Tạm biệt Hillary Clinton!

Tôi không hào hứng với bà Clinton. Đúng là như vậy. Dù không có lý do gì thuyết phục, đơn thuần chỉ là câu chuyện của cảm xúc - thứ mà lắm khi lý trí cũng phải chịu thua.

Bạn tôi, một nữ nhà báo, cũng không có thiện cảm với “Người đàn bà quyền lực” này. Bạn tôi lý giải: “Bà ấy không đáng tin cậy” và nghi ngờ sự thao túng của bà Clinton với hệ thống truyền thông Mỹ trong việc tấn công ông Trump.

Tôi từng mượn lý do bà Clinton tuyên bố nước Mỹ chưa sẵn sàng với Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) (trong khi ứng viên nữ tổng thống này được xem là kiến trúc sư trưởng của chiến lược “tái cân bằng” trong vai trò ngoại trưởng dưới thời Tổng thống Obama) để định nghĩa sự thất vọng của mình với bà.

Nhưng tìm hiểu kỹ về những lý giải của bà Clinton và thử đưa mình vào vị trí của bà, tôi hiểu thông điệp của bà không phải là một “sự chối bỏ” Hiệp định thế kỷ 21. Khi quan sát việc vợ chồng Tổng thống Barack Obama lên tiếng bảo vệ, ủng hộ bà Clinton trong chiến dịch tranh cử tổng thống, tôi càng khẳng định TPP cũng không phải lý do để giải thích khoảng trống tình cảm với nữ ứng viên tổng thống của xứ cờ Hoa.

Mang khúc mắc của mình trao đổi với một số người Mỹ để tìm kiếm một sự lý giải. Tôi hỏi: “Tại sao năng lực, kinh nghiệm và cả đạo đức của bà Clinton vượt xa Donald Trump nhưng nhiều người (trong đó có tôi) lại không yêu thích bà ấy trở thành tổng thống?”. Rất nhiều sự đồng ý và lý giải. Chủ yếu xoay quanh năm lý do. Một là vụ bê bối trong việc sử dụng email cá nhân khi còn là ngoại trưởng Mỹ; hai là nghi ngờ có liên kết với các nhóm lợi ích đặc biệt, chống lưng cho Phố Wall; ba là một số chính sách đối ngoại của bà Clinton trong quá khứ (như khủng hoảng chính trị ở Honduras hay quan hệ thân thiết của bà với cựu ngoại trưởng Henry Kissinger); bốn là người dân Mỹ đang ngán ngẩm những tổng thống xuất thân từ giới tinh hoa, “ngồi trên cao không thấu lòng người dưới đất”; và lý do cuối cùng đó là vì bà Clinton là phụ nữ.

Tất cả những lý do đó, về tình và về lý, nhất là so với những cống hiến của bà Clinton, không thuyết phục được tôi để nhìn bà bằng thái độ thiếu nồng nhiệt. Nhưng khi nói chuyện với PGS Justin Hart (khoa Lịch sử Trường ĐH Texas Tech), tôi phần nào hiểu ra rằng mình đã ngầm so sánh “cảm xúc Clinton” với “cảm xúc Obama” kéo dài từ năm 2008 đến bây giờ.

Tạm biệt Hillary Clinton! ảnh 1
Tổng thống Obama (trái) và Bà Clinton. Ảnh: AP

Đúng là tôi vẫn rất luyến tiếc cảm xúc với “tổng thống gốc Phi đầu tiên” của Mỹ: những bài phát biểu đầy hưng phấn và hy vọng giữa lúc nước Mỹ đang đương đầu với những “di sản” George W. Bush để lại; những chính sách có tầm nhìn; những ứng xử khiêm tốn, tin cậy và không tì vết bê bối; gần nhất là chuyến thăm Việt Nam không thể nào tuyệt vời hơn. Ông Obama và sự gia cố sức hấp dẫn từ Đệ nhất phu nhân Michelle Obama càng khiến tôi yêu thích, tin tưởng.

Nếu so sánh năng lực và cống hiến, nói như GS Heather Stur (ĐH Nam Missisippi, Mỹ), bà Clinton là một trong những ứng viên giỏi nhất trong vòng hơn hai thập niên qua, thậm chí hơn hẳn ông Obama vào năm 2008. Tôi đã đề cập rất nhiều phân tích, so sánh của rất nhiều chuyên gia ở khắp nước Mỹ: gần như 100% đồng ý như vậy. Tuy nhiên, thể hiện của bà thiếu gia vị cảm xúc.

Khó trách. Trong khi ông Obama có Michelle Obama “hộ mệnh”; thì trái lại bà Clinton phải trải qua một cú sốc lớn với vụ bê bối tình dục của người chồng Tổng thống Bill Clinton, nỗi đau kéo dài bị ông Trump mang ra dày vò đay nghiến. Trong khi ông Obama nhập cuộc khi mới 47 tuổi (thậm chí trẻ hơn), khá non nghề chính trị, mang lại sự tươi mới và hy vọng; thì bà Clinton nhập cuộc khi đã ngấp nghé “thất thập cổ lai”, sau nhiều thập niên được chính trị tôi rèn bằng rất nhiều biến cố, trở thành người trầm tĩnh, đầy thận trọng.

Quan trọng nhất, ông Obama đã có hai nhiệm kỳ để thuyết phục người dân Mỹ. Bầu cử năm 2012, Chris Manno, một sinh viên xuất sắc ĐH Loyola Chicago, tâm sự với tôi rằng cậu ấy thất vọng với hai chọn lựa, cả ông Obama lẫn ông Mitt Romney. Chris cũng như rất đông người Mỹ tại thời điểm đó nói ông Romney quá tự cao và thực dụng, còn ông Obama chỉ hứa chứ không làm.

Bốn năm sau đó, David Brooks, một trong những người chống đối nhiều chính sách của ông Obama, viết trên New York Times rằng: “Tôi nhớ Barack Obama”, vì những giá trị trên cả các hiệu quả chính sách mà ông Obama để lại cho người Mỹ. Đó là sự lạc quan, điềm tĩnh, tin cậy và mạnh mẽ trong những khoảnh khắc nước Mỹ khó khăn nhất, như việc Chính phủ Mỹ đóng cửa hay Quốc hội rơi vào tay đảng Cộng hòa chẳng hạn.

Ông Obama đã để chính trường nhuộm trắng mái tóc của mình suốt tám năm để đạt được tự tin tưởng và tình cảm hôm nay.     

Khi tôi (và rất nhiều người khác) nhìn bà Clinton trong hệ quy chiếu với ông Obama thì chính ông Obama khẳng định: “Hillary giúp tôi trở thành một tổng thống tốt hơn”.

Tôi hỏi nhiều người Mỹ về kỳ vọng của họ khi không hài lòng bà Clinton, họ nói ra nhiều cái tên bao gồm cả ông Trump, bà Jill Stein (đảng Xanh), Gary Johnson (đảng Tự do) hay một cá nhân lý tưởng mơ hồ nào đó với lý do “cùng giá trị sống”. Nhiều người Mỹ nói với tôi rằng họ chọn ông Trump vì họ cảm giác được sự mới mẻ, quyết liệt, họ tin “nước Mỹ sẽ vĩ đại trở lại” và không quan tâm đúng sai trong lời ông Trump nói hay những điều ông Trump (có thể) làm.

Những cử tri tôi hỏi đã chọn lựa “sự mới mẻ” cho xứ cờ hoa nhưng rất tiếc chưa ai có thể định nghĩa được “sự mới mẻ” mà ông Trump có thể mang lại cho nước Mỹ trong tương lai. Cá nhân bà Clinton chưa thể trình diễn tuyệt vời như ông Obama hồi năm 2008 và trước công chúng, sự điềm tĩnh, vững chãi của bà trở nên thiếu hấp dẫn so với màn độc diễn “trên sân khấu” của ông Trump - một “nghệ sĩ” có sức huyễn hoặc kỳ lạ.

Chính bà Clinton từng thừa nhận cuộc đời mình gặp phải nhiều dèm pha nên hơi co cụm lại. Không biết đó có phải là lý do thứ sáu khiến đa phần người Mỹ không bỏ phiếu cho bà hay không nhưng với tôi, điều đó không phải là vấn đề với việc điều hành một “nước Mỹ vĩ đại”.

GS Heather Stur nhắn cho tôi rất sớm: “Tôi đang rất buồn”. Và người viết bài này cũng vậy. Việc hào hứng với bà hay không đã không còn ý nghĩa. Nhưng sau tất cả, những gì bà đã làm và đã vượt qua từ thời khắc chọn ông Bill Clinton làm chồng, dấn thân vào nền chính trị Mỹ đầy khắc nghiệt với nhiều chỉ trích và hoài nghi, với tôi bà là một người đáng trân trọng. Nói như một cử tri Mỹ: “Tôi hy vọng con gái tôi sẽ dũng cảm như Hillary Clinton”.

Ông Obama từng nói: “Ở Mỹ sẽ không bao giờ hết sự chỉ trích”. Khi một ứng viên này thành tổng thống, sẽ có gần một nửa phần còn lại của đất nước chống đối họ. Đó là cách vận hành của một nền dân chủ kiểu Mỹ - điều đã làm nên một “nước Mỹ vĩ đại”. Đó là một sự thật cần được tôn trọng mà khi thấy bà gọi chúc mừng ông Trump, tôi đã tin chính bà là người thấu hiểu nhất.

Tạm biệt Hillary Clinton.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm