Thấy con “lạ lạ” nghĩ tự kỷ, tăng động!

Hiện nay trung bình một ngày khoa Tâm lý - BV Nhi đồng 1 tiếp nhận số trẻ bình thường đến khám tâm lý khoảng 10-15 trẻ. Trong đó tập trung ở độ tuổi 8-14 khám với các lý do: Không nghe lời, đánh cha mẹ, quăng đồ đạc, không nói, thích ở một mình, không chơi với ai… Với những dấu hiệu này, phụ huynh cho rằng con mình tự kỷ hoặc tăng động.

Lầm lì, ít nói: Tự kỷ!

Em Lê Thanh M., 14 tuổi, nhà ở quận 12 được cha mẹ dẫn đến khám tâm lý với lý do: Cả ngày lầm lì chẳng nói câu nào, không thích chơi với bạn bè quanh xóm, kể cả anh chị em họ trong nhà. Ba mẹ đi làm xa gọi điện thoại về nhà cũng không biết trả lời, mỗi lần buộc phải trả lời ba mẹ thì luôn cáu gắt, nhăn nhó. Chắc là nó mắc bệnh tự kỷ rồi?

Chị Thanh là một đại lý bảo hiểm. Công việc đòi hỏi chị đi lại nhiều, quảng giao và nhiều áp lực. Chị có cô con gái 12 tuổi đang học lớp 7. Hễ đi làm thì thôi, về đến nhà là chị liên tục than vãn với con gái: “Trời ơi, biết mấy giờ rồi chưa mà còn ngồi xem tivi? Sao chưa đi tắm? Quần áo từ sáng đến giờ khô rồi không lấy vào để mưa ướt hết cả, mẹ thì đi làm bạc mặt kiếm tiền, vất vả trăm bề, con ở nhà chỉ biết lo chơi mà thôi!”. Những lần như vậy, con gái chị Thanh phản ứng lại bằng cách hất tung đồ đạc trên bàn, bỏ cơm, khóc lóc, chị gọi cách nào cũng không thèm quay lại. Quá hoảng sợ trước sự bất thường của con, chị mang con đi khám với lý do: Đánh mẹ, ném đồ đạc, mẹ nói không hiểu, không chú ý, chắc tự kỷ?

Bé Nga, 10 tuổi, ở Đồng Nai được mẹ dẫn đi khám vì nghi ngờ mắc bệnh tăng động không tập trung. Mẹ bé kể: Tôi kêu bé ngồi vào bàn học bài thế nhưng bé cứ viết vài chữ là lại nhìn ra cửa sổ hoặc nói chuyện với mẹ. Nếu ngồi sát bên bé thì bé còn làm được một, hai bài toán hoặc viết một đoạn văn ngắn, mẹ bỏ đi thì bé chỉ thích tô màu hoặc vẽ bậy trên giấy. Ngoài ra, khi chơi thì bé chơi rất tốt và chơi được lâu. Chị thắc mắc con chị có mắc chứng tăng động không tập trung?

Thấy con “lạ lạ” nghĩ tự kỷ, tăng động! ảnh 1

Bác sĩ khoa Tâm lý đang khám tâm lý cho một bệnh nhi. (Ảnh do BV Nhi đồng 2 cung cấp)

Cha mẹ cần biết cách đàm phán với con

Tùy theo cá tính của con mà sự đàm phán với con về trách nhiệm giúp đỡ gia đình hay làm một việc gì đó kéo dài hay ngắn bởi cha mẹ là người hiểu con mình nhất. Nhưng quan trọng nhất là cha mẹ phải thật bình tĩnh, cứng rắn và nghiêm nghị, không giận dữ la hét, lắng nghe nhưng không chiều theo sự vô lý, nhẹ nhàng và không bỏ cuộc, trẻ sẽ hiểu rằng cha mẹ đang đối xử với trẻ như người lớn và trẻ sẽ cố gắng đáp ứng để cha mẹ vui lòng.

Hiện tượng trẻ vị thành niên dùng thuốc nghiện, nổi loạn, quan hệ tình dục sớm, bỏ nhà đi bụi…. ngày càng gia tăng do bất đồng với cách giáo dục của cha mẹ. Điển hình nhất là khi cha mẹ muốn yêu cầu con cái làm một việc gì đó mà trẻ không nghe lời. Phương pháp giáo dục trẻ vị thành niên được các chuyên viên tâm lý khuyên cha mẹ nên áp dụng đó là: Thông cảm với trẻ, nói ra quan điểm, suy nghĩ của mình một cách ngắn gọn, không kèm theo một bài giảng giáo điều nào và cuối cùng là thương lượng, ra mệnh lệnh với trẻ. Chuyên viên tâm lý Kiều Thanh Hà, khoa Tâm lý - BV Nhi đồng 2, hướng dẫn

Trò khó hòa nhập, cô cũng nghĩ tự kỷ

Theo bác sĩ Đặng Ngọc Thạch, khoa Tâm lý - BV Nhi Đồng 2, có một thời gian khoa Tâm lý tiếp nhận khám cho những đứa trẻ hơi chậm nói hay có những hành động lạ. Các phụ huynh với tâm lý rất sốc cho biết họ đi khám theo yêu cầu của các giáo viên vì cho rằng các cháu bị tự kỷ! Bác sĩ Thạch lý giải: Thường giai đoạn đầu đi học, trẻ khó hòa nhập với lớp học, không thích nghi và có biểu hiện chống đối, một số cô giáo nhạy cảm cho rằng trẻ tự kỷ. Chỉ có bác sĩ tâm lý khám mới kết luận được trẻ có tự kỷ hay tăng động hay không.

“Rối loạn tăng động khác với hiếu động. Trẻ hiếu động là trẻ hoàn toàn bình thường vì những hành động của mình trẻ tự kiểm soát được” - bác sĩ Thạch giải thích.

30% trẻ tự kỷ có biểu hiện tăng động

Bác sĩ Đặng Ngọc Thạch, khoa Tâm lý - BV Nhi đồng 2, cho biết tự kỷ là một rối loạn phát triển thần kinh ba năm đầu đời của trẻ. Nó là một bệnh lý mãn tính ảnh hưởng đến khả năng học tập và sinh hoạt của trẻ. Có ba dạng rối loạn: Thứ nhất là khiếm khuyết về mối quan hệ xã hội như khó kết bạn, thích chơi một mình, ít chia sẻ với người khác, chỉ đam mê riêng. Thứ hai là khiếm khuyết về ngôn ngữ: chậm nói, có những phát triển ngôn ngữ theo một hướng riêng của trẻ, có những câu nói lặp đi lặp lại nhiều lần. Một phần nhỏ trẻ sẽ mất đi ngôn ngữ nói. Thứ ba là trẻ rối loạn hành vi định hình theo nghi thức. Những trẻ này sẽ có những hành vi lặp đi lặp lại nhiều lần như múa tay, đi nhón gót, uốn vặn mình, chỉ chơi với một đồ vật nào đó… Tuy nhiên, ở dạng này, có những trẻ bị tự kỷ ở trình độ cao, nghĩa là trẻ chỉ quan tâm đến khoa học như thích đọc sách báo, thích nghiên cứu công nghệ… những trẻ này thì phát tiển tốt hơn.

Rối loạn tăng động cũng là một rối loạn phát triển thần kinh mãn tính giống tự kỷ. Ở trẻ này cũng có ba dạng rối loạn: Thứ nhất là tăng hoạt động: không ngồi yên một chỗ, liên tục múa tay chân, leo trèo… Thứ hai là kém tập trung trong học tập, giao tiếp và sinh hoạt. Thứ ba là rung động, tức trẻ hoạt động một cách đột rột ngoài tầm kiểm soát.

Tùy vào mức độ mà người ta chia nhóm trẻ này thành ba dạng bệnh: trẻ chỉ có tăng động nhưng tập trung, kém tập trung nhưng không tăng động, tăng động và kém tập trung (dạng này đông nhất, chiếm trên 50%).

Theo nghiên cứu, 30% trẻ tự kỷ có biểu hiện tăng động, tức vừa tự kỷ vừa tăng động. Với trẻ tự kỷ và tăng động dạng nhẹ thì có thể trị liệu tâm lý nhưng khi trẻ bị nặng thì phải điều trị kèm theo thuốc.

THANH HÀ - DUY TÍNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm