Thành trì bất khả xâm phạm của công dân

Chỗ ở là nơi mà một người sinh sống thường xuyên cùng gia đình. Hầu hết mọi sinh hoạt của đời sống con người đều gắn liền với chỗ ở của mình. Chỗ ở là nơi riêng tư của con người và được pháp luật đảm bảo. Vì vậy có thể nói chỗ ở là thành trì bất khả xâm phạm của công dân - con người.

Nơi bất khả xâm phạm của con người

Đã từ lâu quyền về chỗ ở luôn được xem là quyền cơ bản của công dân và đã được ghi nhận bởi các bản hiến pháp trước đây của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Nay Hiến pháp năm 2013 tiếp tục kế thừa và ghi nhận quyền này.

Tại Điều 22 Chương II (Chương về quyền con người và những quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân) đã ghi rõ: Công dân có quyền có nơi ở hợp pháp; mọi người có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu không được người đó đồng ý. Việc khám xét chỗ ở do luật định.

Theo đó, Nhà nước ghi nhận mọi công dân đều có quyền có chỗ ở hợp pháp và bảo đảm không ai được phép xâm phạm quyền đó, trừ khi được phép hoặc Nhà nước cần thực hiện những biện pháp chế tài theo quy định của luật. Nhà nước đảm bảo cho mọi người có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở thông qua một hệ thống pháp luật chặt chẽ.

Một vụ khám xét chỗ ở theo trình tự, thủ tục của BLTTHS. Ảnh: MH

Khám xét chỗ ở phải theo luật

Quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở theo tinh thần của Hiến pháp 2013 đã được cụ thể hóa thông qua các bộ luật chuyên ngành. Điều 46 BLDS 2005 (về quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở) quy định: “Cá nhân có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Việc vào chỗ ở của một người phải được người đó đồng ý. Chỉ trong trường hợp được pháp luật quy định và phải có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mới được tiến hành khám xét chỗ ở của một người; việc khám xét phải theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định”.

Tinh thần của điều luật nói trên vẫn đảm bảo quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở, tuy nhiên việc khám xét chỗ ở lại được quy định bởi pháp luật (tức gồm quy định của luật và quy định của văn bản quy phạm pháp luật dưới luật). Điều này là trái với Hiến pháp 2013 (việc khám xét chỗ ở do luật định). Vì vậy trong BLDS 2015 (mà Quốc hội vừa mới thông qua, chưa có hiệu lực thi hành) đã bỏ điều luật về vấn đề này. Như vậy việc khám xét chỗ ở phải theo quy định của luật như hiến định (chứ không phải pháp luật).

Cụ thể hơn, việc khám xét chỗ ở phải được thực hiện đúng theo quy định của BLTTHS 2003 (vẫn đang còn hiệu lực thi hành cho đến khi BLTTHS 2015 có hiệu lực thi hành). Đó là “khi có căn cứ để nhận định trong người, chỗ ở, chỗ làm việc, địa điểm của một người có công cụ, phương tiện phạm tội, đồ vật, tài sản do phạm tội mà có hoặc đồ vật, tài liệu khác có liên quan đến vụ án” hoặc “khi cần phát hiện người đang bị truy nã” (Điều 140 BLTTHS 2003).

Ngoài ra “khi khám chỗ ở, địa điểm phải có mặt người chủ hoặc người đã thành niên trong gia đình họ, có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn và người láng giềng chứng kiến; trong trường hợp đương sự và người trong gia đình họ cố tình vắng mặt, bỏ trốn hoặc đi vắng lâu ngày mà việc khám xét không thể trì hoãn thì phải có đại diện chính quyền và hai người láng giềng chứng kiến. Không được khám chỗ ở vào ban đêm, trừ trường hợp không thể trì hoãn nhưng phải ghi rõ lý do vào biên bản” (Điều 143 BLTTHS 2003).

Xâm phạm chỗ ở trái luật là bị xử tù

Quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của công dân đã được ghi nhận trong Hiến pháp 2013 và được đảm bảo thông qua các biện pháp chế tài chặt chẽ. Người nào có hành vi xâm phạm chỗ ở của người khác là phạm luật. Tùy theo tính chất, mức độ của hành vi xâm phạm chỗ ở mà có thể bị chế tài bằng biện pháp hình sự.

Điều 124 BLHS quy định về tội xâm phạm chỗ ở của công dân như sau: “Người nào khám xét trái pháp luật chỗ ở của người khác, đuổi trái pháp luật người khác khỏi chỗ ở của họ hoặc có những hành vi trái pháp luật khác xâm phạm quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của công dân thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm. Trong trường hợp có tổ chức, lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc gây hậu quả nghiêm trọng thì có thể bị phạt tù đến ba năm. Ngoài ra người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm”.

Để ý sẽ thấy với hành vi xâm phạm chỗ ở của người khác thì không chỉ trái luật mà còn bao gồm cả trái pháp luật thì người vi phạm đã có thể bị xử hình sự. Điều này cho thấy việc bảo vệ quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở được bảo đảm ở mức cao nhất. Có lẽ vì vậy mà trong BLHS 2015 (mà Quốc hội vừa thông qua, chưa có hiệu lực thi hành) chi tiết này được giữ lại.

Theo đó, người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây: a) Khám xét trái pháp luật chỗ ở của người khác; b) Dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, gây sức ép về tinh thần hoặc thủ đoạn trái pháp luật khác buộc người khác phải rời khỏi chỗ ở hợp pháp của họ; c) Dùng mọi thủ đoạn trái pháp luật nhằm chiếm, giữ chỗ ở hoặc cản trở trái phép, không cho người đang ở hoặc quản lý hợp pháp chỗ ở được vào chỗ ở của họ; d) Tự ý xâm nhập chỗ ở của người khác mà không được sự đồng ý của chủ nhà hoặc người quản lý hợp pháp” là phạm vào tội xâm phạm chỗ ở của người khác (Điều 158).

Qua những quy định có tính hệ thống chặt chẽ từ Hiến pháp 2013 đến các bộ luật cho thấy Nhà nước đã hết sức tôn trọng quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân. Trong đó quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở đặc biệt được quan tâm và được bảo vệ mạnh mẽ bởi chế tài của BLHS. Có như thế, chỗ ở của con người mới được coi là thành trì bất khả xâm phạm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm