Số phận các thuê bao di động sau ngày 24-4

Ngày 23-4, tại hàng loạt điểm giao dịch của cả ba nhà mạng Viettel, VinaPhone, MobiFone đã xảy ra tình trạng quá tải. Tình hình chung cho thấy người dùng mạng di động cảm thấy phiền hà vì mất thời gian, công sức đi bổ sung thông tin, hình ảnh, kèm thêm nỗi lo thuê bao của mình có thể bị khóa, ảnh hưởng đến cuộc sống, công việc.

Người già, bà bầu chen chúc đi chụp ảnh

Dù các nhà mạng đã đồng loạt ra thông báo sẽ chưa thực hiện khóa SIM sau ngày 24-4 nhưng các cửa hàng của nhà mạng tại Cần Thơ, TP.HCM, Hà Nội… trong những ngày này đều chật cứng người dân đến bổ sung thông tin, chụp ảnh.

Tại điểm giao dịch của MobiFone (Ninh Kiều, Cần Thơ), từ sáng sớm cửa hàng đã không còn chỗ giữ xe cho khách. Bên trong, người đứng kẻ ngồi điền biểu mẫu, đợi xếp hàng chụp ảnh đông đến mức không còn lối đi. Nhiều người lớn tuổi, bà bầu cũng khệ nệ “vác” bụng bầu đi làm thủ tục. Chị Nguyễn Thị Dung chia sẻ: “Biết là có thể quay lại sau ngày 24-4 nhưng tôi sắp sinh rồi nên phải tới làm thôi. Có quầy ưu tiên nhưng vẫn phải đợi khá lâu”.

Tại cửa hàng Viettel Giảng Võ (Hà Nội), nhiều người có mặt từ 6 giờ sáng vẫn phải ngồi chờ. Ông Nguyễn Văn Ái, 70 tuổi, than phiền: “Đợi từ 8 giờ mà chưa đến lượt. Tôi đã già cả thế này còn phải đi bộ ra tận đây rồi ngồi chờ, mất thời gian quá!”. Đáng nói là nhiều người cho biết đã thử đăng ký trực tuyến nhưng mạng lại thường xuyên bị nghẽn.

Tại TP.HCM, lượng người đổ về các cửa hàng cũng đông không kém. Nhiều người chờ được nửa buổi phải ra về vì còn bận công việc. Nhân viên các nhà mạng cho biết những ngày này lượng người đến bổ sung thông tin tăng đột biến, đến 3.000-4.000 lượt/ngày. Dù biết sau ngày 24-4 vẫn còn cơ hội nhưng tâm lý ai cũng muốn hoàn thành sớm để không bị khóa tài khoản.

Người dân đăng ký bổ sung thông tin thuê bao tại cửa hàng Viettel. Ảnh: VIẾT THỊNH

Doanh nghiệp thiếu sót, người dùng gặp phiền

Trao đổi với chúng tôi, đại diện Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) cho biết theo Nghị định 49/2017, ngày 24-4 là mốc thời gian các doanh nghiệp viễn thông (DN) phải bảo đảm toàn bộ thông tin thuê bao trong cơ sở dữ liệu tập trung của mình phải tuân thủ đúng quy định.

Sau thời điểm này, bất kỳ lúc nào cơ quan quản lý cũng có thể thanh tra, kiểm tra và xử phạt DN nếu phát hiện có thông tin thuê bao không đúng quy định. Ngoài ra, DN sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với những sai phạm có thể phát sinh liên quan đến thông tin thuê bao này trong cơ sở dữ liệu của mình.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là sau mốc thời gian trên toàn bộ các thuê bao chưa cập nhật thông tin sẽ bị khóa một chiều, hai chiều hay chấm dứt cung cấp dịch vụ.

Thuê bao sẽ chỉ bị khóa, chấm dứt cung cấp dịch vụ nếu chủ thuê bao cố tình không tuân thủ việc cập nhật, bổ sung thông tin khi đã nhận được thông báo từ DN theo quy trình.

Trường hợp người dùng chưa nhận được thông báo từ DN thì trách nhiệm bảo đảm thông tin thuê bao đã đúng quy định thuộc về DN và DN không có quyền khóa hay chấm dứt cung cấp dịch vụ của các thuê bao này.

Thời gian qua, các DN chưa thực sự nghiêm túc và cố gắng rà soát, cập nhật, hoàn thiện thông tin thuê bao theo quy định nên việc triển khai trong những ngày gần đây gây nhiều khó khăn cho người dân (quá tải, ùn tắc tại các điểm cung cấp dịch vụ).

Từ đó, Cục Viễn thông yêu cầu trong những ngày sắp tới, các DN phải có trách nhiệm bố trí thiết bị, nhân lực, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho người dân bổ sung, cập nhật thông tin.

Không sai luật nhưng gây khó cho dân!

Việc các nhà mạng cung cấp dịch vụ điện thoại di động cho người dân là giao dịch dân sự có điều kiện, giao dịch này khác với những giao dịch bình thường khác bởi liên quan đến chừng mực nhất định về lợi ích của Nhà nước. Vì thế, đòi hỏi người tham gia giao dịch phải thỏa mãn một số điều kiện nhất định, thường ở đây là những hợp đồng mẫu và có điều kiện.

Trước hết, theo tôi việc người dân cung cấp thông tin hình ảnh cá nhân là cần theo đúng Nghị định 49/2017. Lý do để bảo đảm cho Nhà nước kiểm soát được việc sử dụng số điện thoại nhằm ngăn chặn người sử dụng dịch vụ xâm phạm đến an ninh quốc gia và vi phạm đến các quyền công dân.

Tuy nhiên, công tác triển khai của các nhà mạng là cực kỳ gấp và họ chạy theo thời hạn nên gây khó cho người dân. Lẽ ra khi nhà mạng bán số thì phải yêu cầu người mua xuất trình CMND có những thông tin để quản lý công dân. Ngược lại, họ bán số tràn lan rồi lại đưa ra một thời hạn để đăng ký thông tin. Như vậy, lỗi này là thuộc về nhà mạng mà lại áp đặt người dân phải đăng ký đúng hạn, nếu không thì ngưng cung cấp dịch vụ là đưa người dân vào tình thế khó khăn.

Việc người dân cung cấp thông tin hình ảnh cho nhà mạng là cần thiết và không trái luật. Nhà mạng phải có trách nhiệm bảo mật khi sử dụng thông tin, hình ảnh của người dân.

TS NGUYỄN VĂN TIẾNgiảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM

N.HIỀN ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm