Tẩy xóa chứng cứ rồi... cười trừ!

Trong các vụ tranh chấp hợp đồng vay tài sản, nguyên đơn và bị đơn thường tranh cãi về tính xác thực của giao dịch cho vay hoặc số tiền cho vay. Nguyên đơn xuất trình giấy biên nhận, hợp đồng vay tiền... làm chứng cứ trong khi bị đơn nằng nặc bảo không vay tiền, hoặc vay ít hơn số tiền nguyên đơn trình bày. Để giải quyết tranh chấp, tòa án phải ra quyết định trưng cầu giám định chứng cứ để xác định có chuyện vay tiền hay không và số tiền vay thực sự là bao nhiêu.

Trong rất nhiều vụ án, kết quả giám định cho thấy chứng cứ đã bị một bên đương sự tẩy xóa. Chẳng hạn, chị L. xuất trình ba biên nhận cho rằng đã cho chị T. vay 500 triệu đồng. Kết quả giám định cho thấy cả ba biên nhận đều bị tẩy xóa, thay đổi về ngày, tháng. Tuy nhiên, hội đồng xét xử vẫn chấp nhận chứng cứ để xác định giao dịch vay tiền giữa các bên là có thật. Bởi việc tẩy xóa chỉ làm thay đổi về thời điểm chứ không làm ảnh hưởng nhiều đến nội dung của biên nhận.

Tẩy xóa chứng cứ rồi... cười trừ! ảnh 1

Cần có hình thức chế tài việc cạo sửa trong hợp đồng để bảo đảm uy nghiêm của pháp luật. Trong ảnh: Giao dịch tại Phòng Công chứng số 1, TP.HCM. Ảnh: HTD

Trong một vụ án khác, ông B. lập hợp đồng bán đất có chứng thực của chính quyền địa phương. Khi tranh chấp, bên mua nói đã đưa cho bên bán 150 triệu đồng tiền đặt cọc như đã ghi trong hợp đồng. Vụ án lên tới cấp phúc thẩm thì tòa án mới phát hiện hợp đồng có dấu hiệu bôi xóa, cạo sửa so với bản hợp đồng lưu tại UBND cấp xã. Bên mua đã tự ý sửa chữa số tiền đặt cọc từ 100 triệu đồng thành 150 triệu đồng. Do vậy, cấp phúc thẩm xác định số tiền đặt cọc chỉ có 100 triệu đồng và giải quyết tranh chấp theo hướng đó.

Khi phát hiện chứng cứ bị tẩy xóa, tòa án thường bàn đến việc chấp nhận hay phủ nhận chứng cứ mà không tính đến việc xử lý người cạo sửa chứng cứ. Đáng nói là trong khi tòa án vất vả trưng cầu giám định, cơ quan chuyên môn vất vả giám định chứng cứ thì người cung cấp chứng cứ không đúng sự thật lại... cười trừ mà không hề bị chế tài gì.

Cần lưu ý là không thể áp dụng điều luật nào trong Bộ luật Hình sự để quy trách nhiệm hình sự người cạo sửa chứng cứ. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 139) phải gồm hành vi lừa dối và chiếm đoạt. Hành vi lừa dối của người cạo sửa hợp đồng đã rõ nhưng khi tòa án phát hiện chứng cứ bị cạo sửa và bác bỏ nó thì việc chiếm đoạt chưa xảy ra. Tội khai báo gian dối hoặc cung cấp tài liệu sai sự thật (Điều 307) chỉ áp dụng cho các chủ thể đặc biệt là người giám định, người phiên dịch, người làm chứng.

Điểm 1c Điều 18 Nghị định số 150 ngày 12-12- 2005 của Chính phủ (xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội) xử phạt từ 100.000 đến 200.000 đồng hành vi “dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác”. Nhưng trước giờ rất ít người bị xử phạt theo quy định này và cũng không có mấy người nghe mức phạt này đâm ra e ngại, không dám vi phạm.

Việc cạo sửa hợp đồng của đương sự dễ làm mất thời gian và đưa tòa án vào nguy cơ xét xử sai sự thật. Vậy nên nhà nước cần nhanh chóng bổ sung hình thức chế tài nghiêm hành vi này nhằm răn đe người thiếu chân thật, đồng thời đảm bảo tính uy nghiêm của pháp luật.

THẠCH PHƯƠNG NGHI (79gianghi@gmail.com)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm