Thượng đế xứ người, bị chặt chém xứ ta

1. Ngày trước tôi nghĩ chặt chém, nói thách có lẽ là do văn hóa hàng rong của mình phổ biến quá, không thể quản lý nổi. Nhưng thật ra nhà hàng, quán ăn cũng chặt chém và mức độ còn kinh hơn hàng rong. Ngẫm lại, những nước tôi đã đến, trừ những mặt hàng lưu niệm hay quần áo, mũ nón... có chuyện nói thách chút chút, riêng trong ăn uống thì tôi chưa từng thấy, chưa từng bị bán giá cao hơn người khác, kể cả hàng rong, vỉa hè.

Văn hóa mua bán ở ta thua xa các láng giềng. Thử ở Việt Nam, đi xem mà không mua hàng vào buổi sáng sẽ biết, nhẹ nhàng thì người bán sẽ kêu ca phàn nàn, nặng hơn thì lườm nguýt, đốt phong long, thậm chí chửi rủa… Tiếng “cảm ơn”, “xin lỗi” và nụ cười ở nhiều nơi, nhiều người dường như quá khó khăn, như thể khách hàng tới mua là làm phiền họ vậy. Lại còn tình trạng phân biệt đối xử giữa người nhìn có vẻ giàu với người nhìn có vẻ nghèo, giữa khách trong nước và khách nước ngoài. Không biết thói đanh đá, ép khách, xem thường người mua thay vì biết ơn, nhã nhặn để lần sau người ta còn tìm đến từ đâu ra?

Tác giả bên quầy hàng rong Dharamsala, miền Bắc Ấn Độ với món bánh momo nổi tiếng. Ảnh: CT

2. Người dân những nước xung quanh như Thái, Lào, Campuchia, Myanmar… để lại ấn tượng khá đẹp đối với du khách. Có lần tôi ghé ngôi chợ nổi tiếng bán đá quý ở Yangon (Myanmar). Trong túi chỉ còn vài đồng lẻ, tôi “táy máy miệng mồm” hỏi có thể mua chiếc nhẫn không, dù trong lòng biết là không thể. Chị chủ cửa hàng xem mấy tờ tiền tôi cầm rồi bật cười, bảo tiền ấy ít lắm. Tôi bước đi thì chị gọi lại, bảo sẽ bán cho tôi một chiếc nhẫn nhỏ bằng đá màu xanh và chị đưa vài chiếc cho tôi chọn. Chiếc nhẫn ấy sau này tôi lỡ tay làm nứt nhưng vẫn giữ hoài, như giữ một kỷ niệm đẹp về sự dễ thương của con người nơi ấy.

Ngay cả Ấn Độ, xứ sở “nổi tiếng” mất an toàn, tôi cũng gặp nhiều điều khiến mình phải thay đổi suy nghĩ. Hôm đó tôi loay hoay đi kiếm chiếc xe buýt đi từ bến xe khu vực sát biên giới Nepal về Siliguri. Miền này nắng nóng kinh khủng, người chen chúc, phần đông trông nghèo khổ. Một anh bán trái khóm dạo, đội mâm trên đầu, nhiệt tình dẫn tôi đến xe, đỡ giùm ba lô... Tôi giữ tinh thần cảnh giác cao độ rằng coi chừng mình bị “đứt cổ” sau tiết mục giúp đỡ này nếu mua hàng, bèn từ chối sự hỗ trợ nhưng… vẫn tò mò hỏi giá. Anh vẫn nhiệt tình tìm chỗ ngồi cho tôi và bảo một gói trái khóm giá 10 rupees (khoảng 3.500 VND) rồi bảo không ép mua đâu, không phải lo. Nói là giữ lời, anh nhảy khỏi xe sau khi bắt tay tôi và nói “chúng ta là bạn”. Tôi cứ cảm giác như mình có lỗi...

Dharamsala, thị trấn nhỏ xíu ở miền Bắc Ấn, thủ phủ của người Tây Tạng lưu vong, nơi đức Dalai Lama thứ XIII đang sống là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất của thế giới, khách đổ về nườm nượp. Có gian hàng nọ, tôi bước vào lục tung quầy hàng, đội mấy chục cái mũ nhưng không chọn được cái nào ưng ý. Sau đó, tôi mua được mũ ở quầy khác. Đội cái mũ mới, tôi ngại ngần đi ngang qua quầy hàng cũ, không ngờ anh bán hàng vẫy tay chào tíu tít: “Hello my friend, Vietnamese!”. Nhà hàng nào ở Nepal, Ấn Độ (ít nhất là những vùng, những nơi tôi đã đi qua) đều niêm yết giá và chưa lần nào tôi phải ôm cục tức ở đây. Kể cả những người bán hàng rong từ bến xe cho đến dọc đường, họ bán hàng cho người bản xứ ra sao thì bán cho tôi hệt như thế.

3. Nói dông dài để thấy quan trọng là văn hóa trong mua bán, giao đãi với du khách. Rồi sẽ có người bảo nước ngoài cũng có nói thách vậy, đâu phải chỉ ở ta. Có lẽ cần có sự phân biệt giữa chặt chém và nói thách. Chặt chém là đưa khách vào thế đã rồi, chẳng hạn ăn xong mới té ngửa vì tô phở 300.000 đồng trong khi chất lượng như vậy chừng 100.000 đồng; mua hàng bị cân thiếu mà giá cả lại cao hơn bán cho người địa phương... Còn nói thách là việc báo giá bán cao hơn bình thường. Đó chả phải là điều tốt nhưng ít ra khách biết được giá bán ngay từ đầu và có quyền quyết định mua hay không, có thể trả giá, thuận mua vừa bán. Ít ra nó không làm du khách khiếp sợ như bị chặt chém. Và ở những nơi tôi đã đến, họ không nói thách ngút trời như ở ta.

Bạn chỉ có thể chặt chém người mua được một lần hoặc nói thách quá đáng khiến người ta hớ hàng chỉ một lần. Nguy hiểm nhất là cách bạn buôn bán lọc lừa như thế tạo thành ấn tượng chung “điểm đó, chợ đó, đường đó, tỉnh đó... bán hàng ghê lắm”. Người ta đã quá sợ Sầm Sơn, e ngại Hạ Long, ớn Vũng Tàu... Thậm chí Sài Gòn cũng không tránh khỏi. Cô bán bánh ướt dạo ở quận 1 kể với tôi: “Khách nước ngoài giờ cẩn thận lắm, hỏi giá trước khi mua, đưa tiền ra kiểm khi trả và khi nhận lại tiền thừa vì sợ bị hớ”. Cô bảo họ rút kinh nghiệm từ những gánh dừa bán dạo. Thấy khách nước ngoài đến là choàng gánh hàng qua cho họ chụp ảnh rồi ép họ mua dừa giá 200.000 đồng/trái. Nghe đau không? Chạnh lòng không?

Nạn chặt chém, thô lỗ với du khách ở ta vẫn nhiều như thế, làm sao có thể tự hào nói rằng: “Việt Nam tôi thân thiện lắm, mến khách lắm, yên bình lắm”?

Tôi “bầm dập” với chặt chém và nói thách

Năm 2015, tôi đến TP.HCM một lần và kinh nghiệm xương máu đầu tiên của tôi là taxi. Taxi đưa tôi từ sân bay về khách sạn ở quận 10 chỉ gần 100.000 đồng. Nhưng khi tôi có việc cần quay trở lại sân bay, khách sạn gọi giúp một chiếc khác, cũng đoạn đường đó nhưng tôi phải trả 300.000 đồng. Lúc này tôi mới để ý đồng hồ xe không hiện số. Tôi hỏi nhưng anh tài xế ra hiệu không biết tiếng Anh.

Đầu năm 2016, tôi quay trở lại TP.HCM. Điều này lặp lại. Có một người giúp tôi xếp hành lý lên taxi. Từ sân bay về khách sạn quận 1, tài xế lấy của tôi 400.000 đồng. Nhưng khi tôi quay lại sân bay cùng với một người bạn Việt Nam, cước phải trả chỉ 100.000 đồng.

Thượng đế xứ người, bị chặt chém xứ ta ảnh 2

 Du khách Charles Batts trong lần du lịch Việt Nam.

Khách sạn của tôi gần chợ Bến Thành. Tôi đã đọc được nhiều thông tin về ngôi chợ này trên mạng nên muốn đi mua sắm ở đó. Tôi cẩn thận hỏi kinh nghiệm từ các bạn Việt Nam trước khi đi mua vài chiếc áo thun làm kỷ niệm. Bạn tôi cho biết áo thương hiệu PT-2000 chỉ hơn 200.000 đồng/cái . Vậy mà người bán ở chợ trên hét giá 500.000 một cái áo thun bình thường, không có thương hiệu. Tôi hỏi tại sao chiếc áo này đắt hơn áo thun trong showroom nhiều vậy, người bán hàng bèn bán cho tôi với giá 200.000 đồng. Nhưng nhiều người nước ngoài khác đã mua với giá gấp vài ba lần.

Khi đi du lịch, tôi không muốn vào các siêu thị hay các showroom. Việc đi tham quan các khu chợ cho tôi biết rất nhiều về cuộc sống người dân ở đó. Nhưng ở Việt Nam, hễ người nước ngoài vào chợ là bị chặt chém.

Theo bạn bè đi đến một số vùng ngoại thành, bị người bán nước mía tính 20.000 đồng/ly, tính tiền đồ ăn gấp đôi bình thường. Khi tôi đi bộ trên phố và mua dừa từ hàng rong, họ bán cho tôi đến 50.000 đồng/trái. Các loại trái cây khác luôn đắt gấp đôi, gấp ba giá bán cho người Việt...

HỒNG MINH
(ghi theo lời du khách Charles Batts,
New York, Mỹ)

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Ra quân bắt chó thả rông, không rọ mõm

Ra quân bắt chó thả rông, không rọ mõm

(PLO)- Đội bắt chó thả rông của UBND phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức, TP.HCM tiếp tục ra quân bắt giữ chó thả rông, không rọ mõm, xử phạt thêm nhiều trường hợp chủ nuôi vi phạm.

TP.HCM đề xuất quản lý chó, mèo: Hợp lý!

TP.HCM đề xuất quản lý chó, mèo: Hợp lý!

(PLO)- Chủ nuôi chó, mèo phải đáp ứng điều kiện nuôi để chính quyền dễ quản lý, giảm tình trạng một nhà nuôi số lượng lớn làm ảnh hưởng đến các hộ dân xung quanh.