Cách sử dụng đúng đèn chiếu xa để không bị xử phạt

Tôi thấy cả ô tô và xe máy đều có hai chế độ đèn pha và cốt. Xin hỏi, cách sử dụng hai chế độ này sao cho đúng để không bị CSGT sử phạt?

Bạn đọc Nguyễn Thùy Dung (dungthuy…@gmail.com)

Luật sư Trịnh Ngọc Hoàn Vũ, Đoàn Luật sư TP.HCM, trả lời: Theo điểm d khoản 1 Điều 53 Luật Giao thông đường bộ 2008, một trong những điều kiện tham gia giao thông của xe cơ giới là phải có đủ đèn chiếu sáng xa (đèn pha) và đèn chiếu gần (đèn cốt).

Đèn pha là đèn chiếu xa có cường độ ánh sáng mạnh, chiếu xa hơn và tầm nhìn cao hơn, giúp người điều khiển xe thấy được chướng ngại và các biển báo từ xa.

Chế độ đèn này sử dụng khi đi đường trường, cao tốc nhưng nhiều người do không hiểu biết hoặc do cố tình muốn gây chú ý nên đã sử dụng sai trong nội thành gây lóa mắt, mất tầm nhìn cho các xe đi ngược chiều, dẫn đến nguy hiểm.

Theo khoản 12 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ năm 2008, nghiêm cấm người điều khiển xe cơ giới sử dụng đèn chiếu xa trong đô thị và khu đông dân cư, trừ các xe được quyền ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định.

Đồng thời, khoản 3 Điều 17 luật này cũng quy định xe cơ giới đi ngược chiều gặp nhau không được dùng đèn chiếu xa.

Hành vi bật đèn pha sai quy định bị xử phạt theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP như sau:

- Đối với người điều khiển xe ô tô: Phạt 600.000-800.000 đồng nếu sử dụng đèn pha trong đô thị, khu đông dân cư hoặc sử dụng đèn pha khi tránh xe ngược chiều (điểm g khoản 3 Điều 5).

- Đối với người điều khiển xe máy: Phạt 60.000-80.000 đồng nếu sử dụng đèn pha khi tránh xe ngược chiều (điểm g khoản 1 Điều 6); phạt 80.000-100.000 đồng nếu sử dụng đèn chiếu xa trong đô thị, khu đông dân cư (điểm e khoản 2 Điều 6).

Như vậy, người điều khiển cơ giới không được bật đèn pha trong đô thị, khu đông dân cư, khi tránh xe ngược chiều.

Về đèn cốt là đèn chiếu gần, góc chiếu thấp giúp người lái xe quan sát được tình trạng mặt đường trong phạm vi gần, sử dụng khi lái xe tốc độ chậm, trong nội thành, khu dân cư.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Tạo hiện trường giả tự tử có vi phạm pháp luật?

Tạo hiện trường giả tự tử có vi phạm pháp luật?

(PLO)- Trường hợp người có hành vi dựng hiện trường giả vụ tự tử mà không nhằm mục đích như thủ đoạn phạm tội nhưng lại gây mất trật tự tại nơi công cộng như cầu, đường phố thì có thể bị xử phạt hành chính về hành vi gây mất trật tự công cộng.