Hàng quán 'chặt chém' khách ngày tết, bị xử phạt ra sao?

Vào những ngày tết, tôi thường thấy các hàng quán và nhiều địa điểm vui chơi thường không niêm yết giá hoặc bán không đúng giá của hàng hóa, dịch vụ để "chặt chém" người dân. Vậy xin hỏi, hành vi "chặt chém" du khách sẽ bị xử phạt ra sao?

Bạn đọc Phạm Chí Trung (chitrung…@gmail.com)

Luật sư Phạm Minh Tâm, Đoàn Luật sư TP.HCM, trả lời: Theo Điều 2 Luật Giá năm 2012, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thực hiện công khai thông tin về giá hàng hóa, dịch vụ gắn với thông số kinh tế, kỹ thuật cơ bản của hàng hóa, dịch vụ đó bằng hình thức niêm yết giá.

Theo đó, việc niêm yết giá được thể hiện bằng cách in, dán, ghi giá bằng đồng Việt Nam trên bảng, trên giấy hoặc trên bao bì của hàng hóa hoặc bằng hình thức khác tại nơi giao dịch hoặc nơi chào bán hàng hóa, dịch vụ để thuận tiện cho việc quan sát, nhận biết của khách hàng, cơ quan nhà nước.

Trường hợp tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh không niêm yết giá hoặc có hành vi bán giá cao hơn giá niêm yết sẽ bị xử lý vi phạm hành chính.

Cụ thể, theo khoản 1, 2, 3 Điều 12 Nghị định 109/2013 (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 49/2016), hành vi vi phạm về niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ như sau:

Phạt tiền từ 500.000-1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi không niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ tại địa điểm phải niêm yết giá theo quy định của pháp luật; niêm yết giá không đúng quy định, không rõ ràng gây nhầm lẫn cho khách hàng lần đầu.

Nếu tổ chức, cá nhân vi phạm hành vi trên trong trường hợp tái phạm, vi phạm nhiều lần thì bị phạt tiền từ 1.000.000-3.000.000 đồng.

Phạt tiền từ 5.000.000-10.000.000 đồng đối với hành vi bán cao hơn giá niêm yết hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân định giá.

Người dân khi phát hiện cửa hàng, tổ chức kinh doanh bán giá cao hơn giá niêm yết thì có thể báo cho cơ quan có thẩm quyền như: Cục Quản lý thị trường, UBND các cấp, công an… để bảo vệ quyền lợi chính đáng của bản thân.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm