Thù lao của "sếp" Petrolimex dự kiến tăng 25%

Thù lao của sếp Petrolimex dự kiến tăng 25%
Năm 2013, Petrolimex vượt 2% kế hoạch năm về doanh thu, gấp hơn 2 lần so với kết quả đạt được của 2012.
Dự kiến, vào ngày 24/5 tới, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) sẽ triệu tập họp Đại hội cổ đông (ĐHCĐ) thường niên năm 2014 tại Hà Nội. Theo báo cáo quyết toán thù lao Hội đồng quản trị (HĐQT) và Ban Kiểm soát (BKS) dự kiến trình ĐHCĐ, năm 2013, tổng quỹ tiền lương và thù lao của các thành viên Hội đồng quản trị thực hiện theo phương án được Đại hội đồng cổ đông thông qua ngày 25/5/2013 là 3,18 tỷ đồng. Trong khi quỹ thù lao của thành viên BKS là 2,62 tỷ đồng.
Tại đại hội đồng cổ đông thường niên lần này, Petrolimex dự kiến trình thông qua việc chi hơn 4 tỷ đồng cho tổng quỹ tiền lương và thù lao của HĐQT năm 2014 tối đa được hưởng, và tổng thù lao của Ban Kiểm soát tối đa sẽ là hơn 3 tỷ đồng.
HĐQT của Petrolimex có 7 thành viên. Như vậy, nếu trong năm 2013, tiền lương và thù lao bình quân của mỗi Thành viên HĐQT Petrolimex là 454,3 triệu đồng/người/năm hay 37,9 triệu đồng/người/tháng thì năm 2014 sẽ tăng lên 571,4 triệu đồng/người/năm hay bình quân 47,6 triệu đồng/người/tháng.
Theo báo cáo của Ban kiểm soát (BKS), năm 2013, Petrolimex gặt doanh thu 195,93 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 2.021,1 tỷ đồng, vượt 2% kế hoạch năm và gấp hơn 2 lần so với kết quả đạt được của 2012.
Lợi nhuận sau thuế hợp nhất toàn tập đoàn đạt 1.578,9 tỷ đồng, trong đó, lợi nhuận sau thuế thuộc về tập đoàn là 1.377,9 tỷ đồng (lãi cơ bản trên cổ phiếu EPS đạt 1.288 đồng), lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông thiểu số là 201 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn điều lệ đạt 14,75%; cổ tức dự kiến chi trả từ 8-10%.
Theo đánh giá của BKS, chỉ tiêu sản lượng xăng dầu tiêu thụ năm vừa rồi của Petrolimex chỉ bằng 93% so với 2012, trong đó sản lượng bán buôn, bán tổng, đại lý giảm 8%, bán tái xuất giảm 29%, riêng sản lượng bán lẻ tăng trưởng 4% so với thực hiện 2012.
Giải trình về điều này với ĐHCĐ, Tổng giám đốc Petrolimex - ông Trần Văn Thịnh cho hay, sản lượng xuất bán xăng dầu năm 2013 giảm so với thực hiện 2012 và không đạt kế hoạch chủ yếu do nền kinh tế vẫn còn tăng trưởng thấp, hoạt động sản xuất kinh doanh của một số ngành như vận tải, xây dựng, xi măng, sắt thép, vật liệu xây dựng, bất động sản … tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nên nhu cầu sử dụng các mặt hàng điêzen và madút đều giảm.
Theo số liệu báo cáo của Bộ Công Thương, tổng sản lượng xăng dầu nhập khẩu và sản xuất từ Nhà máy Lọc dầu Dung Quất năm 2013 của cả nước đạt khoảng 14 triệu m3, tấn, giảm 5% so với 2012.
Hơn nữa, hoạt động tạm nhập tái xuất bị thắt chặt, làm cho doanh nghiệp không chỉ suy giảm sản lượng và gặp khó khăn khi thực hiện các thủ tục mà còn phải trả thêm các chi phí phát sinh, dẫn đến chi phí bán hàng bị đội lên và khó cạnh tranh trên thị trường.
Ngoài ra, số đầu mối nhập khẩu xăng dầu tăng nhanh trong năm 2013 (thêm 6 đầu mối), cùng với hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh và lượng hàng không rõ nguồn gốc đã làm ảnh hưởng đến sản lượng bán của Tập đoàn năm 2013.
Trong việc vượt 2% kế hoạch lợi nhuận, báo cáo của BKS cho biết, lợi nhuận khối xăng dầu của Petrolimex vượt 7% (đạt 1.323 tỷ đồng), lợi nhuận kinh doanh của khối công ty con chỉ đạt 81% kế hoạch và lợi nhuận kinh doanh của công ty liên kết đạt 82%. Lợi nhuận nội bộ tập đoàn đã phải loại trừ 284,2 tỷ đồng, trong đó có 483,2 tỷ đồng cổ tức lợi nhuận được chia từ công ty con và công ty liên kết.
BKS cũng cho rằng, hoạt động kinh doanh của Petrolimex còn bị chi phối bởi một số khó khăn, trong đó, mô hình tổ chức của Khối kinh doanh xăng dầu với 42 công ty TNHH MTV là pháp nhân độc lập chưa phù hợp với cơ chế quản trị kinh doanh và tài chính theo nguyên tắc tập trung, hệ thống kinh doanh chưa gọn nhẹ, linh hoạt để thích ứng với môi trường cạnh tranh.
Bộ Công thương đã có văn bản phê duyệt đề án tái cơ cấu Petrolimex, trong đó có yêu cầu Petrolimex xây dựng đề án và lộ trình cụ thể giai đoạn 2012-2015 để sắp xếp lại 42 công ty xăng dầu cho phù hợp với việc tổ chức hoạt động kinh doanh xăng dầu trong toàn tập đoàn. BKS cho rằng, Petrolimex cần tiếp tục kiện toàn, sắp xếp các phòng, ban của Tập đoàn, đảm bảo phù hợp với mô hình tổ chức mới (CTCP mẹ - con), nhằm tiết giảm lao động và tăng cường công tác quản trị an toàn, hiệu quả.
Thêm vào đó, chi phí kinh doanh xăng đầu (đồng/lít) có tiếp tục gia tăng do sản lượng tiêu thụ giảm, một số khoản phí vẫn tăng tuyệt đối. Các công ty con cổ phần kinh doanh các dịch vụ phụ trợ tính hướng nội còn cao, giá cả và chất lượng dịch vụ chưa cạnh tranh, quy mô kinh doanh và lợi nhuận có xu hướng chững lại và suy giảm do sản lượng tiêu thụ xăng dầu giảm - báo cáo BKS nhận xét.
Năm vừa rồi, Petrolimex cũng đã bắt tay thực hiện tái cấu trúc tập đoàn, đã cấu trúc và chuyển đổi 4 tổng công ty bao gồm TCT Vận tải thủy (Petrolimex), TCT Gas, TCT Bảo hiểm Petrolimex, TCT Hóa dầu. Hiện đang triển khai phương án giảm tỷ lệ sở hữu vốn Tập đoàn tại PGBank theo quy định của Chính phủ.
Theo Bích Diệp (Dân Trí)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm