Tiếc gì một lời xin lỗi!

Theo báo chí, vài ngày sau khi lệnh cấm sản xuất mắm tôm được ban ra, chỉ riêng tại Hà Nội có khoảng bảy tấn mắm tôm bị tịch thu và phân nửa số đó đã được đưa đi tiêu hủy. Tại một doanh nghiệp, một đơn hàng xuất 300 thùng mắm đi Úc bị hủy, các giao dịch khác trong nước bị đình lại. Ở các địa phương khác có nhiều làng nghề mắm tôm như Thanh Hóa, Nghệ An..., dân làm mắm sống dở chết dở.

Theo luật định, người nào có lỗi (vô ý hoặc cố ý) xâm phạm tài sản của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường. Trên thực tế, Bộ Y tế đã có lỗi khi ra một quyết sách gây thiệt hại cho rất nhiều cơ sở làm mắm tôm. Lẽ ra phải bồi thường cho các “nạn nhân” theo đúng nguyên tắc nhưng bộ này đang “phủi tay” với nhiều lý lẽ thiếu thuyết phục. Trả lời phỏng vấn của một tờ báo, ông Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), đã rằng thì là nếu mắm tôm tiếp tục lưu hành thì dịch tiêu chảy cấp có thể còn nặng nề hơn. Việc cấm sử dụng mắm tôm cũng tương tự như việc cấm sử dụng vắc-xin do liên quan đến tai biến khiến một số bệnh nhi đã chết. Rằng thì là nhiều cơ sở sản xuất mắm tôm không công bố tiêu chuẩn sản phẩm; các cơ sở có giấy chứng nhận bảo đảm các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm chưa chắc đã chịu bồi thường cho người tiêu dùng nếu mắm không đạt chất lượng, gây ra nhiều bệnh tật có liên quan (!).

Theo Bộ Y tế, việc cấm mắm tôm để chặn dịch là nhiệm vụ, sứ mệnh phải làm. Không ai phủ nhận xuất phát điểm này nhưng khi đã rõ mười mươi đó là một quyết định thiếu chính xác, gây thiệt hại lớn cho hàng ngàn hộ dân, bộ này buộc phải tính sao cho phải lẽ. Có thể bộ này (và nhiều cơ quan nhà nước khác) chưa quen và cũng chưa có cơ chế thực hiện việc bồi thường thiệt hại cho người dân. Nhưng còn một lời xin lỗi những người đã bị vạ lây theo đúng phép lịch sự tối thiểu có khó gì đâu mà người đứng đầu Bộ lại không làm?

Nguyễn Văn Thức (Xã Phong Phú, huyện Bình Chánh)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm