Lái xe gây tai nạn chết người phải chịu trách nhiệm gì?

Vừa rồi, em tôi đi xe ô tô vô ý va chạm với xe máy làm một người chết, khi vụ tai nạn xảy ra, em tôi xe không uống rượu, bia và không sử dụng chất kích thích. Gia đình tôi có đến thăm hỏi động viên gia đình bị mất (có đưa 25 triệu cho gia đình họ làm mai táng phí) và xin được thỏa thuận đền bù. Gia đình họ đã đồng ý.

Cho tôi xin hỏi, trong trường hợp này nếu thỏa thuận được mức đền bù với gia đình người bị nạn thì em tôi có bị xử lý lý hình sự không? Trách nhiệm dân sự trong trường hợp này như thế nào?

Bạn đọc Nguyễn Ánh Ngọc, quận 5, TP.HCM

Luật sư Trần Hải Đức, Đoàn luật sư TP.HCM, trả lời: Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định, người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông gây thiệt hại cho người khác sẽ bị phạt tù trong trường hợp:

- Làm chết người;

- Gây tổn hại sức khỏe, thương tích của một người với tỉ lệ 61% trở lên.

- Gây thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng.

Người nào phạm tội này có thể bị phạt cao nhất lên đến 15 năm tù nếu:

- Làm chết ba người trở lên.

- Gây thương tích hoặc tổn hại sức khỏe của ba người trở lên với tổng tỉ lệ là 201% trở lên.

- Gây thiệt hại về tài sản từ 1,5 tỉ đồng trở lên.

Từ quy định trên cho thấy người tham gia giao thông chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự nếu:

- Không chấp hành quy định về an toàn giao thông.

- Gây ra hậu quả chết người hoặc gây thương tích, thiệt hại về tài sản của người khác với tỉ lệ thương tật và giá trị tài sản thiệt hại theo Điều 260.

Trong trường hợp trên, vụ va chạm xe của em trai bạn đã dẫn đến hậu quả chết người, đây là một trong những yếu tố cấu thành trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, cơ quan chức năng còn cần phải xem xét xác định yếu tố lỗi của các bên. Nếu trong quá trình điều khiển phương tiện tham gia giao thông gây hậu quả chết người nhưng chấp hành đúng Luật Giao thông đường bộ và hậu quả xảy ra do lỗi cố ý của nạn nhân, trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết thì tài xế sẽ không bị xử lý trách nhiệm hình sự. Còn nếu em trai của bạn tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông gây thiệt hại cho người khác sẽ bị phạt tù như các trường hợp đã nêu trên.

Về trách nhiệm dân sự, theo quy định tại Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015, người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.

Tuy nhiên, người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

Vì vậy để xác định trách nhiệm dân sự của em trai bạn trong trường hợp này cần phải xác định em trai bạn có lỗi hay không. Nếu chứng minh được em trai bạn hoàn toàn không có lỗi sẽ không phải chịu trách nhiệm nào đối với gia đình bên bị hại. Trong trường hợp có lỗi thì em trai bạn phải chịu các khoản bồi thường thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm theo Điều 591 Bộ luật Dân sự 2015, bao gồm:

- Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm.

- Chi phí hợp lý cho việc mai táng.

- Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng.

- Khoản bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại.

- Thiệt hại khác do luật quy định.

Tôi mong rằng từ bài học của em trai bạn, bạn và những người thân nên lái xe cẩn trọng và chấp hành đúng pháp luật về giao thông để đảm bảo sự an toàn cho chính mình và người khác. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm