Tiền đất cao quá, dân đóng không nổi

Mấy ngày nay, các báo nói rất nhiều về việc Nhà nước thu tiền sử dụng đất gấp bốn, năm lần giá đất Nhà nước quy định nên người dân không có tiền đóng. Sự việc “nóng” đến nỗi Thành ủy TP.HCM phải yêu cầu các ban ngành chức năng giải trình và chỉ đạo ngay hướng giải quyết. Vậy là tới đây nhiều người sẽ được giảm phần nào gánh nặng về tiền sử dụng đất khi xin cấp giấy chủ quyền nhà đất hoặc xin chuyển mục đích sử dụng đất để xây nhà ở. Cảm ơn UBND TP.HCM đã tháo gỡ một vướng mắc dằng dai tuy có hơi muộn.

Câu chuyện của tôi cũng nói về tiền sử dụng đất nhưng ở một góc độ khác. Tôi muốn các cơ quan nhà nước hiểu rằng tiền sử dụng đất, cho dù thu theo hệ số hay thu theo giá Nhà nước vẫn là một gánh nặng đối với người lao động chúng tôi.

Tiền đất cao quá, dân đóng không nổi ảnh 1

Khi xin cấp giấy chủ quyền nhà đất, tiền sử dụng đất là một gánh nặng đối với nhiều người dân. Ảnh: HTD

Tôi có một căn nhà ở mặt tiền đường Phạm Thế Hiển đã có “giấy trắng” vào năm 1989. Năm 1999, tôi mua thêm khoảng 90 m2 đất nông nghiệp sau nhà với dự tính sẽ chuyển sang đất ở để xây rộng căn nhà hiện tại nhằm có chỗ sinh hoạt rộng rãi hơn. Do bận bịu buôn bán nên mãi đến đầu năm 2013, tôi mới làm thủ tục chuyển mục đích sử dụng lô đất, đồng thời xin cấp giấy chủ quyền mới cho căn nhà. Khi làm thủ tục, nghĩ đất của mình nằm trong hạn mức nên tôi ước tính tiền sử dụng đất chỉ khoảng 100 triệu đồng. Bấy giờ, tôi sẽ dùng số tiền tích lũy lâu nay của gia đình để đóng, nếu thiếu thì vay thêm chút ít là đủ trả.

Đến chừng nhận thông báo đóng tiền sử dụng đất, tôi không tin vào mắt mình khi đó là con số hơn 720 triệu đồng. Đây là tiền sử dụng đất khi tôi được phép chuyển mục đích sử dụng gần 90 m2 đất nông nghiệp thành đất ở (riêng phần đất có căn nhà được tính tiền sử dụng đất bằng 0). Tôi không ngờ giá của “giấy khai sinh” cho mảnh đất của tôi cao quá mức như vậy.

Sau khi bàn tính nát nước với người thân, tôi quyết định… xin hủy giấy chủ quyền, xin UBND quận 8 trả lại “giấy trắng” căn nhà cũ. Thế nhưng UBND quận không chấp thuận với lý do giấy mới đã cấp, giấy cũ đã hủy. Tôi rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan.

Đáng nói là thông báo thuế của cơ quan thuế ghi rõ “nếu quá 30 ngày mà không đóng thuế thì phải chịu mức phạt 0,05% trên số tiền hơn 720 triệu đồng cho một ngày chậm nộp”. Không còn cách nào khác, tôi buộc phải làm thủ tục xin ghi nợ tiền sử dụng đất và như thế số tiền trên 720 triệu đồng sẽ được giữ nguyên trong vòng năm năm. Nghe đơn giản vậy nhưng nghĩ đến đoạn trường trả nợ mà lòng tôi thấy đắng cay làm sao. Trong năm năm tiếp theo, tôi làm gì kiếm ra số tiền 720 triệu đồng để trả cho Nhà nước? Sau năm năm thì số tiền này sẽ được tính lại, chắc chắn là tăng chứ không thể giảm, tiền đâu đóng? E là chỉ còn cách bán nhà đang ở, mua một căn nhà khác nhỏ hơn trong hẻm để có tiền trả nợ cho Nhà nước, kế nữa là bỏ công việc buôn bán ở trước nhà, đi làm mướn kiếm sống qua ngày.

Hiện tôi đã có thông báo nhận giấy chủ quyền nhà đất nhưng tôi xin tạm gửi giấy cho UBND phường. Nghe nói nhiều người cũng làm giống tôi để thể hiện nỗi bức xúc do phải đóng một lần tiền sử dụng đất quá cao.

Ngoài việc giảm hệ số tiền sử dụng đất như đã nêu ở trên, Nhà nước còn cách nào giảm tiền sử dụng đất để cứu những gia đình như chúng tôi hay không? Nhà nước có thể cho chúng tôi được trả chậm, trả dần để số tiền nợ không tăng lên sau năm năm hay không?

NGUYỄN THỊ ÚT MƠ (Quận 8)

Nên bỏ quy định thu tiền sử dụng đất

Đây là một trong những ý kiến góp ý dự thảo Luật Đất đai sửa đổi mà ông Đào Anh Kiệt, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, đã phát biểu vào tháng 3-2013. Theo ông Kiệt, việc thu nghĩa vụ tài chính về đất đai một lần khi cấp giấy chủ quyền hoặc chuyển mục đích sử dụng đất của người dân là quá cao. Từ chỗ nhiều người không có tiền để đóng, Nhà nước không thể khuyến khích người dân đăng ký đất đai đang sử dụng. Điều này không có lợi cho nguồn thu ngân sách.

Ông Kiệt đề nghị Nhà nước nên thay khoản thu tiền sử dụng đất bằng một sắc thuế đánh vào người sử dụng đất. Nhà nước giao đất không thu tiền nhưng thu thuế sử dụng đất hằng năm. Mức thuế sẽ tăng lũy tiến theo diện tích và số lượng nhà đất. Người nào đang “ôm” nhiều nhà đất sẽ phải đóng thuế cao, ngược lại những người chỉ có một căn nhà duy nhất, diện tích vừa đủ ở thì không phải đóng nhiều tiền. Quan trọng là số thu này rải đều ra hằng năm, người dân không phải đóng một lần nên không tạo thành gánh nặng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm