Thủ tục bảo lãnh tại ngoại

Vừa qua, một xe tải thuê bị nổ bánh khiến tài xế mất lái tông vào một xe khác làm một người chết, bốn người bị thương. Gia đình tôi đã đến thăm hỏi gia đình nạn nhân, gửi chi phí 60 triệu đồng. Em tôi đang bị tạm giam để điều tra do đưa xe vào sử dụng không đảm bảo an toàn giao thông. Nay gia đình tôi muốn đứng ra bảo lãnh cho em tôi được tại ngoại thì có được không? Thủ tục và điều kiện như thế nào?

Duy Thanh Nguyen (thanhnd1981@...)

Luật sư TRẦN NGỌC QUÝ trả lời: Theo Điều 92 Bộ luật Tố tụng hình sự, bảo lãnh là biện pháp ngăn chặn để thay thế biện pháp tạm giam. Căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội và nhân thân của bị can, bị cáo, cơ quan điều tra, VKS, tòa án có thể quyết định cho họ được bảo lãnh. Cá nhân (ít nhất thì phải có hai người) có thể nhận bảo lãnh cho bị can, bị cáo là người thân thích của họ. Tổ chức có thể nhận bảo lãnh cho bị can, bị cáo là thành viên của tổ chức mình.

Khi nhận bảo lãnh, cá nhân hoặc tổ chức phải làm giấy cam đoan không để bị can, bị cáo tiếp tục phạm tội và bảo đảm sự có mặt của bị can, bị cáo theo giấy triệu tập của các cơ quan nói trên. Đồng thời, họ phải chịu trách nhiệm về nghĩa vụ đã cam đoan và trong trường hợp này bị can, bị cáo được nhận bảo lãnh sẽ bị áp dụng biện pháp ngăn chặn khác.

Cá nhân nhận bảo lãnh cho bị can, bị cáo phải là người có tư cách, phẩm chất tốt, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật. Việc bảo lãnh phải có xác nhận của chính quyền địa phương nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc. Đối với tổ chức nhận bảo lãnh thì việc bảo lãnh phải có xác nhận của người đứng đầu tổ chức.

Đối với trường hợp của em bạn, gia đình bạn có thể cử ra ít nhất hai người đáp ứng đầy đủ các yêu cầu, điều kiện nêu trên làm đơn xin bảo lãnh cho em bạn tại ngoại. Đơn xin bảo lãnh tại ngoại này phải có sự xác nhận của chính quyền địa phương nơi người bảo lãnh cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc. Đơn phải gửi đến cơ quan cảnh sát điều tra có thẩm quyền để được xem xét, giải quyết theo quy định pháp luật.

KIM PHỤNG ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm