“Tôi đã thấu hiểu nỗi vất vả tuyến đầu”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tôi đã từng hình dung rất nhiều về không khí ở bệnh viện (BV) dã chiến điều trị COVID-19 nhưng chỉ đúng một phần rất nhỏ.

Không khí làm việc ở đây thực sự rất khẩn trương, quyết liệt, nắm lấy từng cơ hội mong manh nhất để cứu bệnh nhân (BN).

Còn 1% cơ hội cũng phải nắm lấy

 Tôi sinh sống và học tập tại TP.HCM được bốn năm. Khoảng thời gian này đủ để tôi yêu TP này và sẵn sàng cống hiến khi TP cần.

Công việc cụ thể của tôi tại BV dã chiến Tân Bình là hỗ trợ điều trị, chăm sóc các BN nặng ở Khoa hồi sức tích cực của BV. Khi tiếp xúc thực tế, tôi rất bất ngờ và cảm thấy thương cho các y bác sĩ và BN.

Tôi thương các BN phải chiến đấu với căn bệnh mà không có người thân bên cạnh. Họ không thể tự ăn cũng như vệ sinh cho bản thân. Tất cả đều phải nhờ hết vào đội ngũ y tế và các tình nguyện viên. Nhìn những máy móc hỗ trợ sự sống chằng chịt trên cơ thể họ, tôi xót xa vô cùng.

Thương BN, tôi giúp họ ăn uống, đút từng muỗng cháo, thay tã, ga giường... Những F0 chỉ nằm một chỗ, không thể ăn uống thì tôi giúp họ truyền thức ăn qua ống, theo dõi huyết áp, nồng độ ôxy…

Với những F0 lớn tuổi, nhân viên y tế và tình nguyện viên phải hết sức nhẫn nại, xem họ như người thân thì mới đủ tình thương, bao dung mà chăm sóc.

Vài ngày trước, tôi bị một BN cằn nhằn với lý do hết sức nhỏ. Đó là chai nước họ đã sử dụng lâu ngày, tôi sợ nhiễm khuẩn nên đem bỏ. Trong lúc chờ chai mới, tôi cho họ uống nước bằng ly. Thế nhưng họ phản đối và nằng nặc đòi uống bằng chai. Chưa có kinh nghiệm, tôi khá lúng túng, không biết phải giải thích thế nào nên chỉ biết im lặng.

Tôi chọn im lặng bởi lúc giao việc, các điều dưỡng của BV dặn dò: “Phải thông cảm cho BN, bệnh này chuyển nặng sẽ rất mệt. Dù BN chỉ còn 1% cơ hội sống sót thì chúng ta cũng phải nắm lấy để cứu họ”.

Huỳnh Khang tham gia lấy mẫu tầm soát cộng đồng. Ảnh do nhân vật cung cấp

Đội ngũ y tế rất vất vả

Nếu hỏi tôi câu chuyện cảm động nhất ở phòng hồi sức tích cực thì tôi sẽ nói ngay: “Các BN đã ổn định”. Để nói được câu đó, đội ngũ y tế tại phòng hồi sức tích cực nói riêng và cả BV nói chung đã vất vả đến mức không ngôn từ nào có thể diễn tả. Vào đây làm việc, tôi mới thấu hiểu nỗi vất vả của các y bác sĩ tuyến đầu chống dịch.

Phòng hồi sức tích cực có khoảng 10 BN nằm điều trị. Tất cả đều có triệu chứng rất nặng. Môi trường làm việc cũng vì thế mà rất căng thẳng. Đội ngũ y tế đều rất bận rộn, hiếm khi ngồi lại nói với nhau vài câu. Họ túc trực theo dõi rất sát tình hình của từng BN. Mặc dù áp lực công việc đè nặng nhưng họ luôn giữ vững tinh thần.

Mọi tình huống cấp thiết đều lấy quyết tâm “đưa chỉ số tử vong xuống mức 0” làm kim chỉ nam. Một ca bệnh nguy kịch, các bác sĩ, điều dưỡng đều có mặt, bằng mọi cách cứu lấy BN. Trong phòng hồi sức, hết BN này trở nặng đến BN khác nguy kịch, đội ngũ y tế cứ thế làm việc, không một tiếng than vãn, chỉ có không khí khẩn trương hiện diện mọi ngõ ngách.

BV dã chiến Tân Bình được dựng lên từ nhà thi đấu thể thao, không có hành lang để nghỉ ngơi… Bất kỳ nơi nào của BV cũng ẩn chứa nguy cơ nhiễm bệnh. Một khi đã vào ca trực thì chỉ có di chuyển, làm việc và tập trung trong bộ đồ bảo hộ.

Mỗi ca trực kéo dài 7 tiếng đồng hồ. Đội ngũ y tế và tình nguyện viên không ăn uống, đi vệ sinh, nghỉ ngơi… trong suốt ca trực. Ca trực sẽ được xoay đổi liên tục. Trực đêm chắc chắn sẽ mệt hơn và nhiều cảm xúc lẫn lộn. Trong phòng bệnh, chỉ có sự im lặng mới giúp BN tập trung thở. Bất kỳ một tiếng động, một câu nói khó nghe đều có thể khiến công sức của cả tập thể trở nên vô ích.

Sau vài ngày làm tình nguyện viên tại BV, tôi đã chứng kiến cảnh một BN ra đi mãi mãi. BN này cũng đã lớn tuổi. Các bác sĩ cũng đã tận tâm, hết lòng cứu chữa nhưng điều không mong muốn vẫn xảy ra. Trong giây phút cuối cùng của cuộc đời, họ cũng chỉ có bác sĩ ở cạnh bên. Chứng kiến cảnh tượng đau lòng, đội ngũ y tế động viên nhau phải nén đau thương, tiếp tục nhiệm vụ, còn nhiều người đang chờ ở phía trước.

NGỌC LÀI ghi

Làm tình nguyện viên để trả ơn cho các y bác sĩ đã điều trị cho mình

Cuối tháng 6-2021, bạn Huỳnh Khang (sinh năm 1999, ở phường Tân Phú, TP Thủ Đức, TP.HCM) hoàn thành chương trình học ngành công tác thanh thiếu niên tại Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam thì dịch bệnh COVID-19 bùng phát tại TP.HCM.

Với nhiệt huyết tuổi trẻ, Khang đã đăng ký làm tình nguyện viên nhập liệu tại phòng lab xét nghiệm COVID-19 dã chiến của một BV quốc tế. Trong thời gian này, Khang không may nhiễm bệnh.

Sau thời gian điều trị, ngày 28-8, Khang đã tình nguyện làm việc tại BV dã chiến điều trị COVID-19 đa tầng quận Tân Bình (BV dã chiến Tân Bình). Bạn Huỳnh Khang đã có cuộc trao đổi, chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM về thời gian bạn đã và đang trải qua trong các BV dã chiến.

 "Đến thời điểm hiện tại, tôi cảm thấy công việc tình nguyện viên là việc đáng để phải làm. Tuy có mệt đôi chút, có nhớ nhà, nhớ người thân nhưng tôi cảm thấy rất vui. Tôi xem công việc này như một sự cám ơn đối với sự hy sinh thầm lặng mà các y bác sĩ và điều dưỡng đã từng điều trị cho mình" - Khang chia sẻ. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm