Thông tư ‘hỗ trợ’ vi phạm tác quyền

Những ngày gần đây, giới nhạc sĩ xôn xao và bức xúc về Thông tư 01/2016/TT-BVHTTDL của Bộ VH-TT&DL, ban hành vào ngày 24-3 và có hiệu lực từ ngày 15-5. Với thông tư này, nhạc sĩ xem như không còn quyền quyết định, thỏa thuận đối với các tác phẩm âm nhạc là tài sản của mình.

Đang yên đang lành…

Điều 738 Bộ luật Dân sự 2005; Điều 18, 19, 20 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi bổ sung 2009 đã thể hiện rõ việc Nhà nước bảo vệ tác giả. Theo đó, tác giả có quyền công bố tác phẩm hoặc cho người khác công bố tác phẩm; các tổ chức, cá nhân khi khai thác, sử dụng tác phẩm dưới mọi hình thức thì phải xin phép và trả nhuận bút, thù lao, các quyền lợi vật chất khác cho chủ sở hữu quyền tác giả. Mặt khác, việc sử dụng tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả, không trả tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất khác theo quy định của pháp luật... là hành vi xâm phạm quyền tác giả.

Cũng theo Bộ luật Dân sự 2005, quyền tự do cam kết, thỏa thuận trong việc xác lập quyền, nghĩa vụ dân sự được pháp luật bảo đảm, nếu cam kết, thỏa thuận đó không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội

Hiện nay hầu hết các nhạc sĩ chuyên nghiệp, người đại diện sở hữu cho tác giả đã mất, nhạc sĩ định cư ở nước ngoài hoặc các tác giả trẻ có ca khúc phổ biến trong cả nước đều ủy quyền cho Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) hoặc người đại diện thực hiện giao dịch với nơi sử dụng tác phẩm. Nếu thỏa thuận không thành thì một trong hai bên có quyền từ chối giao dịch.

Việc sử dụng tác phẩm  phải được sự đồng ý của tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả.  Ảnh: HTD

… Thì ra hướng dẫn khó hiểu

Ngày 15-3, Chính phủ ban hành NĐ15/2016/NĐ-CP nhằm sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 79/2012/NĐ-CP. Điều 9 của nghị định này quy định rõ thủ tục cấp phép đối với một chương trình biểu diễn phải có “một văn bản cam kết thực thi đầy đủ các quy định của pháp luật về quyền tác giả hoặc bản sao hợp đồng hoặc văn bản thỏa thuận với tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả”.

Nhưng, theo TT 01/2016/TT-BVHTTDL được ban hành thì các đơn vị xin cấp phép chỉ cần cam kết rằng sẽ chi trả nhuận bút, thù lao cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định thì sẽ được cấp phép. Mẫu “đơn cam kết” chỉ thể hiện nội dung cam kết chi trả nhuận bút, thù lao và “chịu trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả theo bản án, quyết định của cơ quan có thẩm quyền…”. Nó chỉ thể hiện ý chí đơn phương của một bên.

Trả lời báo chí, đại diện Vụ Pháp chế Bộ VH-TT&DL cho rằng đã có nhiều tranh chấp về việc thu, nộp phí sử dụng tác phẩm do các tổ chức đại diện tập thể quyền và bên sử dụng tác phẩm không thống nhất được mức thu tiền tác quyền cho một tác phẩm sử dụng để biểu diễn. Vì vậy, cần có sự linh hoạt và thông thoáng hơn khi cho đơn vị tổ chức biểu diễn sử dụng một trong ba phương án (văn bản cam kết, bản sao hợp đồng hoặc văn bản thỏa thuận). “Chúng ta cũng nên quan tâm tới cả lợi ích của bên sử dụng tác phẩm và lợi ích của người hưởng thụ tác phẩm, phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của đất nước. Không nên cứ bắt buộc phải có hợp đồng, vô hình trung tạo thêm một giấy phép con nữa” - vị này nói. Nói như vậy nghĩa là không cần phải xin phép tác giả ca khúc đó?

Thật ra cam kết trên không phải là quan hệ dân sự mà là những thủ tục cần thiết để thực thi quyền tác giả đúng pháp luật. Chỉ có tác giả mới có quyền định đoạt tài sản của mình và văn bản cam kết chỉ có giá trị pháp lý khi họ đồng ý cho tổ chức hoặc cá nhân sử dụng tác phẩm của mình. Nếu bản cam kết như trên  được thực hiện thì không thấy những điều khoản liên quan thời gian thanh toán, địa điểm, hình thức thanh toán. Vậy tổ chức, cá nhân nào bảo lãnh cho việc cam kết này đối với tác giả, chủ sở hữu? Nếu tác giả bị xâm phạm tác quyền, ai chịu trách nhiệm?

Chúng tôi mong muốn cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét lại TT 01/2016/TT-BVHTTDL nhằm thực thi quyền tác giả đúng quy định pháp luật. Hiện nay các nhạc sĩ Việt Nam, với đại diện là VCPMC, cũng là thành viên CISAC (Liên minh Quốc tế các hiệp hội của những tác giả nhạc và lời). CISAC là tổ chức quốc tế uy tín hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ quyền tác giả và hợp tác với nhiều tổ chức bản quyền trên thế giới. Nếu quy định về bảo vệ quyền tác giả của ta không nhất quán và rõ ý thì việc hội nhập quốc tế về sở hữu trí tuệ ắt gặp nhiều khó khăn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm