Tịch thu xe đua: Quyền đã có sao còn đòi?

Nhiều bạn đọc thắc mắc: Đọc báo thấy hết người đứng đầu cơ quan này đến lãnh đạo cơ quan nọ lần lượt kiến nghị tịch thu xe đua trái phép. Vậy pháp luật hiện hành quy định sao về việc xử lý xe đua? Nếu đã có biện pháp tịch thu thì tại sao còn kiến nghị?...

Trước đây, Nghị định 146/2007 của Chính phủ (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ) đã cho phép các cơ quan thẩm quyền tịch thu xe đua trái phép. Theo khoản 5 Điều 38 nghị định này, ngoài việc bị phạt tiền (từ 10 triệu đến 20 triệu đồng), người đua xe trái phép còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép lái xe không thời hạn và tịch thu xe.

Nay Nghị định 34/2010 của Chính phủ (thay thế Nghị định 146/2007) cũng tiếp tục cho phép tịch thu xe đua trái phép. Khoản 6 Điều 37 nghị định này cũng quy định ngoài việc bị phạt tiền ở mức nêu trên, người đua xe còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe không thời hạn và tịch thu xe.

Tịch thu xe đua: Quyền đã có sao còn đòi? ảnh 1

Một cảnh tụ tâp cổ vũ cho các quái xế đua xe ở TP.HCM. Ảnh: Phạm Dũng

Như vậy, khi quy định đã có thì kiến nghị “tịch thu xe đua” là hoàn toàn không cần thiết. Vướng mắc lớn ở thời điểm này chính là cách xác định “thế nào là đua xe trái phép”. Theo các địa phương có nhiều vụ đua xe trái phép như TP.HCM, Bà Rịa-Vũng Tàu, “đua xe trái phép là phải có hai yếu tố: có điểm xuất phát, đích đến; có cá cược”. Nhiều khả năng cách hiểu này không đúng vì các cơ quan công an không viện dẫn được cơ sở pháp lý, trong khi đó các cơ quan pháp luật khác như VKS, tòa án khẳng định không có hướng dẫn nào nêu như thế. Dường như biết được lắt léo này nên trong nhiều vụ có dấu hiệu đua xe, các đối tượng thường chối đây đẩy “không có bàn bạc gì trước, chỉ chạy theo cho vui; không có ăn tiền ăn bạc gì cả...”. Thế là các cơ quan công an chỉ có thể xử phạt hành chính về những lỗi hiển hiện như đánh võng, lạng lách, biểu diễn... mà các hành vi này thì không bị pháp luật tịch thu xe.

Xung quanh việc xử lý hành vi đua xe trái phép còn có hai quan điểm khác nhau đang gây ra nhiều tranh cãi: đó là sung công hay phải tiêu hủy xe đua. Dẫn đầu “cánh” sung công có Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Quý Ngọ; “cánh” tiêu hủy thì có Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng. Dẫu chưa rõ thế nào nhưng nhiều người vẫn đánh giá Bộ trưởng Đinh La Thăng “quyết liệt, có cá tính”...

Cần lưu ý là việc bán nhiều loại tài sản bị tịch thu do vi phạm hành chính để sung quỹ Nhà nước đang là cách làm theo quy định hiện hành. Khi không xác định được có hành vi đua xe trái phép để tính chuyện tịch thu thì e rằng việc bàn tiếp tục sung công hay nên tiêu hủy cũng huề trớt!

Sửa luật để dễ triệt đua xe trái phép

Về hành chính: Ngoài hình thức tước giấy phép lái xe không thời hạn và tịch thu xe như hiện hay thì cần tăng gấp đôi mức phạt tiền (tức tăng thành 20 triệu đến 40 triệu đồng).

Về hình sự: Ngoài các thiệt hại về sức khỏe, tài sản của người khác, đối tượng đua xe trái phép có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 207 BLHS nếu gây ra các hậu quả khác như gây ách tắc, cản trở giao thông hoặc gây mất trật tự công cộng.

(Kiến nghị của Thành ủy TP.HCM nhân tổng kết tám năm thực hiện Chỉ thị 22 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông)

Luật sư Trần Công Ly Tao

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm