Thuế thu nhập về chuyển nhượng nhà đất: Một mức thu để dễ thực hiện

Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) đăng trên báo Pháp Luật TP.HCMngày 22-12 được nhiều bạn đọc ủng hộ. Số đông cho rằng quy định một mức thu sẽ tạo thuận lợi cho cả cơ quan thuế lẫn người dân.

Hạn chế tùy tiện

Năm 2000, tôi mua một căn nhà với giá mua ghi trên hợp đồng công chứng là 400 triệu đồng. Cuối năm 2009, tôi bán căn nhà này với giá bán ghi trên hợp đồng công chứng là 3 tỉ đồng. Qua tham khảo nhiều nguồn, tôi được biết đối với những trường hợp không có hóa đơn, chứng từ hợp pháp để xác định các chi phí liên quan đến việc chuyển nhượng thì các cơ quan thuế đều thu 2% trên giá chuyển nhượng. Nếu được áp dụng cách thu này thì tôi chỉ phải nộp 60 triệu đồng tiền thuế. Nhưng thật bất ngờ, cơ quan thuế chỗ tôi đòi thu 25% trên chênh lệch giữa giá bán và giá mua nêu trên. Và như vậy tôi phải nộp đến 640 triệu đồng tiền thuế!

Thuế thu nhập về chuyển nhượng nhà đất: Một mức thu để dễ thực hiện ảnh 1

Theo quy định hiện hành, việc chuyển nhượng hợp đồng góp vốn mua nền, mua căn hộ phải nộp thuế thu nhập cá nhân.

Mức thu này quả là “oan uổng” đối với tôi vì trong chín năm mua nhà thì đồng vốn của tôi đã bị trượt giá rất nhiều; bản thân phải vay mượn tiền nhưng không thể kể ra với cơ quan thuế vì không phải là tiền vay ngân hàng... Nhưng do không rành rẽ đường đi nước bước, lại bị người mua thúc hối hoàn tất hồ sơ sớm nên tôi đã nhờ người quen “làm việc” lại với cơ quan thuế. Cuối cùng thì tôi được nộp 2% trên giá bán ghi trên hợp đồng công chứng, sau khi phải tốn một khoản chi phí lo liệu mà tôi không tiện nói ra vì... cũng chẳng có chứng từ gì.

Có thể tôi gặp xui xẻo với cơ quan thuế nhưng ai dám đoan chắc số người như tôi không nhiều. Vậy nên tôi rất ủng hộ với đề xuất “chỉ nên tính thuế 2% trên giá chuyển nhượng” vì hạn chế được việc vận dụng tùy tiện, góp phần làm cho hồ sơ tính thuế đơn giản hơn.

LÊ THỊ HỒNG (Quận 1)

Ai khai sai cứ chế tài

Có ý kiến cho rằng trong điều kiện nhà nước chưa quản lý, kiểm soát được số lượng nhà đất thì việc cho cá nhân tự khai chỉ có một nhà đất để được miễn thuế dễ khiến nhà nước bị thất thu. Nhưng theo tôi, lo ngại này không xác đáng. Bởi chính sách thuế hiện hành đã quy định các hình thức chế tài hành chính lẫn hình sự đối với các hành vi khai sai để trốn thuế. Chắc chắn số đông người dân đều biết việc này để có cách hành xử phù hợp. Vậy có nên vì một hai người cố ý vi phạm pháp luật để tính đến việc thay đổi, hủy bỏ một quy định miễn thuế vốn rất hợp lý, nhân đạo, ít nhất là tại thời điểm này? Câu trả lời của tôi là “không nên”.

Tuy nhiên, tôi lại muốn Bộ Tài chính nên lưu ý các địa phương không được tự đặt ra các thủ tục để hành dân trong việc miễn thuế. Như trường hợp của tôi chẳng hạn, tôi quê Hải Phòng, vợ tôi quê Dăk Lăk. Chúng tôi đang tạm trú tại TP.HCM, có mua một căn nhà tại quận nọ nhưng đang ở thuê một căn nhà tại quận khác để dễ đi làm. Khi bán nhà trên, chúng tôi bị cơ quan thuế yêu cầu phải bổ sung hai giấy xác nhận của ba nơi khác nhau: một giấy xác nhận của chủ nhà cho thuê tại TP.HCM về việc chúng tôi đang ở thuê; hai giấy xác nhận của chính quyền địa phương nơi tôi (và vợ tôi) đăng ký thường trú về việc địa chỉ nhà ghi trên sổ hộ khẩu không phải là nhà thuộc sở hữu của tôi (và của vợ tôi) (!). Không thể bỏ công ăn việc làm để về quê làm các xác nhận trên nên chúng tôi đã cố gắng nài nỉ, thuyết phục cơ quan thuế và may là cơ quan thuế cũng đồng ý du di.

Bằng mọi cách phải giản lược thủ tục để người nộp thuế được hưởng những quyền lợi từ chính sách thuế thu nhập cá nhân và cũng đỡ cực thân. Tôi xin có đôi lời gửi gắm như thế đến Bộ Tài chính.

HÀ TIẾN (Quận 12)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm