HÀ NỘI:

Tết Canh Dần thưởng bao nhiêu?

Sau tết bao giờ cũng là thời điểm khó tuyển dụng nhân công nên hầu hết doanh nghiệp đều cố gắng thu xếp để có mức thưởng tết đủ giữ chân người lao động.

Duy trì lương tháng 13

Một nhân viên nhân sự của Công ty Sumi Tomo (Khu công nghiệp Bắc Thăng Long, Hà Nội) cho biết hiện nay công ty vẫn chưa hoàn toàn phục hồi sau khủng hoảng kinh tế, tuy nhiên vẫn cố gắng duy trì mức thưởng một tháng lương (lương tháng thứ 13) cho công nhân.

Theo nhân viên này, mức thưởng tết của Sumi Tomo đã được ghi rõ trong hợp đồng với từng công nhân và trong thỏa ước lao động tập thể nên không cần phải đợi sát tết công nhân mới biết mình được thưởng bao nhiêu.

Bà Nguyễn Thị Hồng Yến, Chánh văn phòng Công ty Bóng đèn Phích nước Rạng Đông (quận Thanh Xuân, Hà Nội), cho biết tổng số tiền thưởng tết Đinh Sửu cho hơn 2.300 công nhân của công ty lên tới 13 tỉ đồng.

Tết Canh Dần thưởng bao nhiêu? ảnh 1

Các doanh nghiệp đều thu xếp có mức thưởng tết để giữ chân người lao động. Ảnh minh họa: HTD

Năm nay chắc chắn mức thưởng cao hơn năm ngoái. Dự kiến một lao động phổ thông sẽ được công ty thưởng tết khoảng 3 triệu đồng. Ngoài ra, xí nghiệp thành viên tùy theo doanh thu sẽ thưởng thêm cho công nhân 1-1,5 triệu đồng. Lao động mới vào làm có thể không được thưởng lương tháng 13 mà chỉ được thưởng tết 300.000 đồng để động viên.

Có mức lương mới vẫn thưởng

Ngày 1-1-2010 là thời điểm các doanh nghiệp phải áp dụng mức lương mới cho người lao động. Trả lời cho câu hỏi chi phí đầu vào tăng liệu có ảnh hưởng đến mức thưởng tết, đại diện Công ty Sumi Tomo cho biết tăng lương không ảnh hưởng nhiều đến chi phí đầu vào, do đó không ảnh hưởng đến thưởng tết. Thực tế, trước khi nghị định tăng lương có hiệu lực, mức lương thực trả của một số công ty đã cao hơn so với lương tối thiểu do nhà nước quy định.

Theo PGS-TS Lê Quân - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Giám đốc nhân sự, giảng viên khoa Quản trị nhân sự (Đại học Thương mại, Hà Nội), đa số công ty tính tiền thưởng căn cứ vào lợi nhuận sau thuế chứ không hạch toán vào chi phí sản xuất kinh doanh như tiền lương. Thưởng tết năm nay sẽ tăng cao ở hai ngành bất động sản và chứng khoán.

Ông Quân lưu ý việc người lao động ít có khả năng thương lượng với người sử dụng lao động về tiền thưởng tết trong hợp đồng lao động vì hợp đồng lao động thường ghi rất chung chung: “Các chế độ thưởng phụ thuộc vào tình hình doanh thu của doanh nghiệp”.

Theo ông Quân, vai trò của công đoàn trong việc đảm bảo mức thưởng tết hợp lý rất quan trọng: “Công đoàn cần đại diện người lao động để thương lượng với chủ sử dụng lao động khi xây dựng quy chế tiền lương. Nếu xây dựng được thỏa ước lao động tập thể trong đó quy định tỉ lệ quỹ khen thưởng chiếm khoảng 10% lợi nhuận sau thuế thì sẽ có lợi hơn cho người lao động khi nhận tiền thưởng tết”.

Doanh nghiệp không công bố thưởng, khó phạt!

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã có văn bản gửi các sở yêu cầu giám sát, báo cáo tình hình lương thưởng cuối năm, đôn đốc các doanh nghiệp công khai tiền thưởng tết muộn nhất vào ngày 20-12. Bà Đỗ Thị Xuân Phương - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội cho biết rất ít doanh nghiệp ở Hà Nội công bố tiền thưởng tết. Theo bà, đã có hình thức chế tài (xử phạt căn cứ chế độ chấp hành báo cáo) nhưng rất khó phạt. Các doanh nghiệp đưa ra nhiều lý do để chậm báo cáo thưởng tết. Thực tế đến cuối tháng 12 mới có thể xong quyết toán, tính được lãi và quyết định mức thưởng tết.

Công khai lương thưởng: Công đoàn phải phối hợp với chủ

Theo ông Đặng Quang Điều - Phó Trưởng ban Chính sách Pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (TLĐLĐ), TLĐLĐ sẽ có công văn yêu cầu các cấp công đoàn cơ sở phối hợp với chủ sử dụng lao động sớm công bố, công khai tiền lương, tiền thưởng tết và các chế độ phúc lợi dịp cuối năm.

Cũng theo ông Điều, khảo sát đời sống công nhân tại TP.HCM cho thấy tình hình tranh chấp lao động năm 2009 có nguyên nhân chủ yếu do lương, thưởng chưa thỏa đáng. Tình hình doanh nghiệp bỏ trốn trên địa bàn thành phố ngày càng tăng. Hiện có 10 doanh nghiệp có giám đốc bỏ trốn, ngoài ra có hai doanh nghiệp giám đốc không bỏ trốn nhưng đã ngừng sản xuất, không giải quyết lương, trợ cấp nghỉ việc, chốt sổ bảo hiểm xã hội.

LĐLĐ TP.HCM cho biết với các doanh nghiệp trên, cơ quan chức năng đã niêm phong tài sản, thống kê danh sách công nhân chưa được nhận lương, trợ cấp và tiến hành các thủ tục đề nghị UBND TP giải quyết các chế độ cho người lao động.

BẢO PHƯỢNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm