Thuê 'trai đẹp' cởi trần để bán hàng, có bị xử phạt?

Mấy ngày nay, mạng xã hội Facebook chia sẻ loạt hình ảnh tại một nhà hàng trên phố Thái Hà (Hà Nội) về dàn “trai đẹp” cởi trần để quảng cáo đồ ăn. Đây được cho là mốt ăn theo mùa nắng nóng đang cực điểm ở Hà Nội.

Cởi trần bán thịt, cắt tóc

Theo đó, một loạt thanh niên được nhà hàng này thuê để làm PG (nghề hoạt náo viên quảng bá sản phẩm). Đa số các chàng trai đều có vẻ ngoài ưa nhìn, cơ bụng sáu múi và để gây sự chú ý, tất cả đều cởi trần.

Những thanh niên này được vẽ ba chữ “Đây là sườn” lên bụng, sau đó cầm đĩa sườn để quảng cáo hoặc nướng sườn trực tiếp trên bàn ăn cho thực khách.

Dàn "trai đẹp" được thuê để quảng cáo sản phẩm sườn của cửa hàng.

Tương tự, cách quảng cáo sản phẩm này cũng được một salon tóc trên đường Cầu Giấy (Hà Nội) áp dụng.

Đoạn clip được cho là do cửa hàng này đăng tải cho thấy các khách hàng nữ tới tiệm để làm tóc được dàn nhân viên “trai đẹp” cởi trần mở cửa đón tiếp rất nhiệt tình.

Ngay khi đăng tải, những hình ảnh trên nhanh chóng thu hút sự chú ý của cư dân mạng. Nhiều bạn, đặc biệt là nữ giới tỏ ra vô cùng thích thú với loại hình quảng cáo này. Trên nhiều diễn đàn, các tài khoản Facebook nữ tấp nập rủ nhau tới những địa điểm này để trải nghiệm.

Tuy nhiên, bên cạnh sự thích thú, không ít ý kiến bày tỏ sự phản đối cách quảng cáo trên. Theo họ, hành vi này khá phản cảm, không hợp thuần phong mỹ tục của Việt Nam. Liệu hình thức quảng cáo này có vi phạm quy định pháp luật?

Rất khó xử lý

Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, luật sư Trần Tuấn Anh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng hành vi sử dụng dàn “trai đẹp” cởi trần để quảng cáo của các cửa hàng không vi phạm pháp luật.

Theo luật sư, rất khó để xử lý vi phạm đối với cách quảng cáo này.

Theo luật sư Tuấn Anh, nếu muốn xử lý hành chính đối với hành vi này thì cơ quan chức năng phải chỉ ra được tính phản cảm, sự xâm hại đến đạo đức, thuần phong mỹ tục của nó chứ không thể nói chung chung, định tính và chạy theo dư luận để xử phạt. Và trong trường hợp này, không thể nói đây là hành vi ăn mặc phản cảm, trái thuần phong mỹ tục được.

“Quan điểm của tôi là hãy để tự người tiêu dùng đánh giá về hiệu quả của cách làm đó, cái gì thuộc về thị trường, thị hiếu thì phải để thị trường tự điều tiết. Chúng ta không phải lúc nào cũng chăm chăm xử phạt, dẫn tới làm thui chột đi các ý tưởng kinh doanh, marketing sáng tạo và làm mất đi sự đột phá trong kinh doanh…” - luật sư Tuấn Anh nói.

Tuy nhiên, theo vị luật sư này, cách quảng cáo như trên chỉ phù hợp trong một số môi trường nhất định, với một số sản phẩm dịch vụ mang tính giải trí, tiêu khiển và với thị hiếu của một bộ phận người.

Việc sử dụng nó như một phương pháp thu hút người dùng cũng cần phải cân nhắc, nếu các cửa hàng đua nhau làm có thể sẽ phản tác dụng. Đối với những sản phẩm, dịch vụ cần đòi hỏi sự nghiêm túc, đứng đắn thì cách làm này không thể sử dụng, nếu cố áp dụng rất có thể dẫn đến sự tẩy chay của chính người tiêu dùng.

Trước đây, Nghị định 73/2010 quy định xử phạt từ 60.000 đến 100.000 đồng đối với hành vi không mặc quần, áo hoặc mặc quần áo lót ở nơi hội họp đông người, các địa điểm văn hóa, tín ngưỡng, nơi làm việc của các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội.

Tuy nhiên, vì gặp nhiều phản ứng từ dư luận, Nghị định 167/2013 thay thế nghị định nói trên đã bỏ quy định này.

Đầu năm nay, Sở Văn hóa và Thể thao TP Hà Nội cũng đã lấy ý kiến người dân về dự thảo Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn TP. Đáng chú ý, dự thảo quy định người dân “không nên mặc trang phục hở hang không phù hợp thuần phong mỹ tục, gây phản cảm”, nếu vi phạm sẽ bị nhắc nhở, phê bình công khai trên báo chí. Quy định này gây nhiều tranh cãi trong dư luận sau đó. Đa phần không đồng tình với việc bêu tên những người ăn mặc hở hang nơi công cộng vì như thế là sai luật vì chuyện này không nằm trong quy định về "Những hành vi được công bố công khai" theo Điều 72 Luật Xử lý vi phạm hành chính. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm