tốc, Sở GTVT sẽ cho tháo gỡ ngay hàng cọc tiêu vận dụng này” - ông Đường nói.

Trao đổi với PV Pháp Luật TP.HCM, lãnh đạo các phường đều khẳng định trên địa bàn mình quản lý có rất nhiều hẻm mật độ xe lưu thông cao, cạnh đó khu vực có nhiều trẻ con do đó cần thiết phải làm gờ giảm tốc độ để đảm bảo an toàn, giảm thiểu tai nạn giao thông. Tuy nhiên, việc đắp gờ giảm tốc hiện nay còn mang tính chất tự phát, tự ý xây chưa đúng tiêu chuẩn nên dẫn tới những vấn đề nêu trên.

Ông Ngô Hải Đường cho biết các tổ dân phố hoặc đơn vị thi công đặt thùng phuy, panô… không đúng quy định phải chịu trách nhiệm khi có sự cố, tai nạn giao thông do các vật cản trên.

Theo ông Nguyễn Kiên Trung, Phó Chủ tịch UBND phường 5, quận Gò Vấp, sắp tới phường sẽ cho tăng cường rà soát lại tất cả hẻm và sẽ yêu cầu các tổ dân phố, khu phố đập bỏ những gờ giảm tốc quá cao hoặc có thể sẽ cho đập bỏ luôn nếu như xét thấy những gờ giảm tốc đó không có tác dụng.

Ông Nguyễn Bá Đàn, Phó Chủ tịch UBND phường Thạnh Xuân, quận 12, thông tin mới đây Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 12/NQ-CP về tăng cường đảm bảo trật tự, an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2019-2021.

Theo đó, một trong các nhiệm vụ, giải pháp được nêu ra trong nghị quyết là UBND các tỉnh, thành trực thuộc trung ương chỉ đạo UBND các cấp vận động các đoàn thể chính trị-xã hội trên địa bàn tham gia đảm bảo an toàn giao thông, sử dụng quỹ bảo trì đường bộ và huy động nhân dân tham gia làm gờ giảm tốc và cắm biển báo nguy hiểm từ đường phụ ra đường chính…

“Do vậy, trên tinh thần của Nghị quyết 12, chúng tôi sẽ tổ chức rà soát lại các tuyến hẻm, trường hợp nào gờ giảm tốc xây quá cao, phường sẽ cho gỡ bỏ hoặc chỉnh sửa sao cho đúng tiêu chuẩn” - ông Nguyễn Bá Đàn cho biết.

Sẽ có văn bản về việc đặt vật cản trên đường phố

Cũng theo ông Ngô Hải Đường, từ vụ đốt bê tông dải phân cách và cọc tiêu trên đường dẫn cao tốc, tới đây Sở sẽ có văn bản nhắc nhở các quận, huyện, chủ đầu tư, đơn vị thi công về việc tự ý đặt các vật cản trở trên đường phố. Sở GTVT cũng sẽ có chỉ đạo thanh tra giao thông phối hợp với Thanh tra Sở Xây dựng kiểm tra, xử lý các trường hợp đặt vật cản không đúng quy định. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm